Ngày 12.10.2013, khoảng 100 giáo lý viên phụ trách
giáo lý dự tòng của giáo phận TP.HCM tham dự buổi tìm hiểu huấn từ ngày
27.9.2013 của Đức Phanxicô nói với các giáo lý viên hành hương về Rôma dịp Năm
Đức Tin và tham dự Đại hội Quốc tế về Dạy Giáo lý. Ông Gioan Phêrô Tạ Đình Vui
- Trưởng ban Giáo lý Dự tòng giáo phận đã trình bày nội dung bài nói chuyện và
diễn giải thêm theo chủ đề “Giáo lý viên
khắng khít với Đức Kitô và dân thánh”.
VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN
Tin đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1929 ra ngày 18.10.2013,
trang 15.
***
***
“GIÁO
LÝ VIÊN KHẮNG KHÍT VỚI ĐỨC KITÔ VÀ DÂN THÁNH”
Đó là chủ đề buổi học hỏi của những người phụ trách
Giáo lý Dự tòng trong giáo phận TP.HCM tại giáo xứ Nam Hưng (hạt Hóc Môn) vào
sáng ngày 12.10.2013. Khoảng 100 giáo lý viên tham dự, được tìm hiểu về diễn từ
ngày 27.9.2013 của Đức Giáo hoàng Phanxicô tại sảnh đường Phaolô VI trong buổi
tiếp kiến các giáo lý viên hành hương về Rôma dịp Năm Đức Tin và tham dự Đại
hội Quốc tế về Dạy Giáo lý.
Ông Gioan Phêrô Tạ Đình Vui - Trưởng ban Giáo lý Dự
tòng giáo phận đã trình bày nội dung bài nói chuyện và diễn giải thêm: Đức Giáo
hoàng Phanxicô cho rằng việc dạy giáo lý là một trụ cột trong việc giáo dục Đức
Tin, là dẫn tha nhân tới gặp gỡ Đức Giêsu nhờ vào lời nói, cuộc sống và chứng
tá. Giáo lý viên phải có tình yêu - không mua được ở cửa tiệm hay tại Rôma - là
hồng ân, là quà tặng đến từ Đức Kitô. Nhờ đó, mỗi người khởi phát lại từ Đức
Kitô trong tương quan thân mật, thoát khỏi chính mình đến gặp gỡ tha nhân, và
đi với Chúa tới những vùng xa.
Điều đầu tiên Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn khuyên giáo
lý viên có sự thân thiết, gắn bó, bám chặt trong Chúa Giêsu và ở lại với Người
suốt đời: Ở trong sự hiện diện của Chúa và để cho Người nhìn ngắm mình. Đây
chính là một cách cầu nguyện. Nhờ ngọn lửa tình bằng hữu với Chúa sưởi ấm tâm
hồn, cảm thấy rằng Người thực sự đang nhìn, gần gũi và yêu thương chúng ta.
Trong từng bậc sống đều có cách thức thích hợp để “ở lại” với Chúa. Nếu
tâm hồn không có hơi ấm của Thiên Chúa, không có tình yêu và sự dịu dàng của
Người, thì làm sao những tội nhân nghèo hèn chúng ta có thể sưởi ấm được trái
tim người khác?
Yếu tố thứ hai là bắt chước Đức Kitô để đi ra khỏi
chính mình và đến gặp gỡ tha nhân. Giáo lý viên ý thức rằng mình đã nhận được
hồng ân Đức Tin, đón nhận gia tài giáo lý của các Tông Đồ thì phải trao lại cho
người khác như một món quà. Tình yêu Đức Kitô thúc đẩy, thu hút, chiếm hữu và
sai giáo lý viên đi tặng cho những người chung quanh. Là giáo lý viên đòi hỏi
khắng khít hơn với Đức Kitô và với Dân Thánh của Người.
Đức Giáo hoàng nhấn mạnh người dạy giáo lý cần yếu tố
thứ ba là không sợ phải vượt ra ngoài khuôn khổ để đi theo Chúa, vì Thiên Chúa
luôn luôn đi xa hơn. Giáo lý viên chịu thua sợ hãi thì là một kẻ hèn nhát; muốn
sống yên hàn thì sẽ trở thành pho tượng trong viện bảo tàng. Khi cứng nhắc,
người đó trở nên cằn cỗi và không sinh hoa trái. Khi đóng kín mình, sẽ bị ngã
bệnh. Còn nếu đi ra ngoài, có thể xảy ra tai nạn. Đức Giáo hoàng Phanxicô vẫn
thích một Hội Thánh ngàn lần bị thương tích vì tai nạn, hơn là một Giáo hội
bệnh tật. Dạn dĩ ra đi, sẽ thấy Đức Kitô cùng đi. Rồi cảm nhận được Thiên Chúa
luôn đi trước. Chúa đợi mỗi người trong con tim, trong vết thương thể xác,
trong tâm hồn thiếu Đức Tin, trong đời sống của những người đau khổ chung
quanh.
Kể về nỗi đau khi thấy các trẻ em không biết làm Dấu
Thánh Giá ở giáo phận Buenos Aires,
Đức Giáo hoàng mong giáo lý viên ở lại trong Đức Kitô, đi theo, bắt chước những
cử chỉ yêu thương của Chúa mà can đảm vạch ra con đường mới để loan báo Tin
Mừng.
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền - Trưởng ban Giáo lý
giáo phận cũng đã đến chia sẻ cảm nghiệm về Đại hội Quốc tế về Dạy Giáo lý 2013
mà Việt Nam
có được 2 đại biểu tham dự. Trong 6 bài tham luận nghe tại Đại hội, linh mục
Phêrô Nguyễn Văn Hiền tâm đắc với đề tài “Ký ức Giêsu” - là câu chuyện
kể về Chúa Giêsu một cách thuyết phục, gắn với hiện tại, làm người Dự tòng dễ
tiếp thu hơn.
Buổi học hỏi của giáo lý viên Dự tòng kết thúc bằng
thánh lễ do linh mục Trưởng ban Giáo lý chủ tế.
VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN
Bài đăng trên Trang tin điện tử Mến Chúa Yêu Người ngày 31.10.2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét