Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Trả lời Bạn đọc về: Người đỡ đầu - Thánh lễ làm phép Dầu - Ý nghĩa nghi thức rửa chân

Bạn đọc hỏi:

* NGƯỜI ĐỠ ĐẦU
Tôi được mời làm người đỡ đầu cho một tân tòng giáo xứ vào đêm vọng Phục sinh sắp tới. Tôi băn khoăn quá, vì không biết tiêu chuẩn và bổn phận người đỡ đầu theo Hội thánh Công giáo thì phải như thế nào? Xin nhờ tòa báo chỉ dẫn.
Đông Thành - Giáo phận Lạng Sơn

Trả lời:
Theo Giáo luật điều 872 và 892, khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức thì đương sự cần phải có một người đỡ đầu. Đó là cha đỡ đầu, hoặc mẹ đỡ đầu, hoặc cả cha và mẹ đỡ đầu (điều 873). Tên người đỡ đầu phải được ghi trong sổ Rửa tội, sổ Thêm sức (điều 877, 895). Cha mẹ của nhi đồng sắp được Rửa tội, cũng như những người sắp đảm nhận nhiệm vụ đỡ đầu, phải được giáo huấn cách xứng hợp về ý nghĩa của Bí tích và về những nghĩa vụ gắn liền với Bí tích này. (điều 851 khoản 2)
Điều 874 Giáo luật quy định người đỡ đầu phải:
1.- Do chính người sắp được Rửa tội chọn, hoặc do cha mẹ trẻ nhỏ chọn, hoặc do cha sở hay thừa tác viên chọn người có khả năng và ý muốn đảm nhận nhiệm vụ này.
2.- Đủ 16 tuổi trọn.
3.- Là người Công giáo đã được lãnh nhận Bí tích Thêm sức và Bí tích Thánh thể, phải có đời sống xứng hợp với đời sống đức tin và nhiệm vụ phải đảm nhận.
4.- Không mắc một hình phạt của giáo luật đã được tuyên kết hay tuyên bố cách hợp pháp.
5.- Không là cha hoặc mẹ ruột của người sắp được Rửa tội.
Về bổn phận người đỡ đầu, điều 774 khoản 2 ghi rõ: Các bậc cha mẹ buộc phải dùng lời nói và gương sáng để đào tạo con cái mình trong đức tin và trong việc thực hành đời sống Kitô giáo; các người thay quyền cha mẹ cũng như các người đỡ đầu đều có cùng một nghĩa vụ như nhau.
Điều 892 còn chỉ dẫn người đỡ đầu phải liệu sao cho người con đã lãnh nhận Bí tích Thêm sức biết cư xử như nhân chứng đích thực của Chúa Kitô và trung thành chu toàn các nghĩa vụ gắn liền với Bí tích này. Giáo hội khuyến khích nên chọn người đỡ đầu Thêm sức là người đã đảm nhận nhiệm vụ ấy trong Bí tích Rửa tội (điều 893 khoản 2).
CGvDT
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1998 ra ngày 13.03.2015, trang 5.


* THÁNH LỄ LÀM PHÉP DẦU
Lễ Dầu là gì? Lễ Dầu chỉ có thể cử hành trong nhà thờ Chính tòa giáo phận vào thứ Năm Tuần Thánh hay có thể dâng tại nhà thờ khác, vào thời gian nào cũng được? Và xin tòa soạn cho biết thêm về ý nghĩa của Lễ Dầu.
Thạch Hà - Giáo phận Hưng Hóa

Trả lời:
Sáng thứ Năm Tuần Thánh, Đức Giám mục giáo phận làm phép Dầu Bệnh nhân, Dầu Dự tòng và thánh hiến Dầu Thánh trong thánh lễ có văn bản phụng vụ riêng, cử hành với lễ phục trắng. Thánh lễ làm phép Dầu do Đức Giám mục chủ tế cùng với linh mục đoàn của ngài đồng tế, bày tỏ sự hiệp thông giữa giám mục và linh mục đoàn. Vì thế, tất cả mọi linh mục nên tham dự. Để nói lên sự hợp nhất của linh mục đoàn trong giáo phận, nên có các linh mục từ các giáo hạt của giáo phận về đồng tế với Đức Giám mục. Vì lý do nào đó, có những linh mục không đồng tế được, các ngài có thể tham dự và rước lễ dưới hai hình. Giáo dân cũng nên tham dự đông đảo và rước lễ trong thánh lễ này. Nhiều nơi gọi lễ làm phép Dầu là lễ truyền Dầu, hay vắn gọn là lễ Dầu.
Trong bài giảng lễ, Đức Giám mục nhắn nhủ các linh mục trung tín với trách nhiệm phục vụ cộng đoàn, và ngài kêu gọi công khai lặp lại những lời hứa khi lãnh nhận chức linh mục: Gắn bó hơn với Chúa Giêsu và cố gắng noi gương Người mà từ bỏ bản thân; thi hành chức vụ một cách nhiệt thành và vô vị lợi. Đức Giám mục cũng mời gọi anh chị em giáo dân cầu nguyện cho các linh mục và giám mục được trung thành với sứ mạng tông đồ Chúa đã trao phó, để dẫn đưa các tín hữu đến với Người là nguồn mạch duy nhất của ơn Cứu độ.
Sau thánh lễ, Dầu mới làm phép và thánh hiến được cung kính đưa tới các nhà thờ giáo xứ để sử dụng trong một năm. Dầu cũ thì đốt đi hoặc dùng để đốt đèn chầu.Có thể tổ chức rước Dầu mới trước thành lễ Tiệc ly chiều thứ Năm Tuần Thánh, nhằm hướng dẫn các tín hữu về việc sử dụng và hiệu năng của Dầu Thánh trong đời sống Kitô hữu.
Sách lễ Rôma có hướng dẫn: Nếu vào ngày này, giáo sĩ và giáo dân khó có thể quy tụ bên Đức Giám mục, có thể làm phép Dầu vào ngày khác trước đó, nhưng gần Tam nhật Vượt qua, và luôn phải sử dụng bản văn riêng.
Tại Việt Nam, có một số giáo phận tổ chức thánh lễ làm phép Dầu vào sáng thứ Ba hoặc sáng thứ Tư Tuần Thánh, tại một thánh đường không phải là nhà thờ Chính tòa giáo phận.
CGvDT
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1999 ra ngày 20.03.2015, trang 5.


* Ý NGHĨA NGHI THỨC RỬA CHÂN
Xin cho biết ý nghĩa khi linh mục rửa chân cho tín hữu vào Tuần Thánh. Việc “Rửa chân” có liên quan gì đến cách thi hành quyền bính không? Và vị mục tử có thể rửa chân cho giới nữ, trẻ nhỏ, người nước ngoài lẫn người ngoài Công giáo không?
Tôma Nguyễn Văn Trung - giáo phận Bà Rịa

Trả lời:
Trong cuốn “Giải đáp các vấn nạn về phụng vụ theo các văn kiện của Giáo hội” (Tập 1, Nhà Xuất bản Tôn giáo, năm 2001), linh mục Vinhsơn Nguyễn Thế Thủ (giáo phận TP.HCM) đã cho biết ý nghĩa cử chỉ rửa chân trong cử hành phụng vụ như sau:
Trong thánh lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh, vị chủ tế thường rửa chân cho một số tín hữu nam giới. Cử chỉ này nhắc lại cử chỉ Chúa Giêsu đã làm ngày xưa trong bữa tiệc ly khi người rửa chân cho các Tông đồ (Ga 13, 1 - 20). Việc rửa chân này mang nhiều ý nghĩa:
- Đó là dấu chỉ kính trọng và hiếu khách (St 43, 24).
- Dấu chỉ của người được yêu mến và được thứ tha tội lỗi. (Lc 7, 44)
- Dấu chỉ khiêm nhường và phục vụ như người tôi tớ của mọi người (Ga 13, 6 - 8. 12 - 15)
- Dấu chỉ thanh tẩy tội lỗi và cho con người được xứng đáng tham dự vào cử hành Thánh Thể (Ga 13, 10).
Trong cuốn “YOUCAT - Giáo lý Hội Thánh Công giáo cho người trẻ” (Nhà Xuất bản Tôn giáo, năm 2013), ở câu số 99, linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng (giáo phận Cần Thơ) đã diễn giải: Chúa Giêsu đã bày tỏ tình yêu của Người trong 3 việc rửa chân cho các tông đồ, lập bí tích Thánh Thể, lập chức Linh mục của Giao ước mới. Chúa Giêsu đã bày tỏ tình yêu của Người đến cùng bằng cách: Người rửa chân cho các môn đệ, để tỏ ra rằng Người ở giữa ta như một người phục vụ (Lc 22, 27) …
Cũng qua việc “Rửa chân”, Chúa gián tiếp đề cập đến phải hành xử quyền bính thế nào cho đúng. Câu 375 của sách “YOUCAT - Giáo lý Hội Thánh Công giáo cho người trẻ” giải đáp cho câu hỏi này: “Hành xử quyền bính cho đúng là hành xử luôn luôn để phục vụ như Chúa Giêsu. Không bao giờ được tùy tiện theo ý mình. Chúa Giêsu đã chỉ dẫn cho ta một lần thay tất cả biết cách thi hành quyền bính. Chúa nắm quyền bính tối cao đã tự làm đầy tớ và chọn chỗ thấp nhất: Người đã rửa chân cho các môn đệ (Ga 13, 1 - 20). Bậc cha mẹ, thầy cô, nhà giáo dục và người được bầu cử được có quyền bính từ Thiên Chúa, nên vai trò của họ không phải là thống trị những người được giao phó cho họ, mà là thi hành và hiểu biết trách nhiệm của họ về việc giáo dục hoặc về chính trị như là để phục vụ.”.
Qua cử hành nghi thức rửa chân chiều thứ Năm Tuần Thánh, Hội Thánh muốn nhắc nhở các tín hữu phải noi gương Đức Kitô trong tinh thần phục vụ vì yêu thương.
Thứ Năm Tuần Thánh, 28.3.2013, thay vì cử hành thánh lễ Tiệc ly tại Đền Thánh Phêrô, Đức tân Giáo hoàng Phanxicô đã đến dâng lễ với khoảng 50 em tại Trung tâm giam giữ thanh thiếu niên phạm pháp Casal del Marmo ở ngoại ô Rôma. Trong thánh lễ, vị giáo hoàng mới lên kế vị Thánh Phêrô đã cử hành nghi thức rửa chân. Ngài cởi áo lễ, quỳ gối xuống rửa chân, lấy khăn lau, rồi hôn chân của 10 em nam và 2 em nữ; ở độ tuổi 14 - 21, trong đó có phạm nhân người Hồi giáo gốc Serbia.
Thứ Năm Tuần Thánh, 17.4.2014, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà thờ của Trung tâm Phục hồi chức năng mang tên “Đức Mẹ Chúa Quan phòng” thuộc Hội Chân phước linh mục Gnocchi ở ngoài thành Rôma. Ngài đã rửa và hôn chân cho 12 người khuyết tật từ 16 đến 86 tuổi, trong đó có một bệnh nhân Hồi giáo gốc Libya… Theo chương trình, Thứ Năm Tuần Thánh năm nay, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ về vùng ngoại ô phía Đông Bắc Rôma, cử hành thánh lễ Tiệc ly tại nhà nguyện Padre Nostro trong nhà tù Rebibbia và rửa chân cho một số nam, nữ tù nhân. 
Trong phần Mục lục Phân tích của cuốn “Bộ Giáo luật 1983” do Hội đồng Giám mục Việt Nam phát hành (Nhà Xuất bản Tôn giáo, năm 2007) không thấy đề cập đến từ “Rửa chân”. Bản đối chiếu Việt ngữ - Latinh cũng không có mục từ này. Như thế, các linh mục có thể tham khảo gương Đức Giáo hoàng Phanxicô rửa chân cho giới nữ, trẻ nhỏ, người nước ngoài và người ngoài Công giáo...
CGvDT

i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 2000 ra ngày 27.03.2015, trang 5.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét