NHÀ THỜ CHÍNH TÒA ĐỨC BÀ SÀI GÒN: BƯỚC THEO VÀ SUY TÔN THÁNH
GIÁ CHÚA
Chiều thứ Sáu Tuần Thánh ngày 29.03.2013, dù trời vẫn còn
nóng gay gắt, các thành phần Dân Chúa trong giáo phận Sài Gòn vẫn quy tụ về nhà
thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn để cùng nhau tưởng nhớ và tôn kính cuộc khổ nạn
của Đức Giêsu Kitô. Chặng đàng Thánh giá bắt đầu lúc 16g. Hai nến sáng đi đầu
rước cây thập giá thật to, tiếp nối là linh mục phụ tá Phêrô Đỗ Duy Khánh và 4
vị đại diện giáo dân của giáo xứ Chính tòa.
Cộng đoàn cùng bước theo cây thập giá, nối kết với chặng
đường thương khó của Chúa Giêsu và mỗi môn đệ với từng người tín hữu. Lời
nguyện mở đầu của linh mục chủ sự dẫn cộng đoàn đi vào những giờ phút cuối cùng
của Chúa Cứu thế, thông qua Thánh giá là “chìa khóa mở ra những bí mật của
sự thật và sự sống”. Trong lời bài hát thiết tha vang lên: “Lạy Chúa,
xin cho con bước đi với Ngài...”, đoàn rước cây thập giá di chuyển đến
chặng thứ nhất. Nghe chủ sự xướng: “Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa
Giêsu Kitô”. Cộng đoàn cùng đáp: “Vì Chúa đã dùng cây Thánh giá mà chuộc
tội cho thiên hạ” rồi quỳ gối bái lạy. Một đoạn trích Phúc âm được đại diện
giáo dân đọc, hướng mọi người về ý nghĩa chặng đàng Thánh giá này. Linh mục
Phêrô Đỗ Duy Khánh gợi ý chia sẻ ngắn rồi cùng cộng đoàn đọc chung lời cầu
nguyện. Mọi người đứng lên khi vị linh mục xướng: “Lạy Chúa, xin thương xót
chúng con... Xin vì lòng từ bi của Chúa, cho linh hồn các tín hữu được nghỉ yên
ở chốn bình an.”. Trong hân hoan, tất cả cùng cất tiếng thưa: “Amen.”. Thánh
giá lại được rước qua chặng kế tiếp.
Các thành phần Dân Chúa trong giáo phận cùng nhau đi lại
chặng đường thập giá Chúa đã đi qua, dâng lời cầu nguyện để xin những mầu nhiệm
của Chúa thực sự sống động trong cuộc đời mỗi người. Tại chặng đầu tiên: Chúa
Giêsu bị kết án tử, cộng đoàn tha thiết xin Chúa Thánh Thần đến biến đổi
con người nội tâm mình theo hình ảnh Thiên Chúa. Chặng thứ II: Chúa Giêsu
vác thập giá, cầu cho nhìn thấy và đồng cảm với người bất hạnh chung quanh.
Chặng thứ III: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất, xin cho mỗi người
biết đứng dậy sau mỗi lần té ngã vì tội lỗi. Chặng thứ IV: Chúa Giêsu gặp Mẹ
Ngài, mong từng người đứng vững với niềm tin tưởng vào Chúa. Chặng thứ V: Ông
Simon thành Cyrene
vác đỡ thập giá Chúa Giêsu, xin biết sẵn sàng vâng theo Thánh giá hàng
ngày. Chặng thứ VI: Bà Veronica lau mặt Chúa Giêsu, cần được củng cố
trong đời sống Đức Tin.
Đến chặng thứ VII: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai,
ý nguyện chỉ muốn theo mẫu gương của Đức Kitô. Chặng thứ VIII: Chúa Giêsu
gặp những người phụ nữ thành Giêrusalem khóc thương ngài, cộng đoàn kêu nài
Chúa thương thứ tha tội lỗi. Chặng thứ IX: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ
ba, xin Thánh Thần tiếp thêm sức mạnh khi đơn độc và tuyệt vọng để trung
thành bám vào Chúa luôn. Chặng thứ X: Chúa Giêsu bị lột quần áo, mong
biết sống trọn vẹn Đạo làm con Chúa dù bị thua thiệt. Chặng thứ XI: Chúa
Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, qua cách sống mến thương nhau nói lên
quyết tâm chọn lựa và khám phá Thiên Chúa tình yêu. Chặng thứ XII: Chúa
Giêsu chết trên thập giá, cần hợp nhất và bước đi trong sự thật. Chặng thứ
XIII: Tháo xác Chúa Giêsu xuống và trao vào tay Đức Mẹ, muốn học
cách chấp nhận và phó thác. Chặng thứ XIV: Chúa Giêsu được đặt trong mộ đá,
mong biết biến đổi đời sống thành chứng nhân... Khép lại 14 chặng đàng tưởng
niệm, mọi người dâng lời nguyện kết thúc, rước Thánh giá về giữa bàn thờ chính.
Nhiều người nước ngoài vào nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn,
không còn với tư cách là du khách đến tham quan, mà là những Kitô hữu, cùng
hiệp thông với giáo dân Việt Nam đi chặng đàng Thánh giá chiều thứ Sáu Tuần
Thánh của năm Đức Tin. Đức Giám mục Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm cũng đến đứng
ở cuối nhà thờ, âm thầm nguyện theo các chặng thương khó với cộng đoàn.
Vương cung Thánh đường Chính tòa đón đoàn dân đông đảo đến
Suy tôn Thánh giá lúc 17g với 3 phần: Phụng vụ Lời Chúa, Kính thờ Thánh giá,
Rước Mình Thánh Chúa. Trong phẩm phục đỏ, Đức Giám mục Phụ tá tiến ra quỳ trước
bàn thờ, thinh lặng cầu nguyện, rồi đọc lời nguyện để dẫn vào hai bài đọc Thánh
thư. Bài Thương khó theo Tin Mừng Thánh Gioan được linh mục Phêrô Đỗ Duy Khánh
cùng 2 giáo dân xướng đọc với cung giọng cao.
Khi diễn giải Lời Chúa, Đức Giám mục Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn
Khảm nhắc lại bài ca về “Người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa” được sáng
tác 700 năm trước Công nguyên, nhưng lại là những lời tiên tri khi đối chiếu
với cuộc đời Đức Giêsu. Chúa chết vì tội lỗi của chúng ta, chịu thương tích để
chúng ta được chữa lành. Từ đó, Đức Giám mục mời gọi các thành phần Dân Chúa
khám phá ý nghĩa cái chết của Chúa Giêsu. Ngài nhấn mạnh 3 ý chính để lại dấu
ấn và Ơn Cứu độ: Cử hành cuộc thương khó không như một lữ khách bàng quan mà
nhận ra mình có trách nhiệm trong việc đóng đinh Chúa Giêsu vì tội lỗi và nếp
sống của ta... Không ngừng lại ở những đau đớn thể xác bên ngoài mà thấy được
cái chết của Chúa Giêsu là Tình yêu tự hạ hy sinh... Noi theo Thánh Gioan Tông
đồ, rước Đức Mẹ vào ngôi nhà tâm hồn và giúp mỗi tín hữu bước theo con đường
của Chúa.
Cộng đoàn hiệp cùng Đức Giám mục chủ tế dâng các lời cầu
nguyện cho Hội Thánh, Đức Giáo hoàng Phanxicô, hàng Giáo sĩ và Giáo dân khắp
toàn cầu, anh chị em Dự tòng, các Kitô hữu, người Do Thái, người ngoài Kitô
giáo, người vô thần, các nhà lãnh đạo quốc gia, những người đau khổ... Trong
ngày thứ Sáu Tuần Thánh năm nay, Giáo hội Việt Nam hiệp thông với Kitô hữu ở
Giêrusalem, quyên góp giúp Thánh địa như lời mời gọi của các mục tử.
Cây Thánh giá có phủ khăn được rước ra trước bàn thờ. Đức
Giám mục Phụ tá Phêrô tháo một góc khăn che và 3 lần cất cao tiếng: “Đây là
Cây Thánh giá, nơi treo Đấng Cứu độ trần gian. Chúng ta hãy đến thờ lạy.”
Cả nhà thờ quỳ xuống tôn kính. Đức Hồng y Tổng Giám mục Gioan B. Phạm Minh Mẫn,
Đức Giám mục Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm, các linh mục đồng tế, tu sĩ nam nữ
và một số giáo dân đại diện cộng đoàn đã tiến lên Cung thánh hôn kính tượng
Chúa Giêsu chịu chết trên Thánh giá.
Linh mục Giuse Vương Sĩ Tuấn đến bàn thờ tạm rước Mình Thánh
Chúa lên bàn thờ chính. Đức Giám mục chủ tế xướng kinh Lạy Cha, tiếp tục dâng
Thánh lễ, cho cộng đoàn rước Thánh Thể. Sau lời chúc ra đi bình an cuối lễ, các
thành phần Dân Chúa xếp thành những hàng dài, tiến lên hôn chân Chúa. Tượng đá
tạc lại cảnh Chúa Giêsu nằm chết có Đức Mẹ thương khóc ở chặng thứ XIII cũng
được một số tín hữu đến cầu nguyện và hôn kính.
Trời sẩm tối, mọi người mới ra về. Hơn ba giờ bước theo và
suy tôn Thánh giá Chúa giúp mỗi người thông hiệp với cuộc khổ nạn của Đấng Cứu
thế, được gợi mở tâm hồn để yêu mến Chúa nhiều hơn, để những Mầu nhiệm của Chúa
đang thực sự sống động trong cuộc đời từng Kitô hữu trong hành trình trở nên
chứng nhân Đạo Yêu Thương giữa thế trần.
VŨ
ĐỖ HOÀNG TUẤN
Bài
đăng trên Trang tin Điện tử Mến Chúa Yêu Người ngày 06.04.2013