Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2019

Giáo xứ Phú Lộc phát triển giữa vùng đất đa tôn giáo


GIÁO XỨ PHÚ LỘC
PHÁT TRIỂN GIỮA VÙNG ĐẤT ĐA TÔN GIÁO

Chiều ngày 19.3.2019, lễ kính thánh Giuse, cộng đoàn dân Chúa tập trung tại cửa nhà thờ Phú Lộc từ sớm. Mọi người mặc áo quần đẹp để tổ chức rước kiệu Thánh Giuse trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng, bên hương trầm thơm bay nghi ngút. Do nhà thờ nhỏ chật, không có sân, nên cộng đoàn rước tượng Thánh Cả đi vòng các hẻm nhỏ chung quanh nhà thờ, tạo nên một nét đẹp văn hóa Công giáo giữa khu xóm có nhiều đồng bào khác niềm tin. Trong địa bàn giáo xứ có nhiều đình miếu, chùa Phật giáo, đền thờ Hồi giáo, nhà nhóm Tin Lành… nên bên cạnh việc sống đạo mến Chúa yêu người, giáo dân Phú Lộc còn phải hướng đến việc loan báo Tin Mừng.

Từ Thí điểm Truyền giáo
Những bô lão trong xứ cho biết: Đầu thập niên 1970, nơi đây có một nhà nguyện, nhà dạy giáo lý thuộc giáo xứ PHÚ Nhuận, mang danh Thánh Phaolô Lê Văn LỘC tử đạo với tên gọi PHÚ LỘC.
Linh mục Bênêđitô Nguyễn Tri Phương và các chủ chăn mua thêm căn nhà bên cạnh để mở rộng làm Thí điểm Truyền giáo, dần trở thành xóm giáo Vinhsơn, hàng tuần có các linh mục xứ Phú Nhuận đến dâng lễ.
Tân linh mục Antôn Nguyễn Đình Thục thụ phong ngày 28.04.1973, được Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình gửi về Thí điểm Truyền giáo Phú Lộc từ ngày 22.6.1973 cùng hai tân linh mục Đaminh Ngô Quang Tuyên và Giuse Lại Văn Đoàn, làm nơi dừng chân khi đi làm mục vụ các nơi.
Đến ngày 22.11.1974, linh mục Giuse Lại Văn Đoàn về Phước Khánh (Nhơn Trạch), linh mục Đaminh Ngô Quang Tuyên đi truyền giáo ở khu Rừng Sác (Cần Giờ), rồi đến phục vụ tại nhà thờ Phú Xuân (hạt Xóm Chiếu).
Sau năm 1975, Phú Lộc được gọi là Giáo xứ. Linh mục Antôn Nguyễn Đình Thục tiếp tục quản xứ, đặt nền móng cho một xứ đạo non trẻ, cho đến ngày 19.02.1989 vâng lời Đấng Bản quyền lên đường đi nhận nhiệm sở mới.
Giáo xứ Phú Lộc tuy nhỏ bé, nhưng luôn được Bề trên lưu tâm, thường gửi các linh mục trẻ, nhiệt tình đến chăn dắt đoàn chiên. Các linh mục chính xứ đến sống, làm việc chung cùng các tín hữu - trong thời gian ngắn hay dài - đều để lại những dấu ấn sâu đậm trong cộng đoàn:
Linh mục Barnaba Trần Cương Quyết (chính xứ 19.02.1989 - 01.09.1999) sửa chữa nhà xứ, nới rộng cung thánh vào năm 1989, mua căn nhà thứ ba liền kề để mở rộng diện tích, xây dựng ngôi thánh đường mới dâng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu năm 1992.
Linh mục Phêrô Phạm Văn Long (chính xứ 02.09.1999 - 25.09.2003) lập các Giáo khu năm 2000, lập thừa tác viên, có nội quy ca đoàn, củng cố ban lễ sinh, bồi dưỡng gia trưởng, lập hội Các Bà mẹ Công giáo năm 2002.
Linh mục Vinhsơn Trần Quốc Sử (chính xứ 27.09.2003 - 25.04.2008) nâng nền cung thánh, lợp mái chống dột, đặt làm Bàn thờ bằng đá để được thánh hiến.
Linh mục Antôn Nguyễn Văn Toàn (chính xứ 26.04.2008 - 02.08.2009) không chỉ thực hiện bề nổi bên ngoài như sửa sang nhà thờ, lắp hệ thống âm thanh mới, chiếu phim về cuộc đời Chúa Giêsu dịp lễ Giáng sinh, mà còn mời gọi giáo dân đến với Lòng Thương xót Chúa, tham gia công tác xã hội...
Linh mục Phêrô Hoàng Đình Thành, quản nhiệm từ ngày 2 đến ngày 22.8.2009, cũng để lại sự quyến luyến trong Hội đồng Mục vụ Giáo xứ.

Vượt qua những khó khăn
Ngày 19.08.2009, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn - Tổng Giám mục Tổng Giáo phận TP.HCM - có quyết định bổ nhiệm linh mục Vinhsơn Nguyễn Đức Dũng về làm chính xứ Phú Lộc.
Theo yêu cầu của chính quyền địa phương, nhà thờ Phú Lộc phải lùi vào, dỡ bỏ phần sân và tường rào để mở rộng đoạn đường phía trước cho phù hợp với quy hoạch chung. Linh mục Vinhsơn Nguyễn Đức Dũng mới về nhận xứ, còn bỡ ngỡ với vai trò mới đã phải đảm đương việc giải tỏa để xây sửa nhà Chúa. Nhờ ơn Chúa lo liệu và sự cộng tác của nhiều người, của các ân nhân trong và ngoài giáo xứ, đã hoàn tất việc trùng tu, giúp bà con giáo dân Phú Lộc có nơi xứng đáng hơn để thờ phượng Thiên Chúa và sống tốt đạo đẹp đời giữa xã hội hôm nay.
Sáng ngày 19.06.2010, cộng đoàn dân Chúa tại giáo xứ Phú Lộc hân hoan đón chào quý khách đến mừng ngày hoàn thành công trình trùng tu. Nhà thờ giáo xứ có được diện mạo mới sau gần 6 tháng sửa chữa, xây dựng. Chủ tế Thánh lễ Tạ ơn là linh mục Quản hạt Phú Nhuận Micae Nguyễn Văn Lộc cùng 6 linh mục trong và ngoài Giáo hạt đến chung niềm vui.
Trong thánh lễ, linh mục Quản hạt Micae Nguyễn Văn Lộc mời gọi cộng đoàn cảm tạ Chúa về những hồng ân Chúa ban. Bài giảng lễ đưa mọi người nhìn vào lịch sử Giáo xứ với 6 đời linh mục chính xứ. Từ 1 căn nhà có 1 số, các linh mục mua căn thứ 2, rồi căn thứ 3 nên nhà thờ có tới 3 số nhà. Từ căn nhà ọp ẹp, giáo dân ít, nay có ngôi thánh đường khang trang, đẹp. Tạ ơn Chúa vì có những linh mục chính xứ nhiệt tình, năng nổ, sáng tạo và lo cho đoàn chiên. Nhà thờ bị giải tỏa phải lùi vào, giáo dân trong xóm lao động nhưng quảng đại, nhiệt tình thực hiện công trình, rộng lòng đóng góp. Phải cảm tạ Chúa vì mọi việc suôn sẻ, không gặp trở ngại, công trình tiến triển tốt đẹp.
Người giáo dân Phú Lộc rất sốt sắng hưởng ứng việc chung. Ngày 7.10.1999, Ban Cố vấn 3 cụ và Ban Quản nhiệm 5 người do các bô lão trong giáo xứ đề cử, đã ra mắt để cộng tác với linh mục chính xứ. Ngày 05.12.2002, chính thức thành lập Hội đồng Mục vụ khóa I, nhiệm kỳ 2002 - 2006 với 25 thành viên. Ngày 24.12.2006, Hội đồng Mục vụ khóa II nhiệm kỳ 2006 - 2008 nhận ủy nhiệm thư và tuyên thệ phục vụ. Hội đồng Mục vụ giáo xứ Phú Lộc khóa III nhiệm kỳ 2008 - 2011 gồm 23 thành viên được bầu chọn vào ngày 07.09.2008. Hội đồng Mục vụ trở nên cánh tay nối dài của các linh mục trong việc phục vụ cộng đoàn dân Chúa mỗi ngày, không nề quản việc trực đêm để trông nom nhà Chúa, phụ giúp công trình xây dựng và ngủ đêm bảo vệ vật liệu trong thời gian xây sửa…
Ngày 18.7.2014, Đức Tổng Giám mục Tổng giáo phận TP.HCM Phaolô Bùi Văn Đọc có quyết định bổ nhiệm linh mục Andrê Trần An Hiệp về làm chính xứ Phú Lộc, cho đến ngày 9.7.2018. Trong 4 năm gắn bó với Phú Lộc, linh mục Andrê Trần An Hiệp thiết lập Legio Mariae, Caritas và Ban Truyền giáo, thường xuyên mở các lớp giáo lý Tân tòng. mời các gia đình từng giáo khu đến với nhà thờ qua bữa ăn thân tình, gặp gỡ Ban Thường vụ Hội đồng mục vụ giáo xứ hàng tuần. Vị mục tử có học vị tiến sĩ đã tìm những bài thuốc qua thực phẩm để giúp tín hữu khỏe mạnh phần xác, soạn bài giảng kỹ để giúp tín hữu hiểu được Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng nên vũ trụ... Hội đồng Mục vụ giáo xứ Phú Lộc nhiệm kỳ 2016 - 2020 hiện nay có 34 thành viên, do ông Giuse Nguyễn Đình Chiến làm Chủ tịch, được linh mục chính xứ trao ủy nhiệm thư do Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc ký ngày 09.04.2016.

Phát triển giữa vùng đất đa tôn giáo
Nhà thờ Phú Lộc diện tích nhỏ nhưng có 3 số nhà 109 - 111 - 113 đường Duy Tân phường 15 quận Phú Nhuận TP.HCM.
Theo thống kê vào tháng 1 năm 2019, giáo xứ Phú Lộc có 180 gia đình với 678 tín hữu trong 5 giáo họ, đặt bà con giáo dân các giáo họ dưới sự bảo trợ của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Thánh Giuse, Chúa Kitô Vua, hai Thánh Phêrô và Phaolô, Chúa Thăng Thiên.
Đức Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng - Giám quản Tông tòa giáo phận TP.HCM - có quyết định cử linh mục Phaolô Nguyễn Vũ Thông về quản xứ Phú Lộc từ 31.7.2018. Với tinh thần hăng say và nhiệt huyết tông dồ, tân linh mục quản xứ đã nối tiếp truyền thống của các vị mục tử tiền nhiệm, xây dựng đời sống Đức Tin của giáo xứ ngày một thăng tiến, giúp cộng đoàn tín hữu ngày một tăng trưởng về Đức Cậy và Đức Ái. Linh mục Phaolô Nguyễn Vũ Thông đã củng cố các hội đoàn, gia tăng lòng sùng kính Đức Mẹ, từng bước hướng dẫn để người dân trong xứ biết đoàn kết, cùng chung tay trong các sinh hoạt của giáo xứ. Lần đầu tiên, giáo xứ Phú Lộc tổ chức đi rước kiệu chung quanh khu vực nhà thờ, mời các xứ bạn về hội diễn Thánh ca Giáng sinh và ấp ủ kế hoạch xây dựng tháp chuông...
Từ ngày 16.3.2019, linh mục quản xứ dâng thêm thánh lễ vào sáng sớm thứ Bảy hàng tuần, nối lại truyền thống đã bị ngưng hơn 10 năm nay. Ngài mời gọi các tín hữu cộng tác với công việc chung của giáo xứ, tham gia vào ca đoàn, các đoàn thể, làm giáo lý viên…
Ngày 22.3.2019, giáo xứ tổ chức đi thăm và tặng quà cho 100 hộ khó khăn của giáo xứ Oven (tỉnh Sóc Trăng, giáo phận Cần Thơ), giúp một gia đình khoan giếng nước sạch và giúp lợp mái tôn mới cho một nhà nghèo, với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng… Giáo xứ có những phần quà tặng gia đình nghèo, gia đình ngoại giáo; chúc thọ các cụ già trên 70 tuổi vào sáng mùng 2 Tết Nguyên đán như truyền thống nhiều năm trườc đây.
Ngày 2.4.2019, cộng đoàn giáo xứ được hôn xương thánh Đaminh Vũ Đình Tước - linh mục tử đạo - cùng thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh - giáo dân tử đạo - và sẽ tôn kính các ngài nơi bàn thờ đá đã được thánh hiến...Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng cũng mới bổ nhiệm Thừa tác viên Thánh Thể cho giáo xứ và công bố với cộng đoàn ngày 6.4.2019...
Còn nhiều dự định cho sinh hoạt của xứ nhà trong tương lai. Hy vọng với ơn Chúa ban, Cha và Con ở giáo xứ Phú Lộc sẽ ngày một tiến triển hơn, góp phần tân Phúc âm hóa trong khu vực đa tôn giáo của phường 15 quận Phú Nhuận TP.HCM.

Vinhsơn Vũ Đỗ Hoàng Tuấn
Bài đăng trên cuốn Nhịp sống Tin Mừng số 29, tháng 5..2019, từ trang 81 đến 88.

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

3 người "Anh hùng" trong 1 mái nhà

Ba người "anh hùng" trong một mái nhà

NHƯ CÁNH CHIM ĐẦU ĐÀN

Anh Gioan Baotixita Nguyễn Đức Thành sinh ngày 11/6/1957, là anh cả trong một gia đình có 9 anh chị em ở quận 11, thành phố Hồ Chí Minh. Anh cùng bố mẹ bươn chải để lo cho các em đang tuổi ăn học. Vào năm 1980, anh Thành nhận được giấy gọi nhập ngũ và lên đường sang chiến trường Campuchia giúp nước bạn.

Sau 7 tháng chiến đấu, trong một lần cùng đồng đội truy quét quân Pôl Pốt, anh đã vướng phải mìn do quân địch cài lại. Những miếng kim khí găm vào đôi chân và tay cùng với sức công phá làm anh ngã xuống. Anh Thành được đưa về trạm xá sơ cứu 21 ngày rồi mới chuyển về nước, vào Bệnh viện Quân y 175 để các bác sĩ mổ lấy một số mảnh kim loại ra.

Những ngày đầu bị thương, anh rất sợ hãi. Nhưng theo truyền thống đức tin Công giáo được bố mẹ hướng dẫn từ nhỏ, anh biết luôn có Thiên Chúa đồng hành với mình trong mọi biến cố vui buồn của cuộc sống, nên anh phó thác đời mình trong bàn tay quan phòng của Chúa. Nhờ vậy mà anh Đức Thành vượt qua được mấy ca mổ liên tiếp. Vẫn còn vô số miểng bom nhỏ sót lại, quyết tâm “làm bạn” với anh không rời. Sau 3 tháng dưỡng thương, anh lại chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, trở lại đơn vị cũ trên đất bạn Campuchia, tiếp tục cầm súng chiến đấu.

Đến năm 1982, anh Gioan Baotixita Nguyễn Đức Thành được phục viên. Sau 2 năm 1 tháng lên đường làm nghĩa vụ quốc tế, anh trở về với giám định thương tật 61%, là thương binh loại 2/4.
Không đầu hàng số phận, anh cố gượng dậy, đi châm cứu, tự rèn luyện để phục hồi sức khỏe, Là anh lớn trong nhà, như cánh chim đầu đàn, anh phải tìm cách mưu sinh, làm những việc vừa tầm với mình để phụ bố mẹ lo cho đàn em nhỏ. Chỉ khi trái gió trở trời, vết thương tái phát, những mảnh kim loại gây sưng mủ thì anh mới chịu đi bệnh viện. Bác sĩ khám cho thuốc trụ sinh uống ròng rã 6 tháng trời mà vẫn không hết. Anh quay đi tìm nơi có thể mổ ngoài giờ, dù có tốn kém hơn với người thương binh như anh. Căn bệnh đau xương khớp, thoái vị đĩa đệm mấy năm nay cứ đeo bám “người vô sản” như anh hoài. Cũng phải ráng lướt qua cơn đau mà vui sống.

Năm nay anh Thành đã bước sang tuổi 63. Vậy mà tôi vẫn muốn gọi người thương binh Công giáo này là “anh” vì tinh thần các anh luôn trẻ hơn so với tuổi đời. Nhìn lại chặng đường đã qua, anh cảm nhận mình vẫn còn may mắn hơn những người khác. Nhiều đồng đội còn bị nặng hơn. Niềm hạnh phúc của anh bây giờ là có thể đến nhà thờ dự thánh lễ, cảm tạ Thiên Chúa vì muôn ơn lành anh đã được trao ban. Mang trên mình nhiều thương tích chiến tranh nhưng anh vẫn nở nụ cười, không đòi hỏi ưu đãi gì đặc biệt dành cho mình, và gia đình.

THEO GƯƠNG ANH CẢ

Lúc ấy, chiến trường biên giới Tây Nam vẫn còn khốc liệt và cần thêm nhân lực. Vào năm 1985, gia đình nhận được giấy gọi nhập ngũ thứ hai. Noi gương người anh cả, anh Gioan Baotixita Nguyễn Đức Hùng gạt sang một bên những hoài bão của tuổi 20, cầm súng lên đường sang giúp nước bạn Campuchia. Hơn hai năm, anh Đức Hùng cùng đồng đội vừa chiến đấu, vừa giúp người dân lao động ổn định cuộc sống. Năm 1987, trong một lần hành quân, anh trúng mìn do tàn quân Khmer Đỏ cài lại trên đường. Vết thương quá nặng. Để bảo toàn tính mạng cho người thương binh, các bác sĩ phải cắt bỏ cả hai chân: Chân phải cắt ngang đùi, chân trái cắt gần đầu gối. Mắt phải bị tổn thương nặng. Tỷ lệ thương tật là 91%, xếp hạng thương binh loại 1/4.

Trở về nhà trên chiếc xe lăn, chàng trai mới 22 tuổi đã gặp sự khủng hoảng tâm lý và suy sụp về tinh thần. Bố mẹ và các anh chị em giúp anh Đức Hùng tìm lại được bình an trong tâm hồn. Người anh cả thương binh cũng là người gần gũi, động viên nhưng đôi lúc cũng phải bực mình khi cả ngày anh Hùng không nói câu nào, không chịu tiếp xúc với ai trong thời gian dài, râu tóc cứ để mọc dài rậm rạp.

Anh Thành cũng phụ mẹ lo cho em trong việc vệ sinh. Nhưng nay anh Thành xuống sức nhiều, muốn phụ nhưng không làm nổi, không thể đẩy xe lăn đưa em ra ngoài cửa. Mọi việc phải dồn qua cho mẹ già lo. Anh Hùng giờ sống nhờ vào sự chăm sóc của mẹ và anh. Đến bữa, mẹ đưa gì thì anh ăn nấy, đưa nước thì uống, cứ như đứa trẻ lên 3. Mẹ phải luôn để mắt đến anh Hùng, dành cho anh sự săn sóc đặc biệt. Nhờ vậy mà anh như được tiếp thêm sức sống suốt hơn 30 năm qua.




Ông Gioan Baotixita Nguyễn Văn Thơi - Chủ tịch Hội đồng Mục vụ của giáo xứ Vĩnh Hòa (quận 11 TP.HCM) - cho biết: Giáo xứ cũng có quan tâm đến gia đình của các anh. Dịp mừng đại lễ Phục sinh và Giáng sinh, cộng đoàn giáo xứ đều có đến thăm và tặng chút quà động viên tinh thần. Bà con giáo dân cũng thường đến cùng đọc kinh, cầu nguyện với gia đình trong dịp giỗ. Vào ngày lễ dành cho bệnh nhân, linh mục chính xứ và các hội đoàn cũng nhớ đến các thương bệnh binh trong xứ, nhắc người thân đưa đến nhà thờ dự thánh lễ và lãnh nhận bí tích Xức dầu bệnh nhân. Hàng tháng, linh mục chính xứ và thừa tác viên có đến nhà bệnh nhân đau yếu để thăm hỏi, ban bí tích, cho rước Mình Thánh Chúa,…

Vào những ngày lễ, chính quyền địa phương có đến thăm hỏi và động viên các thương binh nặng. Hàng tháng gia đình cũng có nhận được tiền trợ cấp, cấp dưỡng từ nhà nước. Nếu không đau ốm thì còn đỡ, chứ khi nằm viện hay phải mua thêm thuốc, đi châm cứu thì cả nhà phải chạy đi vay mượn người quen.

SỰ HY SINH ÂM THẦM

Ngoài hai anh thương binh, trong gia đình còn một người nữa xứng đáng được tôn vinh là anh hùng. Đó là người đã tiễn hai con mình lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự và đã hai lần nuốt nước mắt vào trong để lên bệnh viện quân y đón con về trên cáng cứu thương. Đó là người mẹ của gia đình, bà Maria Nguyễn Thị Guộn, đã âm thầm hy sinh cả cuộc đời mình vì mẹ già, vì chồng, vì các con.

Bà sinh năm 1937 ở Hưng Yên. Năm 17 tuổi lấy ông Gioan Baotixita Nguyễn Đức Thi là người cùng quê. Hai vợ chồng di cư vào miền Nam năm 1954, hết xuống vùng Củ Chi rồi lại vòng lên Tân Bình. Chồng đi lính di chuyển đến nhiều nơi, cả nhà gồm vợ và 9 con cùng mẹ già cũng đi theo. Mãi sau này gia đình mới định cư tại quận 11 TP.HCM.

Bà quán xuyến mọi việc trong nhà để chồng tích cực tham gia việc chung của giáo xứ Vĩnh Hòa, là một thành viên năng nổ của Ban Đoàn kết Công giáo quận 11 thành phố Hồ Chí Minh. Về nhà, chồng phụ bà lo cho các con thương binh, thường ngày hay chở anh Đức Hùng đi ra ngoài phố, đến nhà thờ cho khuây khỏa. Một hôm đang đẩy xe lăn đưa con đi dạo thì ông Đức Thi bị trượt té. Ông phải nằm liệt một thời gian trước khi mất vào năm 2013… Bà cũng một tay chăm sóc cho đến lúc mẹ già qua đời, khi cụ đại thọ 105 tuổi, vào năm 2015...

Người nữ tướng của gia đình không đầu hàng số phận. Với ơn lành của Thiên Chúa ban cho, bà cảm nhận được “Thánh giá khổ đau” mà bà đang vác trên vai không quá sức, trong khi chung quanh còn nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bi đát hơn nhiều. Bà đi vay, đi mượn để sửa lại căn nhà trong ngõ nhỏ, ngăn phòng cho thuê để kiếm thêm ít thu nhập mua thực phẩm cho ba mẹ con, không muốn trở nên gánh nặng cho những đứa con khác.

Nay đã 82 tuổi, đi lại nặng nề do tuổi già và những cơn đau lưng, tê chân nhưng hàng ngày bà vẫn đi chợ, nấu ăn, chăm sóc cho hai con thương binh nặng của mình. Những công việc không tên khiến bà luôn tay từ mờ sáng đến chập tối. Khi các con ngủ rồi, bà mới yên tâm ngả lưng. Khi con thức gọi mẹ, bà tỉnh dậy ngay, bắt đầu một ngày mới. Bà chỉ đi chợ và đi lễ rồi mau chóng về nhà. Được mời rước đi đâu, bà cũng từ chối, để ở nhà nấu ăn ngày ba bữa cho con.

MƠ ƯỚC MỘT THẾ GIỚI HÒA BÌNH, KHÔNG CÓ CHIẾN TRANH

Anh Gioan Baotixita Nguyễn Đức Thành ước mong sao thế giới luôn có hòa bình, đừng xảy ra chiến tranh, vì cả hai phía đều chịu tổn thất nặng nề về người và của. Là những người lính xông pha nhiều trận địa, để lại một phần xương máu nơi chiến trường, anh Gioan Baotixita Nguyễn Đức Thành và anh Gioan Baotixita Nguyễn Đức Hùng cảm nhận sâu sắc nỗi đau thương, mất mát và di chứng chiến tranh suốt 37 năm qua trong gia đình mình, trong gia đình các đồng đội đã hy sinh.

Thông điệp “Một thế giới hòa bình, không có chiến tranh”. Mong sao mơ ước của ba người “anh hùng” trong một gia đình Công giáo mãi bừng sáng, lan tỏa khắp nơi…
 
VINHSƠN VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN
Bài và ảnh đăng trên Báo Người Công giáo Việt Nam và đăng trên Trang tin điện tử Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam ngày 24.7.2019




Linh mục Phêrô Phan Khắc Từ cùng đại diện Ủy ban ĐKCG TP.HCM và đại diện giáo xứ Vĩnh Hòa đến thăm, tặng quà gia đình 2 thương binh. Ảnh: VĐHT

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2019

Họp mặt gia đình thương binh liệt sĩ Công giáo


Họp mặt các gia đình thương binh liệt sĩ Công giáo

Hướng tới kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2019), sáng ngày 23.7, Ủy ban Ðoàn kết Công giáo Việt Nam TP.HCM đã tổ chức ngày họp mặt các gia đình có thân nhân là thương binh, liệt sĩ trong giới Công giáo. Ðoàn do linh mục Phêrô Phan Khắc Từ, Chủ tịch Ủy ban Ðoàn kết Công giáo TP.HCM dẫn đầu đã đến dâng hương tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi.
Trưa cùng ngày, đoàn ghé về nhà thờ họ đạo Lô 6 (giáo phận Phú Cường) để hiệp dâng thánh lễ do Ðức Giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám mục giáo phận Phú Cường chủ tế cùng với nhiều linh mục. Chia sẻ trong thánh lễ, Ðức Giám mục Giuse nhấn mạnh đến sự hiệp thông với các tín hữu đã khuất. Ngài mời gọi mọi người hướng lòng về những người thân yêu, những người đã hy sinh vì quê hương, đất nước, dâng lời cầu nguyện để các linh hồn sớm được về bên Chúa và các thánh nơi thiên quốc.
Cũng nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm, trước đó vào sáng 22.7.2019, một số thành viên Ủy ban Ðoàn kết Công giáo TP.HCM đã đến viếng mộ phần linh mục liệt sĩ Nguyễn Bá Luật tại nghĩa trang các linh mục Chí Hòa. Linh mục Gioakim Nguyễn Bá Luật sinh năm 1903 tại Thủ Thừa, Long An. Cậu lãnh tác vụ linh mục ngày 21.6.1929 tại Sài Gòn và sau đó đảm nhiệm chức vụ chánh xứ Huyện Sĩ. Trong gia đình cậu có 10 anh chị em thì có tới 3 linh mục và 4 nữ tu. Với tinh thần yêu nước, linh mục Gioakim Nguyễn Bá Luật đã có nhiều đóng góp trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngài cũng từng là tuyên úy quân đội cách mạng tại khu 7; Phó Chủ tịch Hội Công giáo Kháng chiến Nam Bộ… Ngày 27.11.1951, trong một chuyến đi mục vụ để cử hành lễ hôn phối cho một đôi vợ chồng tham gia kháng chiến, linh mục đã bị sát hại tại kinh Kỳ Sơn, huyện Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Hà (nay một phần thuộc tỉnh An Giang và một phần thuộc Kiên Giang).
 
Sau thắp hương và đọc kinh tại mộ phần linh mục Gioakim Nguyễn Bá Luật, đoàn Ủy ban Ðoàn kết Công giáo TP.HCM đã đến thăm, tặng quà cho một số gia đình thương binh nặng.

PHÚ THỊNH - HOÀNG KIM LONG
Bài và ảnh đăng trên Báo Công giáo và Dân tộc số 2216 ra ngày 26.7.2019 trang 21 và đăng trên Trang tin điện tử Công giáo và Dân tộc ngày 25.7.2019


Thăm gia đình liệt sĩ Công giáo



Ngày 26.7.2019, linh mục Ðaminh Ðinh Ngọc Lễ - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Ðoàn kết Công giáo thành phố Hồ Chí Minh - đã dẫn đầu đoàn Ủy ban Ðoàn kết Công giáo TP.HCM và quận Gò Vấp thăm và tặng quà 3 gia đình liệt sĩ là giáo dân thuộc xứ Hợp An, Lam Sơn và Hạnh Thông Tây. Sáng cùng ngày, phái đoàn do linh mục Chủ tịch Phêrô Phan Khắc Từ dẫn đầu đã đi thăm và trao quà đến gia đình liệt sĩ và thương binh Công giáo tại quận 11 và quận Bình Thạnh TP.HCM.

VŨ ÐỖ HOÀNG TUẤN
Tin và ảnh đăng trên Báo Công giáo và Dân tộc số 2217 ra ngày 2.8.2019 trang 21 và đăng trên Trang tin điện tử Công giáo và Dân tộc ngày 1.8.2019