Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Đại hội Mùa Chay 2015 giới trẻ giáo phận TP.HCM



ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ MÙA CHAY GIÁO PHẬN TP.HCM
Đáp lời mời gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong sứ điệp Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 30 với chủ đề “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8), bạn trẻ giáo phận TP.HCM đã chọn chủ đề “Sống sạch” cho Đại hội Giới trẻ Mùa Chay 2015 diễn ra tại Trung tâm Mục vụ giáo phận TP.HCM ngày 28.3.2015.
Đại hội đã tổ chức bảy lớp học để trao đổi, chia sẻ về các khía cạnh Sạch trong tình Chúa, Sạch trong tình bạn, Sạch trong tình yêu, Sạch trong hôn nhân, Sạch với chính mình, Sạch trí óc để nâng tầm tư tưởng, Làm sạch tâm hồn bằng những phút giây lặng yên. Các tham dự viên đã được các giảng viên có kinh nghiệm hướng dẫn, gợi ý về cuộc sống thời đại, những trăn trở của thanh niên hướng đến việc đổi mới cuộc đời người môn đệ Chúa, quyết tâm sống “Sạch”.
Trong nghi thức khai mạc, linh mục Gioan Lê Quang Việt - Đặc trách Giới trẻ giáo phận TP.HCM đã giới thiệu về chủ đề và biểu trưng của ngày hội ngộ. Vị linh mục Đặc trách Giới trẻ nhấn mạnh: “Có Chúa, bạn trẻ có niềm vui và sức mạnh để sống trong sạch.”.
Đức Tổng Giám mục Tổng giáo phận TP.HCM Phaolô Bùi Văn Đọc đã hiện diện và chủ sự nghi thức làm phép lá, mở đầu Tuần Thánh 2015 và thánh lễ đồng tế cùng với 20 linh mục. Trong thánh lễ, ngài đã gợi mở cho giới trẻ cách đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng việc tin tưởng và phó thác trọn vẹn vào tình yêu của Chúa, can đảm biến đổi cuộc đời mình, mạnh mẽ xác tín và tuyên xưng đức tin, từ bỏ thần dữ để chỉ tin và noi theo Chúa…
Ngài cũng chia sẻ về vấn để môi trường với Đại hội. Theo ngài, mầu nhiệm tạo dựng là nền tảng vững chắc cho thần học môi trường sinh thái; Thiên Chúa tạo dựng vạn vật tốt đẹp, cả vũ trụ được Người dựng nên sống động trong thần khí; con người được mời gọi lắng nghe bài ca của vũ trụ, chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên; và có sứ mạng bảo vệ vẻ đẹp, sự sống vũ trụ trong tình yêu và chân lý. Ngài đề nghị giới trẻ tiết kiệm điện nước để bảo vệ môi trường đang sống, bằng những việc làm đơn sơ thiết thực như tắt điện khi ra khỏi phòng, mở máy lạnh 26oC, không xả rác, không vứt chất thải ra môi trường, dọn chỗ ở gọn gàng sạch sẽ …
Trong chương trình văn nghệ giao lưu, cuốn Youcat (Youth Catechism - Giáo lý Hội Thánh Công giáo cho người trẻ) đã được giới thiệu rộng rãi với mọi người. Trong vòng chung kết “Chinh phục Youcat”, có ba bạn bước vào chặng cuối qua hai phần Trả lời nhanh Thuyết trình đề tài trong sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Bạn Maria Nguyễn Thảo Phương Uyên (sinh viên Đại học Sư phạm TP.HCM, đang trọ tại lưu xá giáo xứ Nam Hòa hạt Chí Hòa) đã đoạt giải Nhất; bạn Martin Quách Đình Phú Trọng (giáo dân xứ Mân Côi hạt Gò Vấp, sinh viên khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm TP.HCM) giái Nhì và giải Ba dành cho bạn Giuse Maria Ngô Thành Mẫn đến từ giáo phận Xuân Lộc.
Nối tiếp chương trình là các tiết mục diễn nguyện về cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu gắn liền với những phận người yếu đuối, lỗi lầm. Linh mục Giuse Trần Thanh Công - Phó Đặc trách Giới trẻ giáo phận TP.HCM đã giúp cộng đoàn nhìn lại mình giữa thế giới đan xen ánh sáng và bóng tối, hận thù và yêu thương, thánh thiện và tội lỗi; và khi có Chúa đồng hành, người trẻ chẳng ngại dấn thân loan báo Tin Mừng cho những người chung quanh. Đó cũng là ý nghĩa nghi thức sai đi bế mạc Đại hội Giới trẻ Mùa Chay 2015 của giáo phận TP.HCM.

VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN

i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 2001ra ngày 03.04.2015, trang 16.

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Trả lời Bạn đọc về: Người đỡ đầu - Thánh lễ làm phép Dầu - Ý nghĩa nghi thức rửa chân

Bạn đọc hỏi:

* NGƯỜI ĐỠ ĐẦU
Tôi được mời làm người đỡ đầu cho một tân tòng giáo xứ vào đêm vọng Phục sinh sắp tới. Tôi băn khoăn quá, vì không biết tiêu chuẩn và bổn phận người đỡ đầu theo Hội thánh Công giáo thì phải như thế nào? Xin nhờ tòa báo chỉ dẫn.
Đông Thành - Giáo phận Lạng Sơn

Trả lời:
Theo Giáo luật điều 872 và 892, khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức thì đương sự cần phải có một người đỡ đầu. Đó là cha đỡ đầu, hoặc mẹ đỡ đầu, hoặc cả cha và mẹ đỡ đầu (điều 873). Tên người đỡ đầu phải được ghi trong sổ Rửa tội, sổ Thêm sức (điều 877, 895). Cha mẹ của nhi đồng sắp được Rửa tội, cũng như những người sắp đảm nhận nhiệm vụ đỡ đầu, phải được giáo huấn cách xứng hợp về ý nghĩa của Bí tích và về những nghĩa vụ gắn liền với Bí tích này. (điều 851 khoản 2)
Điều 874 Giáo luật quy định người đỡ đầu phải:
1.- Do chính người sắp được Rửa tội chọn, hoặc do cha mẹ trẻ nhỏ chọn, hoặc do cha sở hay thừa tác viên chọn người có khả năng và ý muốn đảm nhận nhiệm vụ này.
2.- Đủ 16 tuổi trọn.
3.- Là người Công giáo đã được lãnh nhận Bí tích Thêm sức và Bí tích Thánh thể, phải có đời sống xứng hợp với đời sống đức tin và nhiệm vụ phải đảm nhận.
4.- Không mắc một hình phạt của giáo luật đã được tuyên kết hay tuyên bố cách hợp pháp.
5.- Không là cha hoặc mẹ ruột của người sắp được Rửa tội.
Về bổn phận người đỡ đầu, điều 774 khoản 2 ghi rõ: Các bậc cha mẹ buộc phải dùng lời nói và gương sáng để đào tạo con cái mình trong đức tin và trong việc thực hành đời sống Kitô giáo; các người thay quyền cha mẹ cũng như các người đỡ đầu đều có cùng một nghĩa vụ như nhau.
Điều 892 còn chỉ dẫn người đỡ đầu phải liệu sao cho người con đã lãnh nhận Bí tích Thêm sức biết cư xử như nhân chứng đích thực của Chúa Kitô và trung thành chu toàn các nghĩa vụ gắn liền với Bí tích này. Giáo hội khuyến khích nên chọn người đỡ đầu Thêm sức là người đã đảm nhận nhiệm vụ ấy trong Bí tích Rửa tội (điều 893 khoản 2).
CGvDT
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1998 ra ngày 13.03.2015, trang 5.


* THÁNH LỄ LÀM PHÉP DẦU
Lễ Dầu là gì? Lễ Dầu chỉ có thể cử hành trong nhà thờ Chính tòa giáo phận vào thứ Năm Tuần Thánh hay có thể dâng tại nhà thờ khác, vào thời gian nào cũng được? Và xin tòa soạn cho biết thêm về ý nghĩa của Lễ Dầu.
Thạch Hà - Giáo phận Hưng Hóa

Trả lời:
Sáng thứ Năm Tuần Thánh, Đức Giám mục giáo phận làm phép Dầu Bệnh nhân, Dầu Dự tòng và thánh hiến Dầu Thánh trong thánh lễ có văn bản phụng vụ riêng, cử hành với lễ phục trắng. Thánh lễ làm phép Dầu do Đức Giám mục chủ tế cùng với linh mục đoàn của ngài đồng tế, bày tỏ sự hiệp thông giữa giám mục và linh mục đoàn. Vì thế, tất cả mọi linh mục nên tham dự. Để nói lên sự hợp nhất của linh mục đoàn trong giáo phận, nên có các linh mục từ các giáo hạt của giáo phận về đồng tế với Đức Giám mục. Vì lý do nào đó, có những linh mục không đồng tế được, các ngài có thể tham dự và rước lễ dưới hai hình. Giáo dân cũng nên tham dự đông đảo và rước lễ trong thánh lễ này. Nhiều nơi gọi lễ làm phép Dầu là lễ truyền Dầu, hay vắn gọn là lễ Dầu.
Trong bài giảng lễ, Đức Giám mục nhắn nhủ các linh mục trung tín với trách nhiệm phục vụ cộng đoàn, và ngài kêu gọi công khai lặp lại những lời hứa khi lãnh nhận chức linh mục: Gắn bó hơn với Chúa Giêsu và cố gắng noi gương Người mà từ bỏ bản thân; thi hành chức vụ một cách nhiệt thành và vô vị lợi. Đức Giám mục cũng mời gọi anh chị em giáo dân cầu nguyện cho các linh mục và giám mục được trung thành với sứ mạng tông đồ Chúa đã trao phó, để dẫn đưa các tín hữu đến với Người là nguồn mạch duy nhất của ơn Cứu độ.
Sau thánh lễ, Dầu mới làm phép và thánh hiến được cung kính đưa tới các nhà thờ giáo xứ để sử dụng trong một năm. Dầu cũ thì đốt đi hoặc dùng để đốt đèn chầu.Có thể tổ chức rước Dầu mới trước thành lễ Tiệc ly chiều thứ Năm Tuần Thánh, nhằm hướng dẫn các tín hữu về việc sử dụng và hiệu năng của Dầu Thánh trong đời sống Kitô hữu.
Sách lễ Rôma có hướng dẫn: Nếu vào ngày này, giáo sĩ và giáo dân khó có thể quy tụ bên Đức Giám mục, có thể làm phép Dầu vào ngày khác trước đó, nhưng gần Tam nhật Vượt qua, và luôn phải sử dụng bản văn riêng.
Tại Việt Nam, có một số giáo phận tổ chức thánh lễ làm phép Dầu vào sáng thứ Ba hoặc sáng thứ Tư Tuần Thánh, tại một thánh đường không phải là nhà thờ Chính tòa giáo phận.
CGvDT
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1999 ra ngày 20.03.2015, trang 5.


* Ý NGHĨA NGHI THỨC RỬA CHÂN
Xin cho biết ý nghĩa khi linh mục rửa chân cho tín hữu vào Tuần Thánh. Việc “Rửa chân” có liên quan gì đến cách thi hành quyền bính không? Và vị mục tử có thể rửa chân cho giới nữ, trẻ nhỏ, người nước ngoài lẫn người ngoài Công giáo không?
Tôma Nguyễn Văn Trung - giáo phận Bà Rịa

Trả lời:
Trong cuốn “Giải đáp các vấn nạn về phụng vụ theo các văn kiện của Giáo hội” (Tập 1, Nhà Xuất bản Tôn giáo, năm 2001), linh mục Vinhsơn Nguyễn Thế Thủ (giáo phận TP.HCM) đã cho biết ý nghĩa cử chỉ rửa chân trong cử hành phụng vụ như sau:
Trong thánh lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh, vị chủ tế thường rửa chân cho một số tín hữu nam giới. Cử chỉ này nhắc lại cử chỉ Chúa Giêsu đã làm ngày xưa trong bữa tiệc ly khi người rửa chân cho các Tông đồ (Ga 13, 1 - 20). Việc rửa chân này mang nhiều ý nghĩa:
- Đó là dấu chỉ kính trọng và hiếu khách (St 43, 24).
- Dấu chỉ của người được yêu mến và được thứ tha tội lỗi. (Lc 7, 44)
- Dấu chỉ khiêm nhường và phục vụ như người tôi tớ của mọi người (Ga 13, 6 - 8. 12 - 15)
- Dấu chỉ thanh tẩy tội lỗi và cho con người được xứng đáng tham dự vào cử hành Thánh Thể (Ga 13, 10).
Trong cuốn “YOUCAT - Giáo lý Hội Thánh Công giáo cho người trẻ” (Nhà Xuất bản Tôn giáo, năm 2013), ở câu số 99, linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng (giáo phận Cần Thơ) đã diễn giải: Chúa Giêsu đã bày tỏ tình yêu của Người trong 3 việc rửa chân cho các tông đồ, lập bí tích Thánh Thể, lập chức Linh mục của Giao ước mới. Chúa Giêsu đã bày tỏ tình yêu của Người đến cùng bằng cách: Người rửa chân cho các môn đệ, để tỏ ra rằng Người ở giữa ta như một người phục vụ (Lc 22, 27) …
Cũng qua việc “Rửa chân”, Chúa gián tiếp đề cập đến phải hành xử quyền bính thế nào cho đúng. Câu 375 của sách “YOUCAT - Giáo lý Hội Thánh Công giáo cho người trẻ” giải đáp cho câu hỏi này: “Hành xử quyền bính cho đúng là hành xử luôn luôn để phục vụ như Chúa Giêsu. Không bao giờ được tùy tiện theo ý mình. Chúa Giêsu đã chỉ dẫn cho ta một lần thay tất cả biết cách thi hành quyền bính. Chúa nắm quyền bính tối cao đã tự làm đầy tớ và chọn chỗ thấp nhất: Người đã rửa chân cho các môn đệ (Ga 13, 1 - 20). Bậc cha mẹ, thầy cô, nhà giáo dục và người được bầu cử được có quyền bính từ Thiên Chúa, nên vai trò của họ không phải là thống trị những người được giao phó cho họ, mà là thi hành và hiểu biết trách nhiệm của họ về việc giáo dục hoặc về chính trị như là để phục vụ.”.
Qua cử hành nghi thức rửa chân chiều thứ Năm Tuần Thánh, Hội Thánh muốn nhắc nhở các tín hữu phải noi gương Đức Kitô trong tinh thần phục vụ vì yêu thương.
Thứ Năm Tuần Thánh, 28.3.2013, thay vì cử hành thánh lễ Tiệc ly tại Đền Thánh Phêrô, Đức tân Giáo hoàng Phanxicô đã đến dâng lễ với khoảng 50 em tại Trung tâm giam giữ thanh thiếu niên phạm pháp Casal del Marmo ở ngoại ô Rôma. Trong thánh lễ, vị giáo hoàng mới lên kế vị Thánh Phêrô đã cử hành nghi thức rửa chân. Ngài cởi áo lễ, quỳ gối xuống rửa chân, lấy khăn lau, rồi hôn chân của 10 em nam và 2 em nữ; ở độ tuổi 14 - 21, trong đó có phạm nhân người Hồi giáo gốc Serbia.
Thứ Năm Tuần Thánh, 17.4.2014, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà thờ của Trung tâm Phục hồi chức năng mang tên “Đức Mẹ Chúa Quan phòng” thuộc Hội Chân phước linh mục Gnocchi ở ngoài thành Rôma. Ngài đã rửa và hôn chân cho 12 người khuyết tật từ 16 đến 86 tuổi, trong đó có một bệnh nhân Hồi giáo gốc Libya… Theo chương trình, Thứ Năm Tuần Thánh năm nay, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ về vùng ngoại ô phía Đông Bắc Rôma, cử hành thánh lễ Tiệc ly tại nhà nguyện Padre Nostro trong nhà tù Rebibbia và rửa chân cho một số nam, nữ tù nhân. 
Trong phần Mục lục Phân tích của cuốn “Bộ Giáo luật 1983” do Hội đồng Giám mục Việt Nam phát hành (Nhà Xuất bản Tôn giáo, năm 2007) không thấy đề cập đến từ “Rửa chân”. Bản đối chiếu Việt ngữ - Latinh cũng không có mục từ này. Như thế, các linh mục có thể tham khảo gương Đức Giáo hoàng Phanxicô rửa chân cho giới nữ, trẻ nhỏ, người nước ngoài và người ngoài Công giáo...
CGvDT

i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 2000 ra ngày 27.03.2015, trang 5.

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP.HCM tĩnh tâm mùa Chay 2015

“Để giáo xứ thành một gia đình và mọi tín hữu là anh chị em”
Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP.HCM đã tổ chức buổi tĩnh tâm mùa Chay dành cho các ủy viên - thành viên tại giáo xứ Hà Nội (hạt Xóm Mới, quận Gò Vấp TP.HCM) ngày 20.3.2015. Linh mục Đaminh Đinh Ngọc Lễ - chánh xứ Hà Nội, quản hạt Xóm Mới, Phó Chủ tịch UBĐKCG TP.HCM đã hướng dẫn tìm hiểu, học hỏi và cầu nguyện với đề tài “Tân Phúc âm hóa đời sống Giáo xứ”.
Các tham dự viên được giới thiệu về các tín hữu và tông đồ thuở sơ khai sống đời cộng đoàn đơn sơ, hiệp nhất một ý và mọi sự đều là của chung. Cộng đoàn các ngài có 5 điểm mà hậu thế cần noi gương: Lắng nghe lời Chúa qua lời giảng dạy của các tông đồ - Không ngừng cầu nguyện, chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa - Siêng năng tham dự Lễ Bẻ Bánh - Đồng tâm, nhất trí, san sẻ chan hòa - Làm chứng cho Tin Mừng và lôi cuốn người khác theo Chúa.
Linh mục hướng dẫn nhấn mạnh đạo không là kinh kệ hay nghi thức. Đạo là sự kết hợp giữa mỗi người với Thiên Chúa. Cần phải tìm học giáo lý, suy gẫm và cầu nguyện để biết Chúa. Từ đó mới có thể mến Chúa và cải tạo con người mình. Tân Phúc âm hóa đời sống Giáo xứ là biến giáo xứ thành một gia đình mà mọi tín hữu là anh chị em với nhau, cùng tiến về nhà Chúa trong tinh thần “chị ngã, em nâng”. Mọi người góp tay vào việc chung của gia đình theo bổn phận của mình thì nhà mới yên vui. Khi Giáo hội là một gia đình thì mọi thành viên phải có trách nhiệm trước mặt Chúa và lịch sử về tình trạng bất an, sa sút và tội lỗi của cộng đoàn giáo xứ. Mỗi người còn là một “linh mục tại gia” với sứ vụ ngôn sứ, dạy dỗ con cháu thành nhân, nên cần đọc Kinh Thánh nhiều hơn. Nghe giảng giải về Thánh Kinh để đánh động con tim mình, để học và hướng dẫn lại. Giảng và nghe giảng nghiêm túc thì giáo xứ mới trở nên cộng đoàn phụng tự. Lưu ý đến những lời kinh đọc hằng ngày theo quán tính, truyền khẩu lệch lạc hay sai về ý nghĩa. Cần đến với các bí tích để có thêm sức mạnh nâng đỡ, để sống theo ý Chúa và làm việc của Chúa, chứ đừng “bắt” Chúa phải nghe theo mình, đừng sống hình thức, bề ngoài.
Là một thành viên tích cực trong cộng đoàn giáo xứ, mỗi giáo dân có quyền bày tỏ khát vọng với các mục tử, tham gia ý kiến về sinh hoạt trong Hội Thánh, nhưng cần suy nghĩ ngọn ngành sự việc, chứ đừng phán đoán, suy xét gây chia rẽ. Cộng tác bằng việc nhiệt tình tham gia công việc chung của giáo xứ trong sự tôn trọng, cảm thông giữa linh mục và giáo dân. Cộng đoàn cần nâng cao vai trò, địa vị và trách nhiệm của người giáo dân bằng cách mở các lớp tập huấn, các buổi hội thảo. Khi trưởng thành trong công việc, có sự phân công phân quyền, mỗi chi thể bình đẳng không dẫm chân lên nhau trong việc chung của giáo xứ.
Sau phần diễn giải, các tham dự viên đã nêu ý kiến về trách nhiệm, mong ước và đóng góp phần của giáo dân để duy trì, phát triển và hoàn thiện cộng đoàn giáo xứ.
Linh mục Phêrô Phan Khắc Từ - Phó Chủ tịch Thường trực UBĐKCG TP.HCM chia sẻ thêm: “Khi dân số Việt Nam là 20 triệu người, đã có 2 triệu Kitô hữu, đạt 10% dân số. Hiện nay dân số khoảng 90 triệu, tỷ lệ người Công giáo tụt xuống dưới 7% là báo động đáng sợ vì lý tưởng Tin Mừng chưa được loan tỏa. Phải học hỏi, cầu nguyện và xông pha vào việc loan báo Tin Mừng vì ngoài khuôn viên giáo xứ, còn biết bao người chưa biết Chúa. Hành động tích cực trong đời sống Đức Tin làm chứng tá để biến đổi cộng đoàn, hữu ích cho xã hội.”.
Kết thúc buổi tĩnh tâm là thánh lễ đồng tế do các linh mục Đaminh Đinh Ngọc Lễ, linh mục Phêrô Phan Khắc Từ và linh mục Antôn Nguyễn Đình Thục cử hành.

VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN

i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 2000 ra ngày 27.03.2015, trang 9.