Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Thừa sai dòngTên hội nhập thần học vào văn hóa Việt Nam



CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN NỖ LỰC HỘI NHẬP THẦN HỌC KITÔ GIÁO VÀO NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM

Sáng ngày 28.6.2014, tại Trung tâm Mục vụ giáo phận TP.HCM, dòng Tên đã tổ chức buổi hội thảo về đề tài “Thuyết Tam phụ và đạo Hiếu: Một nỗ lực hội nhập thần học trong nền văn hóa Nho giáo tại Việt Nam thời xưa” do linh mục Antôn Phaolô Trần Quốc Anh trình bày, và đề tài “Ngôn ngữ biểu trưng trong giáo lý - Sách giáo lý của cha G. Majorica và sáng kiến hội nhập văn hóa” với phần thuyết trình của linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Hai Tính. Có sự hiện diện của Đức Giám mục Bắc Ninh Cosma Hoàng Văn Đạt; nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân tham dự. Đây là sinh hoạt trong chương trình kỷ niệm 400 năm dòng Tên đến loan báo Tin Mừng trên đất Việt (1615- 2015)
Linh mục Antôn Phaolô Trần Quốc Anh - Tiến sĩ thần học và tôn giáo, giáo sư đại học Santa Clara (Hoa Kỳ), trình bày đề tài về giáo lý Tam Phụ (ba người Cha): Thiên Chúa - Vua - Cha mẹ. Giáo lý Tam Phụ được trình bày trong các tác phẩm như Thiên Chủ Thực Nghĩa (1603), Phép Giảng Tám Ngày (1651), Sách Giảng Đạo Thật (1758), Hội Đồng Tứ Giáo (thế kỷ XIX) lồng trong bối cảnh của xã hội Nho giáo Việt Nam thời bấy giờ. Giáo lý Tam Phụ cho thấy đạo Thiên Chúa không thực sự xa lạ với người Việt, căn bản cũng là đạo Hiếu, tuy hình thức diễn tả và thực hành nghi thức có phần khác biệt. Giáo lý Tam Phụ là một nỗ lực hội nhập thần học thưở xưa, là kinh nghiệm cho việc hội nhập thần học ngày nay.
Nhân đề tài này, nhiều tham dự viên đã nêu câu hỏi xoay quanh việc Kitô giáo đã giúp văn hóa Việt Nam phát triển như thế nào và học được gì từ Nho giáo? Vị thuyết trình đã chia sẻ thêm về những nét đẹp của người Việt, sự phát triển của chữ Nôm, và đóng góp của Kitô giáo trong việc hôn nhân một vợ một chồng.
Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Hai Tính - Tiến sĩ thần học, Trưởng Ban Triết Học viện dòng Tên Việt Nam, đã giới thiệu về sách “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông” là cuốn giáo lý đầu tiên viết bằng văn Việt (chữ Nôm) do thừa sai dòng Tên Girolamo Majorica (1591-1656) người Ý viết trước năm 1634. Sách được chuyển ngữ từ cuốn “Giáo lý ngắn” của linh mục Bellarminô, có lấy ý từ giáo lý Công đồng Trentô để sáng tạo các câu hỏi, từ ngữ mới và vận dụng những hình ảnh biểu trưng để diễn tả các chân lý đức Tin. Sách sử dụng ba hình thức ngôn ngữ mang tính biểu trưng cao độ là thí dụ, truyện kể và công thức để trình bày và lý giải các chân lý đức Tin sâu xa. Nét độc đáo của sách này là được viết đơn giản nhưng vẫn bảo toàn giáo lý chính thống, việc hành đạo và quan tâm đến người đọc. Những giảng giải mang tính “nhập môn”, tưởng rằng đơn sơ và vụng về, nhưng tiềm ẩn giá trị thần học đúng đắn và giá trị hội nhập văn hóa sâu xa, lâu bền.
Kết thúc buổi hội thảo, linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu - Trưởng Ban Tổ chức đã mời các tham dự viên cùng hiệp ý tạ ơn Thiên Chúa, tỏ lòng biết ơn các nhà thừa sai đã đến truyền giáo, cảm tạ cha ông và các bậc tiền bối đã vất vả sáng tạo, làm nên những điều tốt đẹp cho thế hệ con cháu. Ban Tổ chức mời gọi các tín hữu cộng tác trong bổn phận gìn giữ và giao lại di sản này cho tương lai.

VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1964-1965 ra ngày 04.07.2014, trang 52.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét