TÌM HIỂU VỀ “CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II CANH TÂN VIỆC DẠY
GIÁO LÝ”
Các
học viên đang theo học tại Học viện Trung tâm Mục vụ giáo phận TPHCM đã có buổi
sinh hoạt chuyên đề về “Công đồng Vaticanô II và nỗ lực canh tân việc dạy
giáo lý” vào chiều thứ Bảy ngày 02.02.2013. Hướng dẫn buổi sinh hoạt có các
linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, Luy Nguyễn Anh Tuấn và Phêrô Nguyễn Văn Hiền.
Linh
mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền - Thư ký Ủy ban Giáo dục Đức tin thuộc HĐGM, Giám đốc
Học viện Trung tâm Mục vụ giáo phận đã cho biết nỗ lực canh tân việc dạy giáo lý
đã có từ trước, khởi đầu từ địa phận Munich nước Đức khoảng năm 1925 và lớn mạnh
trong thập niên 50, lan rộng qua Hà Lan, Bỉ rồi khắp châu Âu. Công đồng Vaticanô
II không trực tiếp đề cập đến chủ đề giáo lý, nhưng đường hướng của Công đồng Vaticanô
II đã tác động sâu xa trong nỗ lực canh tân việc dạy giáo lý. Tại Công đồng, có
hai khuynh hướng khác biệt về lối nhìn theo khái niệm luận và hiện sinh. Khái
niệm luận muốn duy trì và khẳng định giáo lý nhằm bảo vệ chân lý. Quan niệm hiện
sinh vì con người, muốn tìm kiếm những cách thức thích hợp và hữu hiệu nhất để
trình bày giáo lý. Chính nhờ sự tác động của Công đồng mà việc canh tân giảng dạy
giáo lý được chú trọng. Trong Sắc lệnh về Truyền giáo, Công đồng Vaticanô
II tái lập chế độ Dự tòng. Trong Tuyên ngôn về Giáo dục, Công đồng coi
việc dạy giáo lý là cách thức để Giáo hội thực hiện việc giáo dục con người. Giáo
lý soi sáng và kiện toàn Đức Tin cho học sinh.
Linh
mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền nhấn mạnh: Dưới ánh sáng của Công đồng Vaticanô II, các
văn kiện của Giáo hội chú tâm vào canh tân và gợi ý cho việc dạy giáo lý. Cụ thể
tài liệu Hướng dẫn việc dạy giáo lý (năm 1971) của Bộ Giáo sĩ làm kim chỉ
nam cho các Hội đồng Giám mục soạn sách giáo lý riêng. Tông huấn Loan báo
Tin Mừng (năm 1975) của Đức Giáo hoàng Phaolô VI xét việc dạy giáo lý trong
toàn bộ sứ mạng của Giáo hội là Loan báo Tin Mừng. Tông huấn Catechesi
Tradendae (năm 1979) là kết quả của Thượng Hội đồng Giám mục 1977 về giáo
huấn các tín hữu hiểu biết đạo lý và tham gia vào đời sống Kitô giáo. Sách Giáo
lý Hội thánh Công giáo (năm 1992) là kết quả của Thượng Hội đồng Giám mục
1974 về Loan báo Tin Mừng và kỷ niệm 20 năm bế mạc Công đồng.
Theo
dòng thời gian, nhiều tài liệu được soạn thảo. Cẩm nang Hướng dẫn dành cho
Giáo lý viên (năm 1993) của Bộ Loan báo Tin Mừng bàn về ơn gọi, căn tính,
linh đạo cùng các bước tuyển chọn, đào tạo giáo lý viên. Người hướng dẫn viên
giáo lý được xem là chứng tá của Đức Tin cũng như chứng tá của cộng đoàn Đức
Tin là Hội Thánh. Sau đó, Hướng dẫn Tổng quát việc dạy giáo lý (năm 1997)
của Bộ Giáo sĩ nhằm cập nhật tài liệu Hướng dẫn việc dạy giáo lý đã ban
hành năm 1971. Giáo hội đặt việc dạy giáo lý trong viễn tượng Loan báo Tin Mừng,
chứ không chỉ dừng lại là dạy đạo lý Đức Tin. Việc dạy giáo lý được xác định là
điểm chính yếu trong tiến trình Loan báo Tin Mừng. dạy giáo lý là loan báo sứ điệp
Tin Mừng, là tác vụ Lời Chúa, là giáo dục Đức Tin và hoạt động của cộng đoàn.
Theo đó, giáo lý viên trước hết, trên hết là chứng nhân, kế đến mới là thầy dạy
và là nhà giáo dục...
Xen
kẽ với các phần trình bày, vị thuyết trình viên đã chèn thêm những câu chuyện dí
dỏm từ thực tế sinh hoạt Giáo hội để cộng đoàn dễ hiểu. Phần cuối của chương trình
là trao đổi mở rộng. Các tham dự viên đã có những câu hỏi thắc mắc về việc dạy
và học giáo lý. Các linh mục, với kinh nghiệm nhiều năm mục vụ đã chia sẻ với mọi
người về ảnh hưởng lớn lao của Công đồng trong nỗ lực canh tân việc dạy giáo lý
và đem lại một khuôn mặt mới cho Hội Thánh công giáo toàn cầu.
VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN
Bài đãng Báo Công giáo và Dân tộc số 1895 ra ngày 22.02.2013,
trang 19.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét