Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Hội thảo "Thần học bối cảnh và việc đào tạo giáo dân" ở Học viện Mục vụ TP.HCM



THẦN HỌC BỐI CẢNH VÀ VIỆC ĐÀO TẠO GIÁO DÂN

Sáng 1.3.2014, Học viện Mục vụ giáo phận TP.HCM phối hợp với Ủy ban Giáo lý Đức Tin của Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức buổi hội thảo chuyên đề “Thần học bối cảnh và việc đào tạo giáo dân”.  
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Am và linh mục Antôn Hà Văn Minh - hai thành viên trong Tổ Thần học thuộc Ủy ban Giáo lý Đức Tin đã trình bày về việc hội nhập vào bối cảnh văn hóa và xã hội mới, thực hiện công cuộc Loan báo Tin Mừng cách mới mẻ trên quê hương đất Việt. Nhiều tu sĩ, học viên, giáo lý viên đã đến tham dự.
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Am, dòng Salesien Don Bosco, qua đề tài “Thần học bối cảnh: những cám dỗ và lợi ích” đã gợi những suy tư về việc hướng dẫn và giảng dạy giáo lý. Theo linh mục, từ những kinh nghiệm riêng, giáo lý viên nắm giữ nhiều kiến thức đức tin, nhưng lại thiếu quan tâm trong việc trình bày lại những kiến thức đó cho người khác bằng một thứ ngôn ngữ, cách diễn tả mà ai cũng dễ hiểu. Linh mục đã chia sẻ: Chúng ta hình như không quan tâm hay không để ý họ là ai, trình độ học vấn, làm công việc gì? Do đó, việc rao giảng Tin Mừng càng lúc càng buồn chán, rời rạc, khuôn mặt của Giêsu càng xa rời họ. Trong khi đó, mục đích của thần học là mang Thiên Chúa đến gần với họ hơn.
Qua những kinh nghiệm của lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, và cách riêng kinh nghiệm của vị Thừa Sai Dòng Tên Francesco Buzomi đã hiểu và diễn tả lời mời gọi dân Việt lãnh nhận phép Rửa bằng một thứ ngôn ngữ hợp thời, linh mục Giuse Nguyễn Văn Am cho thấy cần phải có sự nhậy bén trước mỗi nền văn hóa và hội nhập vào nền văn hóa ấy, việc hội nhập văn hóa hay xây dựng một nền thần học cho địa phương quả là cần thiết và là một bổn phận, bắt buộc của người làm công việc rao giảng Tin Mừng…
Linh mục Antôn Hà Văn Minh đến từ giáo phận Phú Cường, trình bày việc đào tạo giáo lý viên hiện nay trong hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.
Việt Nam là mảnh đất đa tôn giáo và tín ngưỡng, có sáu tôn giáo lớn đang hiện diện: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Cao Đài, Hòa Hảo và nhiều tín ngưỡng khác. Hằng năm, có khoảng 8000 lễ hội tôn giáo hoặc tín ngưỡng cấp quốc gia và địa phương tổ chức. Người dân Việt rất nhạy cảm về các lãnh vực thuộc tâm linh, vì thế họ sẵn sàng biểu lộ niềm tin dưới mọi hình thức, miễn sao họ có được cảm giác, tâm thức “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Quan niệm “đạo nào cũng tốt” trở thành cách thế biểu tỏ sự kiên vững niềm tin của mình. Mặt khác, thái độ sống thực dụng của các bạn trẻ Việt Nam hôm nay đã hình thành trào lưu thụ hưởng khoái lạc và coi đó là cứu cánh của cuộc sống, xa dần niềm tin tôn giáo. Họ coi những nền tảng tôn giáo là rào cản, cần phá bỏ. Những trào lưu như: sống thử trước hôn nhân, phá thai, ly dị, kết hôn đồng tính hay hội chứng bị lên án thời gian gần đây: “không cho yêu thì giết”.
Trước bối cảnh Việt Nam hôm nay, những giáo lý viên cần là những người cảm nghiệm và ý thức và sống tinh thần Giáo hội hiệp thông theo những chiều kích: Giáo hội như là dân Chúa lữ hành, gặp gỡ và đối thoại với mọi người trong cuộc lữ hành; thứ hai, Giáo hội cũng là cộng đoàn của những người tội lỗi, được biểu lộ qua cuộc sống khiêm nhu, cảm thông với phận người; thứ ba, Giáo hội đoàn kết với người nghèo, nghĩa là phải bén rễ sâu trong lòng dân tộc Việt như là giữa và với người nghèo.
Những cảm nghiệm, nhưng suy tư trên giúp giáo lý viên ý thức điều mình rao giảng, tìm tòi những phương pháp chuyển tải đức tin sao cho người nghe có thể đón nhận dễ dàng; không thu hẹp việc giảng dạy vào những lý thuyết, nhưng mở ra con đường tái khám phá giá trị đích thực của cuộc sống…
Qua buổi hội thảo, các tham dự viên được mời gọi “luôn tìm cách truyền thụ chân lý của Tin Mừng cách hiệu quả trong một bối cảnh cụ thể” theo Tông huấn Niềm vui Tin Mừng Evangelii Gaudium của Đức Giáo hoàng Phanxicô.
  
VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1947 ra ngày 07.03.2014, trang 19 và 29.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét