THÀNH PHỐ
HỒ CHÍ MINH 40 NĂM XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP
Mở đầu cho chuỗi các
sinh hoạt, sự kiện mừng 40 năm thống nhất hai miền Nam - Bắc (30.4.1975 -
30.4.2015), một cuộc hội thảo về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra vào
ngày 17.3.2015 tại Hội trường thành phố do Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban
Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cùng phối hợp tổ chức. Hội
nghị có sự hiện diện của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Thủ
tướng Phan Văn Khải; nhiều vị lãnh đạo Trung ương, TP.HCM và các tỉnh thành; các
vị lão thành cách mạng, các học giả, nhà khoa học, nghiên cứu, các vị nhân sĩ
trí thức, đại biểu đồng bào dân tộc, tôn giáo.
Chuẩn bị cho hội thảo, đã
có 125 tham luận - khoảng 1.000 trang - từ nhiều miền đất nước được gửi về cho
Ban Tổ chức với nội dung xoay quanh năm phần chính, gồm: Những vấn đề chung của
TP.HCM; Kinh tế, Đô thị; Văn hóa - Xã hội, Khoa học - Công nghệ; An ninh - Quốc
phòng, Đối ngoại; Xây dựng Đảng, Chính quyền, Đoàn thể. Nhiều tham dự viên đã
đăng ký phát biểu và thảo luận trong hai phiên làm việc sáng, chiều của ngày
hội thảo.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm
- Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM khai mạc hội thảo. Bà mong rằng
qua hội thảo khoa học sẽ đánh giá đúng mức những thành tựu đã đạt được; cả
những khó khăn, hạn chế, yếu kém để khắc phục; rút ra bài học kinh nghiệm và
tầm nhìn cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và hội nhập trong thời kỳ mới.
Ông Lê Thanh Hải - Bí
thư Thành ủy phát biểu đề dẫn, nêu lên bài học kinh nghiệm từ thực tiễn mà
TP.HCM đã xây dựng và phát triển trong suốt 40 năm qua. Nhờ bám sát thực tiễn,
có những bước đi đột phá, thực hiện đổi mới toàn diện, các thế hệ đã chung tay xây
dựng TP.HCM mạnh về mọi mặt, có tầm cỡ ở khu vực Đông Nam Á. Còn khó khăn, yếu
kém tồn đọng song TP.HCM nghiêm túc nhận định và đề ra phương án khả thi để
khắc phục trong thời gian tới.
Ông Phan Văn Khải - nguyên
Thủ tướng Chính phủ, người có 14 năm gắn bó với mảnh đất này, từ những ngày đầu
mới tiếp quản, đã phát biểu mở đầu cuộc hội thảo. Ông nhận xét TP.HCM đã góp
phần xóa bỏ cơ chế tập trung bao cấp, bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh kinh tế,
đóng góp rất lớn cho sự việc đổi mới của đất nước. Qua 40 năm, TP.HCM đạt được nhiều
thành tựu to lớn, ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Từ thành công
trong việc phát huy lợi thế của một thành phố lớn, quan trọng về chính trị,
kinh tế, an ninh quốc phòng, văn hóa, khoa học; TP.HCM đã đóng góp rất lớn vào
sự nghiệp chung của cả nước.
Tại hội thảo, một số đại
biểu đã trình bày tham luận, nêu lên vai trò của TP.HCM trong quá trình hình
thành nền kinh tế thị trường; vai trò của nhân dân trong phát triển; năng động
sáng tạo mà vẫn giữ được giá trị tinh thần và truyền thống; giảm nghèo bền vững
với cách tiếp cận đầy tính nhân văn...
Tuy chỉ chiếm 0,6% về
diện tích tự nhiên và 8,8% dân số cả nước, nhưng TP.HCM đóng góp 21,7% tổng sản
phẩm nội địa GDP cả nước; 30,3% tổng thu ngân sách nhà nước; 29,8% lãnh vực
dịch vụ, công nghiệp, xây dựng; 21,4% giá trị kim ngạch xuất khẩu; 20,7% giá
trị kim ngạch nhập khẩu; 22,3% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ...
Thành phố có 3 khu chế xuất, 13 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, 37 trung
tâm thương mại, 175 siêu thị, 240 chợ truyền thống, 723 cửa hàng tiện lợi, có
140.000 doanh nghiệp, hơn 250.000 hộ kinh doanh, có 5.331 dự án đầu tư của nước
ngoài với tổng số vốn hơn 36,6 tỷ USD. TP HCM phấn đấu đến cuối năm 2015, GDP
bình quân đầu người đạt 5.538 USD/năm.
Bên cạnh những thành quả đã đạt được, TP HCM vẫn
còn nhiều khó khăn, thách thức. Các đại biểu đã có nhiều ý kiến tâm
huyết đóng góp, mong thành phố tìm
ra mô hình mới, quyết tâm vượt qua trở
ngại để phát triển bền vững trong giai đoạn kế tiếp.
HOÀNG KIM LONG
Bài đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1999 ra ngày 20.03.2015, trang 9.