Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Thứ Ba ngày 13.08.2013



Thứ Ba ngày 13.08.2013 

Lời Chúa: Mt 18, 1-5.10.12-14
Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Ðức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy. Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời.
Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”.

Câu chuyện 1: Tiểu sử 2 Thánh Tử Đạo Pontianô Giáo hoàng và Hippolytô Linh mục (thế kỷ III)
Năm 230, khi thánh Pontianô lên kế vị ngai tòa thánh Phêrô thì Giáo Hội đang trải qua một cơn khủng hoảng phân tán do linh mục Hippolytô gây nên. Thánh Hippolytô là người nổi tiếng về môn Thánh Kinh và có những tư tưởng sâu sắc, nhưng ngài lại không muốn chấp nhận việc chọn lựa thầy sáu Callistô làm Giáo Hoàng (217). Từ đó ngài trở thành thủ lãnh một cộng đồng ly khai và tin rằng mình luôn giữ đúng truyền thống. Trong khi ấy, Ðức Callistô và các đấng kế vị đã ngả theo thời cuộc và nhượng bộ. Năm 235, hoàng đế Maximinô ra lệnh bách hại. Vì nghĩ rằng giáo hữu Rôma tuân phục hai giám mục, nên hoàng đế đã truyền lệnh bắt cả hai và kết án khổ sai. Ðể Giáo Hội không vắng bóng chủ chăn trong những hoàn cảnh khó khăn, Ðức Pontianô liền từ chức và Hippolytô cũng đã làm như vậy. Các ngài đều bị lưu đày sang Sardaigne và đã cùng nhau tuyên xưng đức tin.
Khi cơn cấm đạo lắng chìm, Ðức Giáo Hoàng Fabianô (236-250) đã chuyển xác các ngài về Rôma. Chẳng bao lâu, mọi người đều quên rằng thánh Hippolytô trước đó đã là một kẻ lạc giáo, nhưng hơn thế nữa, còn nghĩ về ngài với tước vị tử đạo và tiến sĩ.

Câu chuyện 2: Tiểu sử Thánh Tử Đạo Giuse Fernandez Hiền Linh mục (1774 - 1838)
Thánh Giuse Hiền (Fernandez) sinh năm 1744 tại Ventosa-Clivi trong nước Tây Ban Nha. Lớn lên, ngài trở thành linh mục trong dòng Thánh Đaminh. Năm 1806, linh mục Giuse Fernandez sang Việt Nam truyền giáo tại Bắc Việt.
Năm 1838, thời Minh Mạng cấm đạo, mặc dù đang bệnh, ngài cũng phải trốn về họ Quần Liêu. Tại đây, ngài được cha Phêrô Nguyễn Bá Tuần tận tình săn sóc. Hai ngày sau, vì tình thế bất an, hai cha lại trốn sang Kim Sơn. Đến ngày 18-6-1838, hai ngài bị một người ham lợi lộc dùng mưu bắt nộp cho quan. Cả hai bị giải lên Ninh Bình, và bốn hôm sau bị điệu về Nam Định.
Thân xác bị đánh đập, nhưng tâm hồn cha Giuse Hiền luôn vui sướng được chịu khổ vì Chúa. Ngài sẵn sàng chịu đựng mọi cực hình để trung thành với đức tin Công giáo và nêu gương chủ chăn. Vua Minh Mạng châu phê án tử hình cho ngài, ngày 23-7-1838 bản án về tới tỉnh. Hôm sau, tức 24-7-1838, ngài bị xử trảm tại Nam Định.
Đức Thánh Cha Lêô XIII đã tôn phong ngài lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong ngài lên bậc Hiển thánh ngày 19-6-1988. Lễ kính vào ngày 24.7 hàng năm.
http://hdgmvietnam.org/ngay-24-thang-bay-thanh-giuse-hien-fernandez-linh-muc-1838/581.119.12.aspx

Bài học:
        Đức Giêsu nêu gương cho mỗi người trong cuộc sống nơi trần thế. Đón tiếp những người bé mọn chính là đón tiếp ngài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét