Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Dấu ấn Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI trong đời sống Giáo hội



 DẤU ẤN ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI

Chiều 2.3.2013 tại Trung tâm Mục vụ giáo phận TP.HCM, đông đảo giáo dân và tu sĩ đã đến dự buổi sinh hoạt về đề tài Những dấu ấn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong đời sống Giáo hội Công giáo” do Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm trình bày qua hình ảnh vị Giáo hoàng của Công đồng Vatican 2, vị Giáo hoàng giảng dạy và vị Giáo hoàng nối kết thần học với linh đạo.
Đức Bênêđictô XVI là vị Giáo hoàng của Công đồng Vatican 2. Vào thời khai mở Công đồng năm 1962, linh mục trẻ 35 tuổi Joseph Ratzinger đã là một giáo sư thần học, được mời tham dự với vai trò nhà thần học chính thức” của Công đồng Vatican 2. Không chỉ dự, ngài cùng các thần học gia nổi tiếng làm việc rất nhiệt tình, nội dung được tập hợp lại qua tác phẩm “Những điểm sáng về thần học của Công đồng Vatican 2”. Ngài biết rõ về Công đồng, giải thích về Công đồng như một sự canh tân trong liên tục, tiếp nối chứ không phải đoạn tuyệt quá khứ của Hội Thánh.
Đức Bênêđictô XVI là vị Giáo hoàng giảng dạy. Khi thụ phong linh mục, có thời gian ngắn làm phụ tá giáo xứ, linh mục Joseph Ratzinger dành nhiều thời gian cho nghiên cứu, giảng dạy tại các trường Đại học. Được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Munich và Freising (nước Đức), ngài đã chọn khẩu hiệu “Cộng tác viên của Chân lý”, diễn tả sự kết nối từ công việc của giáo sư thần học với sứ vụ mới. Đảm nhận ngôi vị Giáo hoàng, Đức Bênêđictô XVI đã chọn chủ đề cho các năm phụng vụ: Các Tông đồ (năm 2006), Các Giáo phụ (năm 2007), Thánh Phaolô (năm 2008), Các vị Thánh lớn trong lịch sử Giáo hội (năm 2009-2010), Cầu nguyện Thánh Vịnh (năm 2011-2012) và Đức Tin (năm 2013)... Mỗi thứ tư hàng tuần, đông đảo dân chúng tuôn đến quảng trường Thánh Phêrô ở Roma để được nghe những lời bồi dưỡng cho đời sống Đức Tin. Ba Thông điệp “Thiên Chúa là tình yêu” (Deus caritas est),  Được cứu rỗi nhờ hy vọng” (Spe salvi), “Bác ái trong chân lý” (Caritas in veritate) là những di sản tinh thần quý giá của Đức Bênêđictô XVI. Đức Bênêđictô XVI, đã dành thời gian viết sách, muốn trình bày gương mặt Chúa Giêsu một cách thuyết phục với con người thời đại, mang tính nghiên cứu thần học và chú giải Thánh Kinh.
Đức Bênêđictô XVI là vị Giáo hoàng nối kết thần học với linh đạo, với đời sống thiêng liêng. Ngài từng nói: Canh tân đích thực là nỗ lực làm cho những gì của mỗi người biến mất càng nhiều càng tốt, để những gì của Chúa Kitô được rõ nét hơn. Ngài quan tâm đến Linh đạo kenosis (Linh đạo Mầu nhiệm hủy mình ra không). Ngài để lại cho các giám mục, linh mục bài học: khi cử hành phụng vụ, giảng Lời Chúa là làm nổi bật khuôn mặt của Chúa Kitô chứ không phải khuôn mặt của mình. Ngài có mặt tại đại hội giới trẻ thế giới và để lại dấu ấn “những giờ tĩnh lặng”. Ngài xin giới trẻ dành một buổi tối để chầu Thánh Thể trong tĩnh lặng, và hàng triệu giới trẻ đã tĩnh lặng để chiêm ngắm Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Cốt lõi của mầu nhiệm Tử nạn, mùa Chay, tình yêu, khiêm nhường, can đảm là hủy mình ra không. Đức Bênêđictô XVI đã chọn mùa Chay để từ nhiệm, chứng tỏ ngài sống với Linh đạo Mầu nhiệm hủy mình ra không. Cuối cùng, khi thấy Giáo hội trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, đặt ra nhiều vấn nạn cho đời sống đức tin, và thấy sức khỏe của mình sa sút, ngài quyết định từ nhiệm, nhưng ngài vẫn tiếp tục ở lại trong lòng Hội Thánh bằng rút vào nơi thanh vắng để cầu nguyện.
Qua phần trình bày, Đức Giám mục Phêrô cũng mong các tín hữu noi gương Đức Bênêđictô XVI đào sâu Đức Tin trong sự hiểu biết và củng cố Đức Tin qua việc học hỏi, liên kết với đời sống thiêng liêng, gắn bó với Chúa Giêsu Kitô.
Kết thúc buổi sinh hoạt chuyên đề, Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm cũng giải thích một số thắc mắc của tham dự viên. Ngài lưu ý giáo dân về những mạc khải tư, những thông tin của phương tiện truyền thông trong thời điểm này. Các Kitô hữu cần hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ và cầu nguyện trong lúc chờ đón vị Giáo hoàng mới.

VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1897 ra ngày 08.03.2013, trang 21.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét