Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Bạn trẻ Việt Nam dùng cơm với Đức Giáo hoàng Phanxicô

MỘT BẠN GÁI VIỆT NAM ĐƯỢC DÙNG CƠM TRƯA VỚI ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

Đó là bạn Maria Nguyễn Phương Trang, 24 tuổi, giáo dân xứ Tân Thái Sơn (giáo phận TP.HCM), hiện tại đang sinh hoạt trong phong trào Thanh Sinh Công. Phương Trang đại diện cho Việt Nam, cùng với 17 bạn trẻ các nước tham dự Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ 6 ở Hàn Quốc được mời dùng bữa cơm trưa với Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Phương Trang kể lại: Bữa cơm diễn ra vào trưa ngày 15.8.2014, tại Đại Chủng viện Daejeon. Đoàn xe chở Đức Giáo hoàng Phanxicô tiến vào. Ngài đến không có tiếng reo hò vang dội, không có cảnh nhộn nhịp của đám đông như thường gặp. Ngài bắt tay từng bạn trẻ trong sự yên bình - như một người thân, một người ông lâu ngày gặp lại, thân thiết gần gũi đến lạ kỳ, không một chút khoảng cách. Mọi người ngồi vào bàn. Các bạn tham dự cũng như tôi có một khoảng lặng, để xem đây là mơ hay thật… khi được cùng bàn với người rất rất đặc biệt, người mà tất cả chỉ được thấy trên báo, trên mạng, người mà tất cả chưa từng dám nghĩ là sẽ được ở gần đến thế. Chắc chắn là thật rồi. Đức Giáo hoàng Phanxicô đang gởi lời chào đến từng bạn trẻ. Thật hạnh phúc! Người đang chào tôi, người nói xin chào với bạn trẻ Việt Nam cùng với một nụ cười rất tươi. Một nụ cười hiền hậu, nụ cười của một người ông đang chuẩn bị ôm chặt đứa cháu bé bỏng vì lâu ngày chưa gặp mặt...
Bữa trưa được mở đầu bằng lời nguyện của Đức Giáo hoàng. Những món ăn được chăm chút tỉ mỉ, thực đơn được chuẩn bị trước 3 tháng, thực phẩm được lựa chọn rất kỹ. Từ kiểu trưng bày bàn ăn đến cách trang trí món ăn cũng đủ toát lên sự trọng đại của bữa tiệc này. Sau món khai vị là lúc các bạn nói chuyện, tâm sự cùng người ông lớn. Từng bạn luân phiên chia sẻ. Có bạn kể về người trẻ tại quốc gia mình, có bạn chỉ kể về cá nhân. 
Đức Giáo hoàng lắng nghe rồi giải đáp ngay với từng bạn. Ngài không nói nhiều, chỉ là những câu ngắn gọn. Ý chính ngài muốn nhắn gửi: Dù bạn có là ai, hay dùng phương pháp nào thì hãy nhớ rằng tất cả là để mang Tin Mừng đến cho tất cả mọi người.
Bạn trẻ đại diện Hàn Quốc chia sẻ đã hy vọng được gặp Đức Giáo hoàng tại Đại hội Giới trẻ Thế giới năm 2013 ở Brazil. Bạn đứng chờ từ sáng đến tối ở một con đường với mong ước rằng chiếc xe chở Đức Giáo hoàng sẽ chạy ngang qua để bạn có thể chạm tay ngài dù chỉ một lần nhưng xe ngài không ngang qua đó. Bạn đi qua Vatican hai lần, cũng chỉ với hy vọng ấy nhưng lại không thành công. Bạn ấy không kìm nổi nước mắt vì hạnh phúc, vì có được giây phút đến gần với Đức Giáo hoàng Phanxicô hơn những gì bạn có thể hình dung ra được. Đây cũng là tâm trạng của hầu hết 18 bạn trẻ các nước: Hạnh phúc đến phát khóc, hạnh phúc đến mức phải tự hỏi đang mơ hay thật.
Phương Trang thì kể với Đức Giáo hoàng Phanxicô về thao thức xây dựng trường đại học Công giáo ở Việt Nam là nơi cung cấp kiến thức, huấn luyện kỹ năng sống và đào tạo nhân bản cho giới trẻ. Dù dự án có khó khăn nhưng giới Công giáo vẫn kỳ vọng trong tương lai gần sẽ làm được. Đức Giáo hoàng vui vẻ nói rằng đây là việc quan trọng, các con phải cố gắng để hoàn tất.
Phương Trang nhớ lại: “Vị mục tử nhìn tôi với ánh mắt trìu mến. Ánh mắt đó như muốn nói rằng, các con ơi, cố lên, Cha vẫn cầu nguyện cho đất nước các con mỗi ngày. Sau khi nghe lời dặn dò, tôi đã xin ngài “say Hi” (nói lời Xin chào) đến với dân tộc Việt Nam và tôi xin phép được quay lại hình ảnh đó. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã không ngần ngại, với một nụ cười thật tươi, ngài đã lập lại nhiều lần từ “Hi” (Xin chào) cùng với những cái vẫy tay chào thật thân thiện. Dù cho thời gian tôi được nói chuyện với Đức Giáo hoàng chưa đầy 5 phút nhưng thật sự rất ý nghĩa và quý giá”.
Trước khi chia tay, Đức Giáo hoàng ký lên bảng tên cho từng bạn. Mọi người đua nhau tự chụp hình bằng điện thoại với người kế vị Thánh Phêrô.  Rồi ngài đề nghị các tham dự viên cất lên lời ca bài “Wake up! Asian Youth” (Tỉnh thức, hỡi bạn trẻ Á châu) là chủ đề của Đại hội Giới trẻ châu Á 2014 tại Hàn Quốc, với nội dung: Sống dưới ánh hào quang của các Thánh Tử Đạo, thanh niên hãy tỉnh thức và trở thành chứng nhân trong cuộc đời hôm nay. Các bạn cùng múa và hát xung quanh vị mục tử. Lúc ấy, nhìn tất cả như một gia đình: ông đang vui đùa cùng những đứa cháu, ông cảm nhận được sự vui nhộn và cùng lắc lư theo giai điệu sôi động của bài hát. Để kỷ niệm bữa ăn đặc biệt này, tất cả cùng chụp chung với ngài một tấm ảnh.
Khi Đức Giáo hoàng Phanxicô ban phép lành và chuẩn bị ra về, bạn trẻ đại diện Philippines nói rằng bạn ấy muốn ôm lấy ngài. Vị mục tử đã dang tay và ôm bạn ấy vào. Tất cả các bạn khác cũng đã kịp chạy vào vòng tay của người ông đáng kính ấy. Hình ảnh này khép lại bữa cơm trưa với người kế vị Thánh Phêrô. Hình ảnh ấy cũng nói lên rằng Giáo hội Công giáo vẫn luôn quan tâm và kỳ vọng vào giới trẻ, trong đó có thanh niên Việt Nam.
Nghe kể lại chuyện này, Thùy Liên - một thành viên trong đoàn Việt Nam tham dự Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ 6 nói rằng có đôi lúc bạn cũng hơi ganh tỵ với Phương Trang đã được cùng ăn cơm với Đức Giáo hoàng Phanxicô, nhưng phần tự hào lại càng lớn hơn gấp bội.
Phương Trang còn cho biết thêm, tham dự Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ 6 ở Hàn Quốc năm 2014, đoàn Việt Nam có 1 giám mục, 3 linh mục, 3 tu sĩ và 28 bạn trẻ. Hòa nhập vào sân chơi thế giới và khu vực, đoàn Việt Nam không thua kém ai. Trong buổi lễ khai mạc sáng 13.8.2014, bạn Hoài Trang được mời làm người dẫn chương trình bằng tiếng Anh trong suốt 7 ngày Đại hội. Giọng ca Bùi Nguyên Tú được tham gia chung trong nhóm hát bài “Jesus Christ, You are my life” (Đức Giêsu Kitô, Ngài là cuộc sống của con) và sau đó hát bài này bằng lời Việt. Điệu vũ và lời bài hát “Làm dấu” của các thành viên Việt Nam bằng song ngữ Việt - Anh trong buổi cầu nguyện sáng 14.8 làm cả hội trường xúc động. “Nơi đâu có sự hiện diện của đoàn Việt Nam, nơi ấy rộn vang tiếng cười” - đó là nhận xét của không ít đoàn nước bạn về các thanh viên đất Việt. Đoàn Việt Nam còn được nhận một thẻ Ưu tiên lãnh phần ăn của Ban Tổ chức tưởng thưởng cho quá trình chuẩn bị trước Đại hội.

VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1995 - 1996  ra ngày 13.02.2015, trang 38 và 39.

* Ban Tổ chức Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ 6 có gửi thông báo: Đại diện giới trẻ khu vực sẽ có bữa trưa cùng Đức Giáo hoàng tại Hàn Quốc. Cả linh mục Gioan Lê Văn Việt - Tổng Thư ký Ủy ban Mục vụ Giới trẻ thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam - và tôi đều lơ là khi đọc đến điểm này: “Chắc không đến lượt Việt Nam mình đâu!”. Vị linh mục Tổng Thư ký trả lời: “Con cứ cầu nguyện, biết đâu Chúa chọn giới trẻ Việt Nam mình cho dịp đặc biệt này”. Rồi chuyện này cũng không được nhớ đến vì cả đoàn đều bận rộn với công tác chuẩn bị cho chuyến đi. Cách Đại hội một tháng thì nhận được thông tin đại diện Việt Nam được mời đến bữa ăn trưa cùng Đức Giáo hoàng và tôi được chọn đi. Lúc đó tôi còn không tin vào tai mình cho đến ngày được bước vào phòng khách lớn của Đại Chủng viện Daejeon…

(MARIA NGUYỄN PHƯƠNG TRANG - Trưởng đoàn Giới trẻ Việt Nam tham dự Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ 6 tại Hàn Quốc năm 2014)

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Ban Đoàn kết Công giáo quận 10, 12, Bình Thạnh và quận 6 TP.HCM tổng kết 2014

CÁC BAN ĐOÀN KẾT CÔNG GIÁO TP.HCM TỔNG KẾT NĂM 2014

* Ban Đoàn kết Công giáo quận 10 TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết vào sáng 22.1.2015.
Trong năm qua, người Công giáo quận 10 đã nhiệt tình đóng góp vào việc chung. Ba giáo xứ tiếp sức mùa thi hai đợt cho 465 thí sinh và 60 phụ huynh. Năm giáo xứ cấp học bổng cho 115 em. Có 406 lượt người tham gia hiến máu nhân đạo... Giáo xứ Phaolô, Giuse thường xuyên giúp người gặp khó khăn, hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Giáo xứ Hòa Hưng thu quần áo, sách giáo khoa cũ cho người nghèo, đưa một em đi cai nghiện ma túy, đưa bệnh nhân nghèo đi mổ mắt. Giáo xứ Tống Viết Bường mở các lớp Anh ngữ dạy 65 học sinh, thu hút 83 người tham gia câu lạc bộ dưỡng sinh, cầu lông; xây dựng hạ tầng. Giáo xứ Vinh Sơn mua tặng máy truyền hình cho một cụ già neo đơn, trợ cấp hai ca mổ tim và viêm màng não, cùng địa phương lo quà Tết cho hộ nghèo. Giáo xứ Bắc Hà tạo điều kiện cho Phật tử phát cơm chay hai lần mỗi ngày. Giáo xứ Đồng Tiến giúp 910 bệnh nhân, hỗ trợ các trung tâm y tế khám bệnh và phát thuốc miễn phí...
Bà con giáo dân trong 7 giáo xứ thuộc quận 10 đã đóng góp được gần 4 tỷ đồng trong các phong trào xã hội, về giáo dục, y tế, từ thiện, xây dựng hạ tầng và giúp người nghèo trong năm 2014.

* Ban Đoàn kết Công giáo quận 12 tổ chức tổng kết năm 2014 vào ngày 21.1.2015: Các giáo xứ, tu viện, cộng đoàn đã tham gia tích cực các phong trào yêu nước do địa phương phát động. Lãnh vực giáo dục đóng góp 189.850.000 đồng, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân nghèo 104.140.000 đồng, lãnh vực bác ái từ thiện là 904.971.000 đồng. Tổng cộng là 1.198.961.000 đồng.

* Sáng ngày 14.1.2015, tại hội trường giáo xứ Thanh Đa, Ban Đoàn kết Công giáo quận Bình Thạnh đã tổ chức tổng kết năm 2014. Giới Công giáo quận đã tích cực tham gia các phong trào, nổi bật là công tác từ thiện xã hội, đóng góp được 1.494.748.000 đồng, hỗ trợ công tác giáo dục là 720.285.000 đồng, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân gặp khó khăn là 274. 4000.000 đồng, 393 lượt người hiến máu nhân đạo. Linh mục hạt trưởng Gia Định Đaminh Nguyễn Đình Tân đã đánh giá cao những đóng góp của các thành viên Ban Đoàn kết Công giáo và hứa sẽ hỗ trợ BĐKCG quận trong các hoạt động.

* Chiều ngày 15.1.2015, tại hội trường UBND quận 6, đã diễn ra Hội nghị giao ban các chức sắc, chức việc các tôn giáo năm 2014. Trong Hội nghị này, thành tích của giới Công giáo quận 6 cũng được biểu dương, mặc dù chỉ có hai giáo xứ ở trong quận. Số tiền đóng góp cho công tác từ thiện bác ái là 299.000.000 đồng, giáo dục là 7.000.000 đồng, y tế là 2.500.000 đồng.

HOÀNG TUẤN - LỤC PHƯƠNG

i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1994  ra ngày 06.02.2015, trang 9.

Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

Chàng Tiến sĩ mê Toán

Gương mặt:
CHÀNG TIẾN SĨ MÊ TOÁN
ĐỖ LỘC HƯNG
Sinh trưởng trong một gia đình Công giáo thuộc giáo xứ Phú Lộc (quận Phú Nhuận, TP.HCM), Vinhsơn Vũ Đỗ Huy Cường từng là sinh viên thủ khoa của khoa Toán – Tin học trường Đại học Khoa học Tự Nhiên TP.HCM, được khen thưởng và chọn vào lớp Cử nhân tài năng. Bốn năm sau, anh bạn trẻ tốt nghiệp, được giữ lại trường làm trợ giảng. Năm 2008, Huy Cường sang Singapore du học lấy bằng Thạc sĩ, sau đó anh tiếp tục được học bổng qua Pháp du học lên Tiến sĩ.

Mấy năm trôi qua, Vinhsơn Vũ Đỗ Huy Cường đã hoàn tất việc học và trở về quê hương trong niềm vui của cha mẹ, gia đình. Tại căn nhà ở đường Duy Tân (quận Phú Nhuận), ông Vinhsơn Vũ Đình Đường - cha của chàng tân tiến sĩ - tiếp tôi bên chén trà nóng và vui vẻ kể: “Từ thời trung học cơ sở, bắt đầu vào lớp 7, gia đình đã chuẩn bị trước cho Cường học thêm lớp Mầm non Kiến trúc sư tại Trường Kiến trúc Thành phố trong 6 năm liền, dự kiến cho thi vào đại học Kiến trúc sau này. Các giáo viên dạy Cường khi ấy đánh giá chắc chắn cậu học trò này sẽ đậu vào trường Kiến trúc. Nhưng rồi phút chót nhận ra niềm đam mê lớn nhất của mình không gì khác hơn ngoài môn Toán và Vật Lý, thế là chàng ta bỏ Kiến trúc mà chọn con đường Toán học”. Năm 2011, Vinhsơn Vũ Đỗ Huy Cường được học bổng qua Pháp du học tại Trường Université Paris Orsay France (còn gọi là Trường Université Paris-Sud, đây cũng là nơi Giáo sư Ngô Bảo Châu theo học và đậu Tiến sĩ Toán vào năm 1997). Sau gần 4 năm, ngày 25.11.2014 vừa qua, anh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, đạt học vị Tiến sĩ Toán học (Doctorat de Mathématique) với hạng Tối Ưu khi vừa tròn 29 tuổi.
Là con trai thứ ba trong gia đình bốn người con, thời niên thiếu, bản thân Huy Cường ngoài việc chăm chỉ trau dồi văn hóa ra, còn tích cực tham gia ban lsinh, ca đoàn, giáo lý viên trong cũng như ngoài xứ. Hỏi thăm bí quyết nào mà cha mẹ đã nuôi dưỡng, giáo dục con cái trưởng thành trong đức tin và cuộc sống, cả hai vợ chồng ông bà Vinhsơn Vũ Đình Đường + Têrêsa Đỗ Mai Phúc đều thống nhất đó là nhờ thừa hưởng được truyền thống đạo đức gia phong của gia tộc nội ngoại hai bên. Cả cha và mẹ luôn cố gắng sống thuận thảo với nhau, khuyên dạy và hun đúc lòng đạo đức ngay từ khi các con còn thơ ấu, gắn bó với xứ đạo, tham gia các đoàn thể, sinh hoạt học hỏi giáo lý. Ông bà dõi theo và luôn bên cạnh các con suốt thời niên thiếu cũng như khi chập chững vào đời… “Chúng tôi luôn trông cậy, phó thác vào Thiên Chúa, để ngài hướng dẫn, thêm sức cho trong việc nuôi dạy con cái chứ thực ra cũng chẳng tài cán gì !”, bà Đường khiêm tốn nói.

Được biết, chàng Tiến sĩ Toán học Vinhsơn Vũ Đỗ Huy Cường vừa từ giã cuộc sống độc thân để kết hôn với một cô giáo lý viên Têrêsa Trần Ngọc Thùy Châu thuộc giáo xứ Tân Hòa (quận Phú Nhuận). Xin cầu chúc cho vợ chồng anh được trăm năm hạnh phúc!

***
Bài đăng trên báo Công giáo và Dân tộc

Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

GX Tân Việt mừng 60 năm thành lập (1955 - 2015)

TÂN VIỆT MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP GIÁO XỨ
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập giáo xứ Tân Việt, linh mục Tổng Đại diện Ignatiô Hồ Văn Xuân đã chủ sự thánh lễ tạ ơn vào lúc 10g00 thứ Năm, ngày 22.01.2015, tại nhà thờ giáo xứ. Cùng đồng tế có linh mục hạt trưởng giáo hạt Tân Sơn Nhì và hạt Phú Thọ; cha chánh xứ, cha nguyên chánh xứ, các cha phó qua từng thời kỳ, khoảng 70 cha khách và sự tham dự của đông đảo giáo dân. Trong thánh lễ, cha Tổng Đại diện gợi ý đại gia đình giáo xứ Tân Việt hôm nay chính là hạt cải đã được Chúa gieo mầm trên đất ruộng xưa, ngày nay lớn mạnh và nổi bật trong Tổng giáo phận. Đại gia đình Tân Việt hôm nay luôn sống đức tin, mà đức tin đòi hỏi có đức ái, do đó nhiều thành viên trong đại gia đình đã đi đến nhiều nơi để chia sẻ tình thương cho những người nghèo khổ, bất hạnh, không chỉ ở thành phố như Cần Giờ, Đồng Thới, Mai Hòa… mà còn vươn xa tận cao nguyên Đắk Lắk, Kontum, … Đó là điểm son của đại gia đình Tân Việt cần được duy trì và phát triển hơn nữa để Tân Việt sẽ luôn là muối mặn cho đời.
Trước đó vào sáng Chúa nhật 18.1.2015, giáo xứ đã tổ chức một thánh lễ đặc biệt, dành cho quý cao niên trong xứ và các bệnh nhân, mừng ngọc khánh - 60 năm giáo dân định cư tại mảnh đất này để tri ân lớp người đi trước đã góp công, góp của xây dựng và phát triển giáo xứ, mà nay phải ngồi một chỗ vì tuổi già, sức yếu, đau bệnh...
Giáo xứ Tân Việt hiện nay, do linh mục Đaminh Vũ Ngọc Thủ coi sóc, có 7.839 nhân khẩu với 1.881 gia đình sinh hoạt trong 8 giáo họ gồm Kitô Vua, Giuse, Môi Khôi, Lộ Đức, Mông Triệu, Đaminh, Bàu Cát và Gioan. Giáo xứ còn có nhiều đoàn thể đang hoạt động, thu hút nhiều người tham gia vào hội nhóm, tùy theo đối tượng và sở thích. Ban Thường vụ Hội đồng Mục vụ giáo xứ gồm có 5 người, do ông Gioan B. Nguyễn Thiện Thành làm Chủ tịch. Có 10 thành viên chuyên trách, phụ việc với Ban Thường vụ.

VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1993 ra ngày 30.01.2015, trang 13.

Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

Tìm hiểu Bộ Truyền giảng Phúc âm cho các Dân tộc

BỘ TRUYỀN GIÁO
Chúng tôi được biết Đức Hồng y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo của Tòa Thánh Vatican vừa sang thăm Việt Nam. Xin hỏi Bộ Truyền giáo có phải là Bộ Truyền giảng Phúc âm cho các Dân tộc? Nếu được, xin quý báo giới thiệu thêm đôi nét về Bộ này?
Nguyễn Xuân Thanh - GP. Cần Thơ

Trả lời:
Bộ Truyền giảng Phúc âm cho các Dân tộc (Congregation for the Evangelization of Peoples - tiếng Anh; Congregatio pro Gentium Evangelisatione - tiếng Latinh) thuộc giáo triều Rôma, còn có tên gọi tắt là Bộ Truyền giáo.
Bộ hướng dẫn và phối hợp các công cuộc truyền giáo trên khắp thế giới. Thẩm quyền của Bộ bao trùm trên tất cả các vùng truyền giáo được thiết lập để mở rộng vương quốc Chúa Kitô. Bộ chú trọng đến việc nuôi dưỡng ơn gọi truyền giáo, phân chia lĩnh vực hoạt động cho các vùng truyền giáo, thiết lập hàng giáo phẩm và đề nghị các ứng viên giám mục địa phương, phát triển hàng giáo sĩ bản địa, vận động sự hỗ trợ về tinh thần và tài chính cho hoạt động truyền giáo. Địa chỉ của Bộ: Piazza di Spagna 48, 00187 Rome , Italy.
Ngày 26.9.2013, Đức Giáo hoàng Phanxicô tiếp tục tái bổ nhiệm nhân sự của Bộ, gồm: Đức Hồng y  Fernando Filoni - Tổng trưởng, Đức Tổng Giám mục Savio Hon Tai-Fai, SDB - Tổng Thư ký và Đức Tổng Giám mục Protase Rugambwa - Phó Tổng Thư ký.
Bộ Giáo lý Đức Tin (Congregation for the Doctrine of the Faith; Congregatio pro Doctrina Fidei) và Bộ Truyền giảng Phúc âm cho các Dân tộc là hai bộ quan trọng của giáo triều Rôma. Các đoàn lãnh đạo cấp cao của nhà nước Việt Nam sang thăm và làm việc với Tòa Thánh Vatican, hoặc tại 5 vòng họp của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican những năm gần đây, luôn có mặt của đại diện Bộ này trong thành phần phái đoàn Tòa Thánh.
Nhiều vị hồng y, tổng giám mục của Việt Nam đã được bổ nhiệm làm thành viên của Bộ. Mới đây nhất, ngày 13.9.2014, Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục TP.HCM Phaolô Bùi Văn Đọc làm thành viên Bộ Truyền giảng Phúc âm cho các Dân tộc. Đức Giáo hoàng cũng bổ nhiệm nữ tu người gốc Brazil Luzia Premoli - Bề trên Tổng quyền dòng Nữ thừa sai Comboni SMC, là thành viên của Bộ. Đây là người phụ nữ đầu tiên được tín nhiệm cử vào Bộ Truyền giảng Phúc âm cho các Dân tộc.
CGvDT

VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN ghi
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1993 ra ngày 30.01.2015, trang 5.

Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

Giới Công giáo quận Tân Bình TP.HCM tổng kết năm 2014

BAN ĐOÀN KẾT CÔNG GIÁO QUẬN TÂN BÌNH TP.HCM TỔNG KẾT NĂM 2014
Sáng 14.1.2015, tại giáo xứ Nam Hòa, Ban Đoàn kết Công giáo quận Tân Bình TP.HCM đã có buổi hội nghị tổng kết hoạt động của đồng báo Công giáo quận trong năm 2014. Đến dự có ông Lê Giáo - Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP.HCM, ông Nguyễn Phú Phước - Phó Ban Dân vận Quận ủy Tân Bình, ông Lê Hữu Giác - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, ông Bùi Trường Thọ - Chủ tịch UB MTTQ VN phường 6 Tân Bình.
Trong năm 2014, các giáo xứ trong quận đã trao 320 suất học bổng, khen thưởng 400 học sinh ba cấp. Giáo xứ Hy Vọng tặng 3.000 cuốn vở, giáo xứ Nam Thái ôn tập hè miễn phí. Sáu giáo xứ, một nhà nguyện và một công ty tiếp sức hai đợt thi cho trên 2.000 lượt thí sinh với kinh phí trên 400 triệu đồng. Các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Mân côi mở lớp học tình thương, dạy nghề miễn phí, trợ giúp mái ấm khuyết tật, cho người nghèo vay tiền không lãi.
Đồng hành với người bệnh, người cao tuổi, di dân,… bà con giáo dân Tân Bình đã tổ chức nhiều đợt khám chữa bệnh trong năm, phát thuốc miễn phí cho hàng ngàn bệnh nhân với kinh phí gần 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, có 351 lượt người hiến máu nhân đạo.
Việc từ thiện với nhiều cách làm đa dạng như cung cấp lương thực cho người già, tổ chức bữa cơm thân ái hàng tuần; thăm viếng thường xuyên các mái ấm, nhà nuôi trẻ khuyết tật, các linh mục hưu dưỡng; cứu trợ đồng bào bị bão lũ; ủng hộ chiến sĩ đang công tác ở Biển Đông. Theo thống kê chưa đầy đủ, số tiền dành cho công tác từ thiện khoảng 2,2 tỷ đồng.

VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN

i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1991 ra ngày 16.01.2015, trang 9.