VĂN HÓA ĐỌC THỜI HIỆN ĐẠI
Chiều ngày 10.5.2014, chuyên đề Giáo dục của Ban Mục
vụ Gia đình giáo phận TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm về văn hóa đọc sách hiện nay.
Năm diễn giả đến với buổi
tọa đàm là bà Phạm Thị Thúy - Chuyên viên Tư vấn Tâm lý, giảng viên Đại học Hành
chánh; bà Dương Ngọc Hân - Trưởng phòng Biên tập công ty Văn hóa Sáng tạo Trí
Việt (First News); ông Giuse Nguyễn Văn Quýnh - Giảng viên môn Ngữ văn; ông Trần Thiện Tùng - Phát
thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam và ông Phạm
Văn Út Linh - Trưởng nhóm Thiện nguyện Facebook+. Các tham dự viên đến dự có nhiều
lứa tuổi, ngành nghề khác nhau nhưng đều có chung một niềm đam mê sách, thích
đọc sách.
Các diễn giả đã cho biết giá trị của sách đối với bản
thân mình. Ông Quýnh khẳng định sách là kinh nghiệm trong bao thế kỷ được lớp
người đi trước truyền lại để áp dụng vào cuộc sống. Sách đối với biên tập viên
Ngọc Hân là “cánh cửa mở rộng ra thế giới, dẫn mình vươn xa”. Ông Út
Linh thì chọn sách phù hợp với ước muốn của mình, vừa đọc vừa trải nghiệm và
điều chỉnh bằng việc làm cụ thể ngoài đời. Phát thanh viên Trần Thiện Tùng xem
sách là một người bạn, một người thầy có thể “đối thoại” và tiếp cận
bằng tri thức. Giảng viên Phạm Thị Thúy thì ví von mở sách đọc là đi tìm “thông
điệp giữa hai dòng chữ”. Thống kê mỗi năm người Việt Nam chỉ đọc 0,8
cuốn sách, trong lúc người Pháp đọc 14 cuốn sách/năm.
Nhiều người nhìn nhận về “Văn hóa Đọc” hiện nay
với những thói quen, văn hóa, chuẩn mực, ứng dụng vào đời sống cũng còn nhiều
điều phải lưu tâm. Dưới góc độ người làm sách, bà Dương Ngọc Hân cho biết đáng
buồn là ít người đọc sách có chọn lọc; xu hướng thích đọc truyện tranh hay sách
ngôn tình do thói quen đọc của gia đình. Bà cũng chia sẻ rằng thông tin trên
Internet thường không có sự thẩm định rõ ràng, trong lúc một cuốn sách in, khi
đến tay độc giả đã phải trải qua nhiều người thẩm định và tra cứu chuyên ngành,
là kênh thông tin tin cậy hơn Internet nhiều. Theo bà, người đọc cần sàng lọc
cái tốt, cái cần cho mình để nâng cao văn hóa, nâng cao dân trí và chấn hưng dân
tộc. Giảng viên Nguyễn Văn Quýnh thì lưu ý bạn đọc không nên hoàn toàn tin vào
sách mà phải biết suy xét, cân nhắc cho phù hợp với cuộc sống đổi thay. Xem
tiểu thuyết nhiều sẽ bị hụt hẫng vì đời thường không như tiểu thuyết. Trong
thời đại Internet bùng nổ, ông Trần Thiện Tùng đồng tình với các bạn trẻ là
chấp nhận sự thay đổi hình thức đọc để tiếp cận kho tàng của nhân loại, tất
nhiên là phải tỉnh táo để chọn lựa.
Các diễn giả cũng giúp tham dự viên có thêm kỹ năng
chọn sách, đọc sách. Thầy giáo Quýnh đúc kết : “Đọc cho thật kỹ, nghĩ cho
cẩn thận, phân biệt sáng tỏ, làm cho hết sức”. Ông Phạm Văn Út Linh - người
từng trải qua tuổi thanh xuân trong chiến tranh nhưng nhờ tự đọc, tự học mà
thành công khi hòa bình về, đã khuyên các bạn trẻ không chỉ sống trong ốc đảo
của mình mà hòa nhập với cộng đồng trong tình bằng hữu. Chuyên viên Tâm lý Phạm
Thị Thúy nhận định học kỹ năng mềm từ sách, qua sách là rẻ tiền nhất và ai cũng
có thể làm được. Bà cảm nhận hạnh phúc từ tình yêu sách và mời gọi cộng đoàn
cùng thắp lên ánh sáng văn hóa đọc. Cha mẹ truyền đam mê đọc sách cho con trẻ,
lập những tủ sách cho vùng xa, khuyến khích trao tặng sách vào dịp lễ theo mô
hình “chia sẻ và kết nối” là ý tưởng của ông Trần Thiện Tùng.
Nhiều tham dự viên cũng chia sẻ thao thức và kinh
nghiệm đến với sách để các bạn trẻ biết chọn lọc, tìm đến với niềm đam mê trau
dồi tri thức và nhân cách qua những trang sách hay.
VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN
Bài đăng Báo Công giáo và Dân tộc
số 1957 ra ngày 16.05.2014, trang 18.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét