Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Giáo hội ViệtNam cầu nguyện cho Đức tân Giáo hoàng Phanxicô



GIÁO HỘI VIỆT NAM CẦU NGUYỆN CHO ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
Ngày 14.3.2013, Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam có thư gửi cộng đồng Dân Chúa, chính thức thông báo về Đấng kế vị thứ 266 của Thánh Phêrô. Trước đó, Đức TGM Chủ tịch cũng đã gửi thư đến Đức tân Giáo hoàng Phanxicô bày tỏ sự hiệp thông, vâng phục và lòng mến của Giáo hội Công giáo Việt Nam với ngài.
Chiều ngày 15.3.2013, tại nhà thờ Chánh tòa Hà Nội, các tín hữu của nhiều giáo xứ trong Tổng Giáo phận Hà Nội đã quy tụ hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho Đức Phanxicô, tân Giáo hoàng. Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli - Đại diện không thường trú của Tòa Thánh ở Việt Nam đã chủ tế thánh lễ cùng với Đức TGM Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Đức Giám mục Bắc Ninh Cosma Hoàng Văn Đạt, Đức Giám mục Phó Bùi Chu Tôma A. Vũ Đình Hiệu và Đức Giám mục Phụ tá Hà Nội Lôrensô Chu Văn Minh. Đông đảo giáo dân, chủng sinh Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội, nam nữ tu sĩ đã tham dự thánh lễ.
Mở đầu thánh lễ, Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn nói lên tâm tình đặc biệt của ngày lễ, mời gọi bà con giáo dân cùng hiệp ý cầu nguyện cho Đức tân Giáo hoàng Phanxicô. Đến phần chia sẻ Phúc Âm, Đức TGM L. Girelli nói về sứ vụ của Thánh Phêrô và các Đức Giáo hoàng kế vị. Thánh Phêrô củng cố các Tông đồ trong Đức Tin, nhận sứ mạng rao giảng là làm đẹp lòng Thiên Chúa chứ không phải là đẹp lòng người đời. Như cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô, Hội Thánh trải qua đau khổ rồi mới bước tới vinh quang. Vị Đại diện Tòa Thánh Vatican đã mời gọi cộng đoàn hãy cầu nguyện và hiệp thông với đấng kế vị Thánh Phêrô, là dấu chỉ hiệp nhất hữu hình của toàn thể Hội Thánh; cùng xây dựng tình thương và kiến tạo hòa bình cho thế giới.
Cuối thánh lễ, Đức TGM L. Girelli chuyển lời chào và phép lành của Đức tân Giáo hoàng Phanxicô đến toàn thể cộng đoàn đang hiện diện... Dịp này, Đức TGM Chủ tịch Hội đồng Giám mục cũng mời gọi mọi người cầu nguyện cho vị Đại diện không thường trú của Tòa Thánh ở Việt Nam, nhân dịp Đức TGM L. Girelli kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60.
Tối ngày 16.3.2013, tại nhà thờ Chánh tòa giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng, Đức Giám mục Giuse Đặng Đức Ngân chủ sự thánh lễ cầu nguyện cho Đức tân Giáo hoàng. Tối Chúa nhật 17.3, bà con giáo dân xứ Thánh Tâm (tỉnh Hà Giang) lại cùng Đức Giám mục giáo phận hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho ngài.
Trong các thánh lễ Chúa nhật V Mùa Chay 17.3.2013, mỗi xứ họ thuộc giáo phận Bắc Ninh dâng một thánh lễ đặc biệt cầu cho vị mục tử toàn cầu theo hướng dẫn của phụng vụ. Khuyến khích mỗi tín hữu cầu nguyện cho Đức tân Giáo hoàng trong kinh nguyện riêng.
Ngày 19.3.2013, Đức Giáo hoàng Phanxicô dâng thánh lễ khai mạc triều đại Giáo hoàng mới tại Roma. Cùng với Hồng y đoàn, Đức Hồng y Gioan B. Phạm Minh Mẫn của Tổng Giáo phận TP.HCM đồng tế với đấng kế vị Thánh Phêrô trong thánh lễ trọng thể này. Hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ, vào ngày 19.3, tại các cộng đoàn tu viện và giáo xứ ở giáo phận TP.HCM, mọi người dâng lễ kính Thánh Cả Giuse, Bổn mạng Hội Thánh Việt Nam, đồng thời cầu nguyện cho Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Tại Tổng giáo phận Huế, thánh lễ cầu nguyện cho Đức tân Giáo hoàng Phanxicô Đức Tổng Giám mục Huế Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng chủ tế, diễn ra tại nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam vào sáng ngày kính Thánh Cả Giuse 19.3.2013.
Trong sự hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ, trong ngày 19.3.2013 các giáo phận Đà Lạt, Thanh Hóa,... dâng lễ kính Thánh Cả Giuse, tạ ơn Thiên Chúa, đồng thời cầu nguyện cho Đức tân Giáo hoàng Phanxicô.

HOÀNG KIM LONG (Tổng hợp)
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1899 ra ngày 22.03.2013, trang 19.



Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Giáo phận TP.HCM cầu nguyện cho việc bầu GiáoHoàng



CẦU NGUYỆN CHO VIỆC BẦU TÂN GIÁO HOÀNG
Sáng 9.3.2012, tại Nhà thờ Chánh tòa giáo phận thành phố Hồ Chí Minh, đông đảo giáo dân đã tham dự thánh lễ cầu nguyện cho việc bầu Giáo hoàng do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục phụ tá giáo phận cử hành cùng với các linh mục.
Giảng trong thánh lễ, Đức Giám mục chủ tế nhắc lại lời Đức Giêsu nhắn nhủ cho Simon Phêrô và các Tông đồ hãy chăn dắt đàn chiên của Thầy. Ngày nay, trong việc chọn người kế vị Thánh Phêrô, không chỉ bầu chọn theo sự khôn ngoan của loài người, mà trước hết là tìm kiếm Thánh ý Chúa trong việc cầu nguyện.
Đức Giám mục Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã mời các thành phần Dân Chúa dâng lời nguyện cầu cho các Hồng y cử tri nhận ra sự soi sáng của Thiên Chúa, cầu cho vị tân Giáo hoàng sắp được tuyển chọn, cầu nguyện cho Giáo hội hiệp thông trong Đức Tin, các Kitô hữu biết cộng tác với các mục tử xây dựng Hội Thánh...
Cũng nhân dịp này, ban tổ chức đã thông tin là Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã đến Roma vào ngày 7.3.2013. Mật tuyển viện của Hồng y đoàn bắt đầu từ ngày 12.3.2013. Trên thế giới, đã có hơn 220.000 người đăng ký nhận cầu nguyện cho các Hồng y trong thời gian chuẩn bị bầu Giáo hoàng. Tại giáo phận TP.HCM, nhiều giáo xứ và dòng tu hiệp ý cầu nguyện trong các thánh lễ Chúa nhật 10.3.2013.

HOÀNG KIM LONG
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1898 ra ngày 15.03.2013, trang 23.

Tiềm năng người Phụ nữ



TIỀM NĂNG NGƯỜI PHỤ NỮ
Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ, sáng 7.3.2013, Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP.HCM đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Tiềm năng người Phụ nữ” do nữ tu Thécia Trần Thị Giồng, tiến sĩ tham vấn tâm lý, dòng Đức Bà trình bày.
Từ hình ảnh người mẹ, thuyết trình viên gợi lên sức mạnh tiềm năng của phụ nữ trong hai lãnh vực thể lý và tinh thần. Dù phải chia sẻ sự sống trong việc sinh con, vất vả nuôi dưỡng con cái và đảm đương công việc gia đình... nhưng phụ nữ vẫn sống lâu hơn nam giới. Người phụ nữ có trực giác nhạy bén, sức mạnh tinh thần, tấm lòng bao dung, biết xoay sở trong nhiều tình huống hơn nam giới. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trong thế kỷ XXI, chỉ số thông minh của nữ giới cao hơn nam. Số sinh viên nữ ra trường và đạt loại giỏi nhiều hơn nam sinh viên, phụ nữ gây tai nạn giao thông chỉ chiếm hơn 30% tổng số vụ...
Với 40 năm kinh nghiệm giảng dạy, nữ tu Thécia Trần Thị Giồng cho thấy phụ nữ cũng chịu nhiều áp lực tâm lý khi làm việc chung với nam giới. Bà mong những người chồng, người cha biết quan tâm và trân trọng người phụ nữ của mình. Vì tôn trọng nhau là độ bền của hôn nhân, tình yêu, tình bạn và các mối tương quan. Chồng cần phụ với vợ trong công việc nhà, ý thức chia sẻ gánh nặng đang đè nặng trên vai người nữ khi họ đang phải “đảm việc nhà, giỏi việc nước”. Biết chia sẻ cuộc sống với phụ nữ, nam giới sẽ góp phần khơi gợi những tiềm năng của giới nữ.
Nữ tu Thécia Trần Thị Giồng cũng gợi suy nghĩ về việc người phụ nữ ngày nay đang giành nhiều thời gian vào việc kiếm sống cho gia đình. Theo nữ tu, nếu như người nam giỏi gánh vác việc kiếm sống, gia đình không quá lệ thuộc vào những nhu cầu tiêu dùng, thì người nữ sẽ có nhiều thời gian hơn để chăm sóc gia đình, chồng con...
Một số tham dự viên cũng trình bày thêm ý kiến về sự công bằng cho nữ giới, trân trọng và quan tâm đến công việc của những người nữ chung quanh.
Nhân kỷ niệm 103 năm ngày Quốc tế Phụ nữ, Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP.HCM cũng tôn vinh và tặng quà các nữ tu, các mẹ và các chị đã nhiệt tình gắn bó trong công việc chung.

NGUYỄN DIỄM LỆ
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1898 ra ngày 15.03.2013, trang 23.

Tuyên dương “Thiếu nhi ngoan của Chúa”


THÔNG TIN XỨ ĐẠO

Giáo xứ Tân Việt (hạt Tân Sơn Nhì giáo phận TP.HCM) đã khen thưởng và tuyên dương những “Thiếu nhi ngoan của Chúa”: Em Giuse Dương Gia Huy nhặt được một chiếc điện thoại đắt tiền, em Maria Têrêsa Trần Thụy Thảo My nhặt được một số tiền lớn đã đem đến nhờ linh mục xứ trao lại cho người bị mất. Hai chị em Matta Đoàn Ngân Vy và Matta Đoàn Trúc Ngân thì trao tặng con heo đất với tất cả tiền bỏ ống tiết kiệm, để chung tay với giáo xứ nâng cấp dàn âm thanh trong nhà thờ.

HOÀNG TUẤN
Tin đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1898 ra ngày 15.03.2013, trang 13.

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Giới Y tế Công giáo TP.HCM tĩnh tâm mùa Chay



GIỚI Y TẾ CÔNG GIÁO TP.HCM TĨNH TÂM MÙA CHAY
Buổi tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giới Y tế Công giáo được tổ chức vào sáng Chúa nhật 3.3.2013 tại Tòa Tổng Giám mục. Khoảng 150 người tham dự là các y, bác sĩ và nhân viên Công giáo đang phục vụ tại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế trong giáo phận TP.HCM. Nhiều sinh viên y khoa, ngành dược cũng đến tĩnh tâm.
Linh mục Phêrô Giuse Maria Hà Thiên Trúc đã trình bày Sứ điệp Mùa Chay 2013 của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI “Tin trong đức Ái khơi lên tình bác ái”. Theo đó, người Kitô hữu được giới thiệu để hiểu đức Tin là đáp lại tình Thiên Chúa yêu thương, đức Ái là đời sống trong đức Tin. Giữa đức Tin và đức Ái có mối tương quan không thể tách rời. Đôi khi người ta hiểu “bác ái” chỉ là tình liên đới hoặc hành động viện trợ nhân đạo đơn thuần. Không có hoạt động nào bác ái hơn đối với tha nhân bằng việc bẻ tấm bánh Lời Chúa, chia sẻ cho họ Tin Mừng Phúc âm, đưa họ đi vào mối tương quan với Thiên Chúa. Người Kitô hữu lấy đức Tin đón nhận Tình yêu của Chúa, ở lại trong Tình yêu này, được lớn lên và hân hoan thông truyền Tình yêu ấy cho người khác.
Mùa Chay mời gọi mỗi giáo dân nuôi dưỡng đức Tin bằng việc chuyên chăm lắng nghe Lời Chúa, lãnh nhận các Bí tích; tăng trưởng đức Ái và lòng mến Chúa yêu người qua những việc làm cụ thể là ăn chay, thống hối và giúp đỡ người nghèo.
Nhân Mùa Chay trong Năm Đức Tin, linh mục Hà Thiên Trúc đã dựa vào bài viết “Những khoảng cách đáng sợ” của Đức Giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần để chia sẻ với các tham dự viên về những khó khăn trong đời sống đức Tin, đức Ái của người thường xuyên tiếp cận với những kẻ đau khổ về thể xác cũng như tinh thần.
Các tham dự viên chia làm 5 nhóm, thảo luận về kinh nghiệm sống đạo, cải thiện tinh thần phục vụ nghề nghiệp trong ơn gọi.
Đức Giám mục Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ tế thánh lễ Chúa nhật đầu tháng cho giới Y tế cùng 4 linh mục đồng hành. Trong phần diễn giải Lời Chúa, ngài gợi ý với cộng đoàn: Bệnh nhân đau ốm đến chỉ mong được chữa lành. Các y, bác sĩ và nhân viên y tế là những người đang chia sẻ trực tiếp chức năng và tác vụ Chữa lành của Chúa Giêsu Kitô. Không chỉ tiếp xúc với khối u, vùng đau bệnh mà thầy thuốc gặp gỡ toàn diện con người, chạm đến đời sống thể xác lẫn tâm linh bệnh nhân. Nhưng tiếp cận với nỗi đau của người khác thường xuyên, có làm cho y bác sĩ vô cảm? Hãy nhớ việc mình đang làm không chỉ là nghề kiếm sống trong xã hội, mà là phục vụ, là một tác vụ, một ơn gọi sống nên thánh của giới Y tế.
Cuối buổi tĩnh tâm, Đức Hồng y Gioan B. Phạm Minh Mẫn đến nói chuyện và chúc giới Y tế có con tim của Đức Giêsu và Mẹ Maria khi tiếp đón bệnh nhân. Vị mục tử giáo phận vận động cộng đoàn, như 99 con chiên của đàn, đừng ở trong chuồng, hãy cùng theo người chăn đi tìm về con chiên lạc. Trong năm mới, Đức Hồng y cũng chấp thuận cho giới Y tế Công giáo đến sinh hoạt và dâng thánh lễ mỗi Chúa nhật đầu tháng tại Tòa Tổng Giám mục.
HOÀNG KIM LONG
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1897 ra ngày 08.03.2013, trang 11.

Dấu ấn Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI trong đời sống Giáo hội



 DẤU ẤN ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI

Chiều 2.3.2013 tại Trung tâm Mục vụ giáo phận TP.HCM, đông đảo giáo dân và tu sĩ đã đến dự buổi sinh hoạt về đề tài Những dấu ấn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong đời sống Giáo hội Công giáo” do Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm trình bày qua hình ảnh vị Giáo hoàng của Công đồng Vatican 2, vị Giáo hoàng giảng dạy và vị Giáo hoàng nối kết thần học với linh đạo.
Đức Bênêđictô XVI là vị Giáo hoàng của Công đồng Vatican 2. Vào thời khai mở Công đồng năm 1962, linh mục trẻ 35 tuổi Joseph Ratzinger đã là một giáo sư thần học, được mời tham dự với vai trò nhà thần học chính thức” của Công đồng Vatican 2. Không chỉ dự, ngài cùng các thần học gia nổi tiếng làm việc rất nhiệt tình, nội dung được tập hợp lại qua tác phẩm “Những điểm sáng về thần học của Công đồng Vatican 2”. Ngài biết rõ về Công đồng, giải thích về Công đồng như một sự canh tân trong liên tục, tiếp nối chứ không phải đoạn tuyệt quá khứ của Hội Thánh.
Đức Bênêđictô XVI là vị Giáo hoàng giảng dạy. Khi thụ phong linh mục, có thời gian ngắn làm phụ tá giáo xứ, linh mục Joseph Ratzinger dành nhiều thời gian cho nghiên cứu, giảng dạy tại các trường Đại học. Được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Munich và Freising (nước Đức), ngài đã chọn khẩu hiệu “Cộng tác viên của Chân lý”, diễn tả sự kết nối từ công việc của giáo sư thần học với sứ vụ mới. Đảm nhận ngôi vị Giáo hoàng, Đức Bênêđictô XVI đã chọn chủ đề cho các năm phụng vụ: Các Tông đồ (năm 2006), Các Giáo phụ (năm 2007), Thánh Phaolô (năm 2008), Các vị Thánh lớn trong lịch sử Giáo hội (năm 2009-2010), Cầu nguyện Thánh Vịnh (năm 2011-2012) và Đức Tin (năm 2013)... Mỗi thứ tư hàng tuần, đông đảo dân chúng tuôn đến quảng trường Thánh Phêrô ở Roma để được nghe những lời bồi dưỡng cho đời sống Đức Tin. Ba Thông điệp “Thiên Chúa là tình yêu” (Deus caritas est),  Được cứu rỗi nhờ hy vọng” (Spe salvi), “Bác ái trong chân lý” (Caritas in veritate) là những di sản tinh thần quý giá của Đức Bênêđictô XVI. Đức Bênêđictô XVI, đã dành thời gian viết sách, muốn trình bày gương mặt Chúa Giêsu một cách thuyết phục với con người thời đại, mang tính nghiên cứu thần học và chú giải Thánh Kinh.
Đức Bênêđictô XVI là vị Giáo hoàng nối kết thần học với linh đạo, với đời sống thiêng liêng. Ngài từng nói: Canh tân đích thực là nỗ lực làm cho những gì của mỗi người biến mất càng nhiều càng tốt, để những gì của Chúa Kitô được rõ nét hơn. Ngài quan tâm đến Linh đạo kenosis (Linh đạo Mầu nhiệm hủy mình ra không). Ngài để lại cho các giám mục, linh mục bài học: khi cử hành phụng vụ, giảng Lời Chúa là làm nổi bật khuôn mặt của Chúa Kitô chứ không phải khuôn mặt của mình. Ngài có mặt tại đại hội giới trẻ thế giới và để lại dấu ấn “những giờ tĩnh lặng”. Ngài xin giới trẻ dành một buổi tối để chầu Thánh Thể trong tĩnh lặng, và hàng triệu giới trẻ đã tĩnh lặng để chiêm ngắm Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Cốt lõi của mầu nhiệm Tử nạn, mùa Chay, tình yêu, khiêm nhường, can đảm là hủy mình ra không. Đức Bênêđictô XVI đã chọn mùa Chay để từ nhiệm, chứng tỏ ngài sống với Linh đạo Mầu nhiệm hủy mình ra không. Cuối cùng, khi thấy Giáo hội trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, đặt ra nhiều vấn nạn cho đời sống đức tin, và thấy sức khỏe của mình sa sút, ngài quyết định từ nhiệm, nhưng ngài vẫn tiếp tục ở lại trong lòng Hội Thánh bằng rút vào nơi thanh vắng để cầu nguyện.
Qua phần trình bày, Đức Giám mục Phêrô cũng mong các tín hữu noi gương Đức Bênêđictô XVI đào sâu Đức Tin trong sự hiểu biết và củng cố Đức Tin qua việc học hỏi, liên kết với đời sống thiêng liêng, gắn bó với Chúa Giêsu Kitô.
Kết thúc buổi sinh hoạt chuyên đề, Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm cũng giải thích một số thắc mắc của tham dự viên. Ngài lưu ý giáo dân về những mạc khải tư, những thông tin của phương tiện truyền thông trong thời điểm này. Các Kitô hữu cần hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ và cầu nguyện trong lúc chờ đón vị Giáo hoàng mới.

VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1897 ra ngày 08.03.2013, trang 21.

2 tháng, Giáo hội Việt Nam thêm 45 linh mục


HAI THÁNG, GIÁO HỘI VIỆT NAM CÓ THÊM 45 LINH MỤC
Ngày 1.1.2013 tại nhà thờ Chánh tòa Bà Rịa, Đức Giám mục Tôma Nguyễn Văn Trâm truyền chức linh mục cho 15 phó tế. Ngày 4.1.2013, tại nhà thờ Chánh tòa Quy Nhơn, Đức Giám mục Matthêô Nguyễn Văn Khôi truyền chức linh mục cho 8 phó tế khóa 8 Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang (năm học 2005-2011). Tại giáo phận Vinh, trong các ngày 10, 14 và 17 tháng 1, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp phong chức linh mục cho 18 phó tế khóa 9. Ngày 16.1.2013, Đức Giám mục Giuse Nguyễn Năng, giáo phận Phát Diệm, phong chức linh mục cho phó tế Giuse Vũ Văn Biển. Ngày 28.2.2013, Đức Giám mục Cosma Hoàng Văn Đạt, giáo phận Bắc Ninh, truyền chức linh mục cho 3 phó tế.

HOÀNG KIM LONG
Tin đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1897 ra ngày 08.03.2013, trang 11.

* Xem thêm chi tiết

THÁNG 1 VÀ 2.2013, GIÁO HỘI VIỆT NAM CÓ THÊM 45 LINH MỤC
Tháng 1 và 2.2013, Giáo hội Việt Nam có thêm 45 linh mục, 14 phó tế và 6 tu sĩ khấn trọn đời.
Vừa bước vào đầu năm mới, sáng ngày 1.1.2013 tại nhà thờ Chánh tòa Bà Rịa, Đức Giám mục Tôma Nguyễn Văn Trâm chủ sự thánh lễ kính Đức Trinh nữ Maria Mẹ Thiên Chúa, và phong chức linh mục cho 15 phó tế. Cùng đồng tế có Đức Giám mục Toma Vũ Đình Hiệu - Giám mục Phó tân cử giáo phận Bùi Chu, nguyên Giám mục Phụ tá giáo phận Xuân Lộc, nghĩa phụ của 2 tân chức…
Tại nhà thờ Chánh tòa Quy Nhơn sáng ngày 4.1.2013, Đức Giám mục Matthêô Nguyễn Văn Khôi đã đặt tay truyền chức linh mục cho 8 phó tế khóa 8 Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang (năm học 2005-2011)…
Đức Giám mục Giáo phận Vinh Phaolô Nguyễn Thái Hợp quyết định phong linh mục cho 18 phó tế khóa 9. Trong đó, ngày 10.1.2013 tại giáo xứ Hướng Phương, trao tác vụ mới cho 4 tiến chức tỉnh Quảng Bình. Ngày 14.1, trao sứ vụ linh mục cho 6 tân chức tỉnh Hà Tĩnh tại giáo xứ Văn Hạnh. Ngày 17.1, phong 8 linh mục tỉnh Nghệ An tại Trung tâm Hành hương Thánh Antôn Trại Gáo…
Tại nhà thờ Chánh tòa Bắc Ninh sáng ngày 28.2.2013, Đức Giám mục Cosma Hoàng Văn Đạt chủ sự thánh lễ truyền chức linh mục cho 3 phó tế. Các tiến chức đã tốt nghiệp Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội năm 2011. Lãnh nhận sứ vụ mới, tân chức Phanxicô X. Nguyễn Văn Tuân sinh năm 1981 giữ kỷ lục là linh mục trẻ nhất giáo phận Bắc Ninh. Hai ngày sau, Đức Giám mục đã ký quyết định bổ nhiệm các tân chức về giáo xứ làm linh mục phụ tá…
Trước đó, vào sáng ngày 16.1.2013, Đức Giám mục Giuse Nguyễn Năng phong chức linh mục cho phó tế Giuse Vũ Văn Biển, phong phó tế cho hai thầy Phêrô Trịnh Văn Dương và Giuse Nguyễn Cao Hoàn tại nhà thờ Chánh tòa Phát Diệm. Cùng đồng tế có Đức Giám mục Joseph Anthony Pepe - Giám mục giáo phận Las Vegas, Hoa Kỳ…
Tại nhà thờ Chánh tòa Vĩnh Long sáng ngày 25.1.2013, Đức Giám mục Tôma Nguyễn Văn Tân đã trao sứ vụ phó tế cho 12 Đại Chủng sinh của 3 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre, thuộc lớp K9 Đại Chủng viện Thánh Phêrô Đoàn Công Quý
Đức Giám mục Đà Lạt Antôn Vũ Huy Chương đến nhà thờ giáo xứ Tân Hà chủ tế thánh lễ vĩnh khấn của nữ tu Gioan Maria Tạ Thị Diễm Huyền - Hội dòng Tiểu muội Chúa Giêsu vào sáng ngày 6.1.2013...
Tại nguyện đường tu viện Mến Thánh giá Xã Đoài (giáo phận Vinh) sáng ngày 2.2.2013, Đức Giám mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên chủ tế thánh lễ khấn trọn đời của 5 nữ tu Hội dòng Mến Thánh giá Vinh.
HOÀNG KIM LONG

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Giáo phận Phú Cường còn 7 giáo hạt



GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG CÒN 7 GIÁO HẠT
Sau đợt tĩnh tâm của các linh mục giáo phận Phú Cường vào đầu năm 2013, Đức Giám mục giáo phận Giuse Nguyễn Tấn Tước đã quyết định chia lại địa giới các giáo hạt, bổ nhiệm nhân sự quản hạt và phụ trách đoàn thể.
Theo quyết định này, giáo phận Phú Cường không còn hạt Tha La. Các giáo xứ Bình Nguyên, Tha La và Trảng Bàng, trước thuộc hạt Tha La, nhập vào giáo hạt Củ Chi. Các giáo xứ Gò Dầu, Hiệp Thạnh, Phước Minh và Suối Đá thuộc về giáo hạt Tây Ninh. Như vậy Phú Cường hiện nay có 7 giáo hạt: Bến Cát, Bình Long, Củ Chi, Lạc An, Phú Cường, Phước Thành và Tây Ninh.
Căn cứ vào kết quả bỏ phiếu của linh mục đoàn, Giám mục giáo phận đã bổ nhiệm 7 hạt trưởng. Linh mục Vinhsơn Hoàng Trung Đoàn: quản hạt Bến Cát; linh mục Phaolô Nguyễn Văn Khi: quản hạt Củ Chi; linh mục Titô Nguyễn Minh Nhường: quản hạt Phú Cường; linh mục Gioan B. Nguyễn Văn Riễn: quản hạt Phước Thành; linh mục Phaolô Lê Vinh Đởm: tân quản hạt Bình Long; linh mục Vinhsơn Trần Thế Thuận: tân quản hạt Lạc An và linh mục Gioan Võ Hoàn Sinh: tân quản hạt Tây Ninh.
Đức Giám mục Chánh tòa Phú Cường tiếp tục bổ nhiệm linh mục Micae Lê Văn Khâm làm Tổng Đại diện; cử 21 linh mục chủ nhiệm các Ủy ban Bác ái Xã hội, Loan báo Tin Mừng, Truyền thông-Văn hóa, Phụng tự, Công lý Hòa bình, Di dân, Giáo dân, Giáo lý Đức Tin, Nghệ thuật Thánh, Thánh nhạc, Hôn nhân Gia đình, Tố tụng Hôn phối, Ơn gọi, Tương tế Linh mục; đặc trách các giới Gia trưởng, Hiền mẫu, Giới trẻ, Thiếu nhi, Tu sĩ; đồng hành với các đoàn thể Legio Marie, Dòng Ba.
Địa giới giáo phận Phú Cường nằm trong các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, nửa tỉnh Bình Phước (huyện Lộc Ninh và Bình Long) và huyện Củ Chi thuộc TP.HCM. Số giáo dân chừng 141.000 người, chiếm khoảng 4% dân số. Phú Cường vẫn được xem là một giáo phận truyền giáo với 96 giáo xứ, 10 giáo họ và 16 giáo điểm. Giáo phận Phú Cường hiện có hơn 200 linh mục đang phục vụ; hơn 600 tu sĩ của 100 cộng đoàn thuộc 35 hội dòng đang hoạt động. Các giới, đoàn thể, các phong trào ngày một gia tăng và sinh hoạt khá đều đặn. Nhiều lễ lớn đã được tổ chức khá quy mô và sinh động tại Nhà Chung giáo phận cũng như tại các giáo hạt.

HOÀNG KIM LONG
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1896 ra ngày 01.03.2013, trang 20.

Công giáo Việt Nam 5 Châu tháng 1+2.2013


CÔNG GIÁO VIỆT NAM NĂM CHÂU
* Linh mục Phêrô Phan Thế Lực bắt đầu đảm trách nhiệm vụ Chủ tịch khu vực miền Tây của Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ từ ngày 1.1.2013 với nhiệm kỳ 3 năm. Ngài sẽ phục vụ Kitô hữu Việt xa quê tại các bang California, Colorado và Nevada - Hoa Kỳ. (Lm Peter Võ Sơn, liendoanconggiao.net)
* Chúa nhật 13.1.2013, Đức Giám mục Vinhsơn Nguyễn Văn Long - Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Melbourne lần đầu tiên đến thăm và chủ tế thánh lễ với cộng đoàn Công giáo Việt Nam vùng Nam Úc. Sau 2 năm lãnh nhận sứ vụ Giám mục, ngài đã đi thăm các tín hữu Việt tại 6 tiểu bang của nước Úc. (Jos. Vĩnh Sa, vietcatholic.net)
* Chiều ngày 29 Tết, giáo đoàn Đức Mẹ La Vang liên địa phận Köln-Aachen (Đức) tổ chức lễ giao thừa tại nhà thờ dòng Ngôi Lời ở thành phố Sankt Augustin. Các tín hữu nghinh xương Thánh Tử Đạo Anrê Trần An Dũng Lạc mới được Tòa Tổng Giám mục Hà Nội gửi tặng. (ldcg.de)
* Sáng Mùng Một Tết Quý Tỵ, Đức Giám mục Armando X. Ochoa lần đầu tiên về thăm mục vụ và dâng thánh lễ mừng năm mới với cộng đoàn Việt tại nhà thờ Đức Mẹ La Vang (giáo phận Fresno - Hoa Kỳ). Đức Giám mục rất vui khi thấy giáo dân người Việt vẫn gìn giữ tiếng mẹ đẻ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Việt. Ngài cũng theo phong tục Việt Nam, đã lì xì cho các thiếu nhi. (Margarita Nguyễn Phương Lan, baoconggiao.com)
* Chúa nhật 17.2.2013, Ban Bác ái Xã hội giáo xứ Các Thánh tử Đạo Việt Nam (Atlanta, bang Georgia - Hoa Kỳ) mời đoàn bác sĩ khám chữa bệnh miễn phí cho những người lớn tuổi hoặc ở Việt Nam mới sang không có bảo hiểm sức khỏe. Chiều Chúa nhật 24.2.2013, Khối Truyền giáo, Ban Xã hội  và Hội Cao niên giáo xứ tổ chức buổi hội thảo, thuyết trình về căn bệnh viêm gan và ung thư gan (cttdvnatl.org)
* Từ ngày 21.2.2013, thành viên Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể Việt Nam tại Hoa Kỳ bắt đầu Chiến dịch “Cầu nguyện cho Giáo hội trong Mùa Chay”. Các em sẽ đọc kinh, rước lễ thiêng liêng, và làm 1 việc hy sinh nho nhỏ mỗi ngày để cầu cho sức khỏe của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, cầu cho Giáo hội sớm chọn được tân Giáo hoàng thánh thiện và khôn ngoan. (Giuse Đào Văn Đức, liendoanconggiao.net)

HOÀNG KIM LONG góp nhặt.
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1896 ra ngày 01.03.2013, trang 20.

Công đồng Vatican II canh tân việc dạy Giáo lý



TÌM HIỂU VỀ CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II CANH TÂN VIỆC DẠY GIÁO LÝ
Các học viên đang theo học tại Học viện Trung tâm Mục vụ giáo phận TPHCM đã có buổi sinh hoạt chuyên đề về “Công đồng Vaticanô II và nỗ lực canh tân việc dạy giáo lý” vào chiều thứ Bảy ngày 02.02.2013. Hướng dẫn buổi sinh hoạt có các linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, Luy Nguyễn Anh Tuấn và Phêrô Nguyễn Văn Hiền.
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền - Thư ký Ủy ban Giáo dục Đức tin thuộc HĐGM, Giám đốc Học viện Trung tâm Mục vụ giáo phận đã cho biết nỗ lực canh tân việc dạy giáo lý đã có từ trước, khởi đầu từ địa phận Munich nước Đức khoảng năm 1925 và lớn mạnh trong thập niên 50, lan rộng qua Hà Lan, Bỉ rồi khắp châu Âu. Công đồng Vaticanô II không trực tiếp đề cập đến chủ đề giáo lý, nhưng đường hướng của Công đồng Vaticanô II đã tác động sâu xa trong nỗ lực canh tân việc dạy giáo lý. Tại Công đồng, có hai khuynh hướng khác biệt về lối nhìn theo khái niệm luận và hiện sinh. Khái niệm luận muốn duy trì và khẳng định giáo lý nhằm bảo vệ chân lý. Quan niệm hiện sinh vì con người, muốn tìm kiếm những cách thức thích hợp và hữu hiệu nhất để trình bày giáo lý. Chính nhờ sự tác động của Công đồng mà việc canh tân giảng dạy giáo lý được chú trọng. Trong Sắc lệnh về Truyền giáo, Công đồng Vaticanô II tái lập chế độ Dự tòng. Trong Tuyên ngôn về Giáo dục, Công đồng coi việc dạy giáo lý là cách thức để Giáo hội thực hiện việc giáo dục con người. Giáo lý soi sáng và kiện toàn Đức Tin cho học sinh.
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền nhấn mạnh: Dưới ánh sáng của Công đồng Vaticanô II, các văn kiện của Giáo hội chú tâm vào canh tân và gợi ý cho việc dạy giáo lý. Cụ thể tài liệu Hướng dẫn việc dạy giáo lý (năm 1971) của Bộ Giáo sĩ làm kim chỉ nam cho các Hội đồng Giám mục soạn sách giáo lý riêng. Tông huấn Loan báo Tin Mừng (năm 1975) của Đức Giáo hoàng Phaolô VI xét việc dạy giáo lý trong toàn bộ sứ mạng của Giáo hội là Loan báo Tin Mừng. Tông huấn Catechesi Tradendae (năm 1979) là kết quả của Thượng Hội đồng Giám mục 1977 về giáo huấn các tín hữu hiểu biết đạo lý và tham gia vào đời sống Kitô giáo. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (năm 1992) là kết quả của Thượng Hội đồng Giám mục 1974 về Loan báo Tin Mừng và kỷ niệm 20 năm bế mạc Công đồng.
Theo dòng thời gian, nhiều tài liệu được soạn thảo. Cẩm nang Hướng dẫn dành cho Giáo lý viên (năm 1993) của Bộ Loan báo Tin Mừng bàn về ơn gọi, căn tính, linh đạo cùng các bước tuyển chọn, đào tạo giáo lý viên. Người hướng dẫn viên giáo lý được xem là chứng tá của Đức Tin cũng như chứng tá của cộng đoàn Đức Tin là Hội Thánh. Sau đó, Hướng dẫn Tổng quát việc dạy giáo lý (năm 1997) của Bộ Giáo sĩ nhằm cập nhật tài liệu Hướng dẫn việc dạy giáo lý đã ban hành năm 1971. Giáo hội đặt việc dạy giáo lý trong viễn tượng Loan báo Tin Mừng, chứ không chỉ dừng lại là dạy đạo lý Đức Tin. Việc dạy giáo lý được xác định là điểm chính yếu trong tiến trình Loan báo Tin Mừng. dạy giáo lý là loan báo sứ điệp Tin Mừng, là tác vụ Lời Chúa, là giáo dục Đức Tin và hoạt động của cộng đoàn. Theo đó, giáo lý viên trước hết, trên hết là chứng nhân, kế đến mới là thầy dạy và là nhà giáo dục...
Xen kẽ với các phần trình bày, vị thuyết trình viên đã chèn thêm những câu chuyện dí dỏm từ thực tế sinh hoạt Giáo hội để cộng đoàn dễ hiểu. Phần cuối của chương trình là trao đổi mở rộng. Các tham dự viên đã có những câu hỏi thắc mắc về việc dạy và học giáo lý. Các linh mục, với kinh nghiệm nhiều năm mục vụ đã chia sẻ với mọi người về ảnh hưởng lớn lao của Công đồng trong nỗ lực canh tân việc dạy giáo lý và đem lại một khuôn mặt mới cho Hội Thánh công giáo toàn cầu.

VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN
i đãng Báo Công giáo và Dân tộc số 1895 ra ngày 22.02.2013, trang 19.

Chúc mừng Kỷ niệm 10 năm Hôn phối

Chúc mừng Kỷ niệm 10 năm Hôn phối

Hoàng Tuấn

Lá thư kỷ niệm 10 năm ngày cưới


LÁ THƯ KỶ NIỆM NGÀY CƯỚI
Gửi vợ, một nửa yêu thương của anh !
Vậy là chúng mình đã thành vợ, thành chồng được 10 năm rồi. Vậy là con thuyền hạnh phúc của gia đình mình đã đứng vững trước phong ba bão táp giữa biển đời xuôi ngược. Cảm ơn em trong 10 năm qua đã đem đến hạnh phúc cho anh. Cảm ơn em đã làm cho anh hãnh diện khi họ hàng hai bên đều khen dâu trưởng nhà mình ngoan hiền, chịu thương chịu khó, chiều chồng yêu con. Cảm ơn em đã sinh cho anh 2 nàng công chúa và nuôi dạy con suốt những tháng ngày anh vùi đầu vào công việc. Và cảm ơn em lại chuẩn bị sinh thêm cho anh một chàng hoàng tử trong năm mới này. Em đã hy sinh cả thời con gái thanh xuân để phục vụ chồng con với những việc không tên. Em đã hy sinh sự nghiệp của một cô cử nhân, một giáo viên ngoại ngữ để chấp nhận đảm nhiệm vai trò một người nội trợ âm thầm trong nhà. Cảm ơn em đã hy sinh những thú vui riêng để hậu thuẫn cho anh tham gia việc xã hội, Giáo hội và những việc “thiên hạ” mất nhiều thời gian. Cảm ơn em đã ủng hộ các quyết định của anh dù đôi lúc xuất phát từ những bốc đồng. Em đã không phản đối ngay, mà vẫn nhiệt tình rồi tìm cách khuyên nhủ, góp ý cho anh sửa sai.
Thế là “Hiệp ước tình yêu” của chúng mình đã tròn 10 năm. Nhìn lại chặng đường đi qua, anh đã cố gắng đem lại niềm vui, hạnh phúc cho em, nhưng cũng không tránh khỏi những lúc làm em buồn. Đôi lúc anh cứ làm theo ý riêng mình khiến cho em phải nhăn mặt. Anh đã cố gắng giữ lời hứa chung thủy, yêu thương và tôn trọng em. Nhưng đôi lúc anh cũng có những phút yếu lòng, mơ tưởng đến bóng hình một ai đó... Anh xin lỗi em để mong được vợ thứ tha ! Anh hứa sẽ cùng em tiếp tục sóng đôi trên bước đường tương lai hướng về phía trước, sẽ cùng em chăm lo cho hạnh phúc gia đình mình, nuôi dưỡng và giáo dục các con gái, con trai của chúng mình nên người. Anh hứa sẽ cùng em đem lại niềm vui và bình an với họ hàng, xóm giềng và bè bạn thân hữu trong khu phố, xóm giáo. Anh hứa sẽ bớt đi cái tôi, những ý riêng mình để cùng với em xếp từng viên gạch xây nên ngôi nhà hạnh phúc cho gia đình mình. Xin em hãy nâng đỡ, đồng hành và khích lệ anh mỗi ngày nhé vợ yêu. Bởi anh biết, những lời hứa sẽ rất khó thực hiện nếu như không có sự đồng cảm, lo lắng và yêu thương của em dành cho anh...

HOÀNG TUẤN
Thư đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1896 ra ngày 01.03.2013, trang 38.

***


Bản thảo

DÁM KÝ “HIỆP ƯỚC TÌNH YÊU” 10 NĂM NỮA KHÔNG?

Gửi Em Diễm Lệ, một nửa yêu thương của Anh.
Vậy là chúng mình đã thành Vợ, thành Chồng được 10 năm rồi. Vậy là con thuyền hạnh phúc của gia đình mình đã đứng vững trước phong ba bão táp giữa biển đời xuôi ngược. 10 năm qua, Anh cố gắng đem lại niềm vui, hạnh phúc cho Em; nhưng cũng nhiều khi làm cho Em buồn. Đôi lúc Anh cứ làm theo ý riêng mình khiến cho Em phải nhăn mặt. Cảm ơn Em trong 10 năm qua đã đem đến hạnh phúc cho Anh cùng sự sung sướng mà một người Chồng được tận hưởng. Cảm ơn Em đã làm cho Anh hãnh diện khi họ hàng hai bên đều khen Dâu trưởng nhà họ Vũ ngoan hiền, chịu thương chịu khó, chiều chồng yêu con.
Cảm ơn Em đã sinh cho Anh 2 nàng công chúa và nuôi dạy con suốt những tháng ngày Anh vùi đầu vào công việc. Và cảm ơn Em chuẩn bị sinh thêm cho Anh một chàng hoàng tử trong năm Quý Tỵ 2013 này. Cảm ơn Em đã hy sinh cả thời con gái thanh xuân để phục vụ chồng con với những việc không tên. Cảm ơn Em đã hy sinh sự nghiệp của một cử nhân Pháp văn, hy sinh tương lai của một giáo viên ngoại ngữ để chấp nhận đảm nhiệm vai trò một người nội trợ âm thầm trong nhà. Cảm ơn Em đã hy sinh những thú vui riêng để hậu thuẫn cho Anh tham gia việc xã hội, giáo hội và những việc “thiên hạ” mất nhiều thời gian. Cảm ơn Em đã ủng hộ các quyết định của Anh dù đôi lúc xuất phát từ những bốc đồng. Em đã không phản đối ngay, mà vẫn nhiệt tình rồi tìm cách khuyên nhủ Anh, góp ý cho Anh sửa sai.
Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, Anh đã cố gắng giữ lời hứa chung thủy, yêu thương và tôn trọng Em. Nhưng đôi lúc Anh cũng có những phút yếu lòng, nhớ về người yêu cũ, mơ tưởng đến bóng hình kiều nữ. Anh đã cố gắng cưỡng lại những đam mê bất chính, nhưng lắm khi lý trí không thắng được cám dỗ. Anh xin lỗi Em để mong được Vợ thứ tha, cũng như đã xưng thú tội lỗi với Thiên Chúa về những bất toàn, bất trung và bất xứng đối với Ngài và tha nhân.
Anh hứa sẽ cùng Em tiếp tục sóng đôi trên bước đường tương lai hướng về phía trước. Anh hứa sẽ cùng Em chăm lo cho hạnh phúc gia đình mình, nuôi dưỡng và giáo dục các con gái, con trai của chúng mình nên người. Anh hứa sẽ cùng Em đem lại niềm vui và bình an với họ hàng, xóm giềng và bè bạn thân hữu trong khu phố, xóm giáo. Anh hứa sẽ bớt đi cái tôi, những ý riêng mình để cùng với Em xếp từng viên gạch xây nên ngôi nhà hạnh phúc cho gia đình mình. Xin Em hãy nâng đỡ, đồng hành và khích lệ Anh mỗi ngày nhé Vợ yêu.
Anh hứa sẽ cố gắng hãm mình trước những đam mê, những quyến rũ của cuộc sống để xứng đáng với tình yêu của Em, xứng đáng với sự tin tưởng của Em dành cho Anh, xứng đáng với phẩm giá của một người chồng, người cha trong gia đình, một nhân viên trong cơ quan, một tín hữu trong cộng đoàn. Anh hứa sẽ... Anh hứa sẽ... Những lời hứa sẽ rất khó thực hiện nếu như không có sự đồng cảm, lo lắng và yêu thương của Vợ dành cho Chồng. Anh tin tưởng vào lòng bao dung của Em trong suốt 10 năm qua và sẽ còn dành cho Anh trong những tháng ngày sắp tới.
Ký với nhau một “hiệp ước tình yêu” trong 10 năm nữa, Em có dám không? Anh nghĩ rằng Em sẽ từ chối. Bởi vì Em sẽ không đồng ý ký thời hạn 10 năm. Em chỉ muốn ký một “hiệp ước tình yêu” và cùng Anh sống tốt, sống đẹp, sống vui đến trọn đời. Thôi thì Anh làm theo ý Vợ yêu vậy. Mà Anh nói thiệt, chỉ chiều Em một lần này thôi đó nhé...
Sài Gòn, ngày 01.03.2013
Một nửa yêu thương của Vợ.
HOÀNG TUẤN