Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

Đại hội Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2014-2019



ĐẠI HỘI ỦY BAN ĐOÀN KẾT CÔNG GIÁO TỈNH ĐỒNG THÁP

Đại hội Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Đồng Tháp lần V (nhiệm kỳ 2014-2019) diễn ra tại thành phố Cao Lãnh ngày 10.12.2014 với sự tham dự của 120 đại biểu, trong đó có 34 linh mục, 4 nữ tu và 82 giáo dân. Ngoài ra còn có ông Lê Hoàng Tam - Chủ tịch Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp; bà Trần Thị Thái - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng Ban Văn hóa Xã hội của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Tháp; linh mục Phan Khắc Từ - Phó Chủ tịch UBĐKCG Việt Nam và đại diện các tôn giáo Cao Đài, Phật giáo, Tin Lành, Phật giáo Hòa Hảo.
Đại hội đã nghe báo cáo tổng kết những sinh hoạt bác ái, sự tham gia phát triển kinh tế xã hội, nâng cao trình độ văn hóa của người Công giáo Đồng Tháp; các hoạt động của UBĐKCG tỉnh trong giai đoạn 2009 - 2014. Các đại biểu cũng được nghe giáo xứ An Long giới thiệu về mô hình xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nghe giáo xứ Tân Long trình bày việc xây nhà tình thương tái định cư.
Trong 5 năm qua, về nông nghiệp, giới Công giáo Đồng Tháp đã có nhiều đổi mới về cơ giới hóa, thâm canh tăng vụ, canh tác loại cây trái mới cho năng suất cao, nhiều giáo dân được vinh danh là nông dân giỏi. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, học hỏi kinh nghiệm, bà con vay vốn nuôi dê, bò, heo, đào ao nuôi cá với nhiều mô hình phát triển. Về xã hội, bà con đóng góp vào các công trình phúc lợi như xây cầu, làm đường, kéo điện thắp sáng với số tiền 2,7 tỷ đồng; vận động cứu trợ hộ nghèo được 6,2 tỷ đồng; xây và sửa 245 nhà tình thương không phân biệt tôn giáo trị giá gần 4,6 tỷ đồng. Nhiều giáo xứ khuyến học, khuyến tài, cấp xe đạp, trao học bổng với số tiền 4,6 tỷ đồng. Gần như 100% hộ Công giáo đăng ký “Gia đình Văn hóa”, tỷ lệ đạt là 99%. Giáo dân sống chan hòa với các tôn giáo bạn trong mối liên hệ thân tình.
Đại hội đề cử danh sách 60 đại biểu tham gia UBĐKCG Đồng Tháp khóa V (nhiệm kỳ 2014 - 2019) gồm 17 linh mục, 4 nữ tu và 39 giáo dân; do linh mục Henri Nguyễn Văn Ký làm Chủ tịch, linh mục Marcel Trần Văn Tốt làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.

HOÀNG KIM LONG
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1987-1988 ra ngày 19.12.2014, trang 15.

Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP.HCM tĩnh tâm mùa Vọng 2014



VAI TRÒ GIÁO DÂN TRONG VIỆC RAO GIẢNG TIN MỪNG
Đây là đề tài do Linh mục Ernest Nguyễn Văn Hưởng - Đặc trách các Đoàn thể Tông đồ Giáo dân của giáo phận TP.HCM trình bày trong buổi tĩnh tâm mùa Vọng do Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP.HCM tổ chức tại nhà thờ Chợ Đũi sáng 3.12.2014 với sự tham dự của gần 150 ủy viên, thành viên. 
Các tham dự viên được nghe cha diễn giảng giới thiệu về Học thuyết Xã hội Công giáo với nguyên tắc tình yêu, xuất phát lòng mến khi rao giảng Lời Chúa trong môi trường xã hội. Cha cũng đề cập đến khía cạnh linh mục, tu sĩ hay giáo dân sẽ được Chúa Thánh Thần tác động để thể hiện chứng tá niềm vui lên đời sống; và việc gắn bó với Đức Kitô trong môi trường sống là thuộc về Đấng Chân, Thiện, Mỹ và đem đến cho người khác sự bình an, hy vọng và hạnh phúc.
Sau phần diễn giải, các tham dự viên đến từ quận 10, quận 11, Bình Thạnh, Tân Bình, huyện Hóc Môn và dòng Mến Thánh giá Cái Nhum đã chia sẻ cảm nghĩ về việc dấn thân rao giảng Tin Mừng trong xã hội hiện nay, cùng những cách thức thăng tiến bổn phận này.
Tiếp nối buổi tĩnh tâm là thánh lễ mừng kính thánh Phanxicô Xaviê, do linh mục Ernest Nguyễn Văn Hưởng chủ tế cùng bốn linh mục. Trong bài chia sẻ sau Phúc âm, linh mục Antôn Nguyễn Đình Thục, Phó Chủ tịch UBĐKCG TP.HCM, phác họa lại những dấng đã hăng say truyền giáo theo mẫu gương của Chúa Giêsu: Thánh Phaolô, Thánh Phanxicô Xaviê, Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, Mẹ Têrêsa Calcutta,… Mỗi vị có một cách làm khác nhau nhưng đều chung một mục tiêu chuyển tải tình yêu Thiên Chúa đến với anh chị em chung quanh, loan báo Tin Mừng bằng chính con người và cuộc sống chứng tá. Đó cũng là cách thức để mọi người nhận ra Chúa qua đời sống các môn đệ ngày nay là những tín hữu Công giáo…

HOÀNG KIM LONG
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1986 ra ngày 05.12.2014, trang 8.

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Mừng 84 năm Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (1930-2014)



MỪNG NGÀY THÀNH LẬP TỔ CHỨC MẶT TRẬN
Mừng kỷ niệm 84 năm thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18.11.1930 - 18.11.2014), tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, linh mục Phêrô Phan Khắc Từ - Phó Chủ tịch Thường trực dẫn đầu phái đoàn Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP.HCM đến thăm, tặng hoa chúc mừng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM vào sáng ngày 17.11.2014.
Ông Nguyễn Anh Xuân - Phó Ban Công tác phía Nam Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đón tiếp phái đoàn, cảm ơn tấm lòng của giới Công giáo trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận. Thông qua đoàn, ông chuyển lời thăm hỏi của lãnh đạo đến các linh mục, tu sĩ và bà con giáo dân thành phố.
Tại văn phòng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, ông Trần Tấn Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực và các vị trong Ban Dân tộc-Tôn giáo đã tiếp đoàn; hỏi thăm sức khỏe linh mục Chủ tịch Phêrô Nguyễn Công Danh, cũng như gửi lời cảm ơn đồng bào Công giáo đã chung sức, chung lòng cho sự phát triển của TP.HCM. Ông Phó Chủ tịch Thường trực cũng ghi nhận thành quả của Ủy ban Đoàn kết Công giáo trong việc kết hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tập hợp các tầng lớp nhân dân hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước ngày thêm giàu đẹp.
Nhân dịp này, báo Công giáo và Dân tộc cũng đã đến thăm và tặng hoa chúc mừng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM.

VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1984 ra ngày 21.11.2014, trang 9.

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP.HCM tìm hiểu Hiến pháp và Điều lệ



ỦY BAN ĐOÀN KẾT CÔNG GIÁO TP.HCM:
TÌM HIỂU VỀ HIẾN PHÁP VÀ ĐIỀU LỆ UBĐKCGVN

Sáng ngày 14.11.2014, gần 100 ủy viên, thành viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP.HCM đã có buổi tìm hiểu, trao đổi về hai văn bản quan trọng: Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và Điều lệ Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhiệm kỳ VI. Đây cũng là một sinh hoạt hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam và nâng cao kiến thức cho các thành viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM đã trình bày một số nội dung cơ bản của Hiến pháp đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28.11.2013. Hiến pháp mới có 11 chương, 120 điều, có hiệu lực từ ngày 1.1.2014.
Các tham dự viên được nghe giới thiệu về từng chương với những bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Chương I về Chế độ chính trị, ghi nhận: Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ. Chương II về quyền và nghĩa vụ công dân có bổ sung nhiều quyền mới phù hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Chương III quy định phát triển về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Chương IV xác định việc bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Chương V bổ sung thẩm quyền Quốc hội. Chương VI quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước với cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Chương VII về Chính phủ và vai trò Thủ tướng. Chương VIII đề cập về Tòa án nhân nhân, Viện Kiểm sát nhân nhân. Chương IX về chính quyền địa phương các cấp. Chương X nói đến Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước. Chương XI quy định việc sửa đổi và hiệu lực của Hiến pháp…
Phần hai của buổi học hỏi là tìm hiểu về Điều lệ Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam mới được sửa đổi, bổ sung tại Đại hội VI ngày 20.11.2013. Ông Đỗ Công Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TPHCM - đã giúp các tham dự viên nhìn lại chặng đường hoạt động đã qua, trên nền móng đã được nhiều người, nhiều thế hệ gầy dựng trong quan hệ Đạo - Đời.
Theo điều lệ mới, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam là một tổ chức xã hội, quy tụ đồng bào Công giáo Việt Nam trong và ngoài nước tự nguyện tham gia. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam hoạt động theo Hiến pháp và đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam có nhiệm vụ chính:
1. Động viên giới Công giáo tích cực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
2. Góp phần thực hiện đường hướng Giáo hội gắn bó với dân tộc, tăng cường xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng đất nước, truyền thống đạo đức và văn hóa của dân tộc, đấu tranh với các âm mưu chia rẽ dân tộc và Giáo hội, giữ gìn sự trong sáng của đạo Thánh Chúa.
3. Tập hợp, phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đồng bào Công giáo, tổ chức Giáo hội với Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào Công giáo và tổ chức Giáo hội.
4. Cùng với đồng bào trong nước và nhân dân các nước trên thế giới đấu tranh xây dựng và bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và dân chủ tiến bộ xã hội.

HOÀNG KIM LONG
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1984 ra ngày 21.11.2014, trang 8.

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Công giáo Việt Nam 5 Châu tháng 10.2014



CÔNG GIÁO VIỆT NAM NĂM CHÂU
* Ngày 1.10.2014, Hội Nhạc sĩ Công giáo Việt Nam Hải ngoại được thành lập sau 3 năm chuẩn bị. Ngày ra mắt, Hội có 83 thành viên gồm 13 linh mục và 70 giáo dân từ 10 quốc gia, do nhạc sĩ Giuse Văn Duy Tùng làm chủ tịch, Đức Giám mục Vinhsơn Nguyễn Mạnh Hiếu là tổng tuyên úy và linh mục Phaolô Chu Văn Chi là linh hướng. Mục đích của Hội là ca tụng Thiên Chúa, phục vụ Giáo hội bằng những tác phẩm; tạo môi trường liên đới giúp nhau sống đạo, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn để tác phẩm thêm chiều sâu cầu nguyện và mang tính nghệ thuật cao hơn. Các nhạc sĩ cũng thể hiện sự quan tâm đến thế hệ trẻ sống tại hải ngoại gặp giới hạn về tiếng Việt, qua việc sáng tác thánh ca song ngữ thích hợp. (Giuse Đỗ Thanh Liêm)
* Giáo xứ Đức Mẹ La Vang tại Houston (Hoa Kỳ) tổ chức Hội chợ “Mùa Thu yêu thương” lần thứ 19 trong ba ngày (3 - 5.10.2014). Hàng ngàn người Việt từ nhiều bang, nhiều giáo phận, giáo xứ đã đến vui chơi. Hội chợ có các gian hàng thức ăn quê hương, quầy trò chơi, khu vực chăm sóc sức khỏe và chương trình văn nghệ hấp dẫn trong tình huynh đệ. Nhiều người trúng xổ số đã tặng lại giáo xứ làm quỹ. (Lm. JB Nguyễn Đức Vượng, ololv.org)
* Ngày 04.10.2014, nhân mừng lễ bổn mạng, kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, giáo xứ Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ ở Thụy Sĩ, đã mở cuộc thi Giáo lý dành cho anh chị em trong các giáo đoàn. Có 8 đội đăng ký dự thi với nhiều thí sinh cao niên. Đây cũng là dịp để các tín hữu tìm hiểu về Lời Chúa, thánh lễ, luân lý,… đã được giáo đoàn phổ biến trong thời gian qua. (Kim Liên, mucvu.ch)
* Nhóm “Giới trẻ Việt Nam Công giáo vùng Kanto” được thành lập và sinh hoạt định kỳ mỗi Chúa nhật đầu tháng sau thánh lễ tiếng Việt tại nhà thờ Ignatio, Yotsuya (Nhật Bản). Nhóm vừa tổ chức Đi hi Gii tr với chủ đề Nối vòng tay ln” tại tu viện dòng Phanxico Tokyo trong hai ngày 12 và 13.10.2014. Hơn 100 thanh niên từ nhiều cộng đoàn về tham gia, tạo nên một sân chơi thực sự hữu ích cho các bạn trẻ xa quê hương Việt Nam. (Lê Hoàng Đức, vietchurchjp.net)
* Tất cả tín hữu giáo xứ Fatima, linh mục chánh xứ Jim Ngô Hoàng Khôi và bà con giáo dân Việt Nam ở giáo phận Fort Worth (Hoa Kỳ) đã tổ chức cầu nguyện cho các bệnh nhân Ebola từ ngày 15.10.2014; đặc biệt là hiệp thông với cô Nina Phạm, y tá gốc Việt 26 tuổi, bị lây nhiễm khi chăm sóc người bệnh. Khi Nina Phạm được lành bệnh, gia đình đã có lời cảm tạ và mời cộng đoàn hợp với gia đình dâng lên Thiên Chúa lời cảm mến tri ân. (Hoàng Tuấn)
* Chiều Chúa nhật 19.10.2014, trước sự chứng kiến của 400 người, Đức Tổng Giám mục Philip Wilson của Tổng giáo phận Adelaide (Úc) đã chủ sự nghi thức phong tước “Hiệp sĩ Hiệp hội Thánh mộ thành Jerusalem” cho một linh mục và ba giáo dân. Trong bốn tân hiệp sĩ, có đôi vợ chồng là ông bà Giuse Trần Đức Hinh và Maria Đào Thị Hoa. Hiện nay, cộng đồng Công giáo Việt Nam vùng Nam Úc, thuộc Tổng giáo phận Adelaide có 6 người được phong tước Hiệp sĩ này. (Jos. Vĩnh SA, vietcatholic.net)
* Có hơn 130 người Việt từ nhiều giáo xứ đã dự các lớp học về Mục vụ do hai giáo phận Dallas và Fort Worth (Hoa Kỳ) cùng trường đại học Công giáo Dallas đào tạo từ ngày 23 đến 25.10.2014. Tiến sĩ Lê Công Phi và linh mục Tôma Nguyễn Văn Thủ đã chủ trì nhiều buổi hội thảo bằng tiếng Việt về đời sống người Kitô hữu trong xã hội hiện nay. (Trần Mạnh Trác - Phạm Thái Hùng, baoconggiao.com)
* Cộng đồng Công giáo Việt Nam ở Đức đã quy tụ về nhà thờ thánh Augustin của dòng Ngôi Lời SVD để mừng lễ Khánh nhật Truyền giáo vào ngày 25.10.2014. Linh mục Nguyễn Thiết Thắng thuyết trình về đề tài “Gia đình sống Đức Tin” trước thánh lễ đồng tế. Sau lễ là chương trình văn nghệ phong phú với nhiều tiết mục ca, vũ, nhạc, kịch, đố vui về Truyền giáo. (Thanh Sơn, thanhlinh.net)
* Giáo xứ Việt Nam Paris (Pháp) tổ chức Tiệc Truyền giáo ngày 25.10.2014 với gần 300 người dự. Đây là hoạt động truyền thống của Phong trào Liên đới Nghề nghiệp suốt 12 năm qua. Với số tiền thu được từ những người dự tiệc, dùng để tu bổ cơ sở giáo xứ, giúp truyền giáo ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các ngành nghề còn được học hỏi, thảo luận về sống Đức Tin giữa đời thường. (Thanh Hương, giaoxuvnparis.org)
* Hội Việt Úc Bác ái tổ chức đêm văn nghệ gây quỹ từ thiện vào 31.10.2014 với chủ đề “Niềm hy vọng” với lời chào mừng khai mạc của linh mục linh hướng Phêrô Dương Thanh Liêm. Khoảng 700 người đến tham dự, đã ủng hộ 11.840 AUD. Số tiền bán đấu giá gây quỹ cũng thu về được 10.200 AUD. Hội được một số người trẻ gốc Việt thành lập vào tháng 5.2012, có mục đích nâng đỡ những người bất hạnh, không phân biệt tôn giáo, văn hóa. Hội đã quyên được trên 45.000 AUD giúp Việt Nam cùng các nước Thái Lan, Campuchia, Philippines, Myanmar và hỗ trợ thiên tai tại Úc. (vabaa.org.au)

HOÀNG KIM LONG góp nhặt
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1984 ra ngày 21.11.2014, trang 17.

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Chương trình Lễ Vu quy Ngọc Lê 16.11.2014



CHƯƠNG TRÌNH LỄ VU QUY
NGỌC LÊ + TẤN PHƯƠNG
CHÚA NHẬT 16.11.2014

I.             ĐÓN TIẾP

08g00’ Phái đoàn Nhà Trai đến.
Trao 6 Quả trước cổng hoa Nhà Gái.
Mời phái đoàn Nhà Trai vào nhà. Ban tiếp tân mời nước.

Nhà Trai giới thiệu Họ tộc Đàng Trai.
Nhà Gái giới thiệu Họ tộc Đàng Gái.

II.          NGHI THỨC VU QUY

Nhà Trai ngỏ lời đến xin Cưới:
Kính thưa quý ông bà và quý Họ Nhà Gái,
Nhờ Ơn Trên và sự chấp thuận của gia đình, hai cháu Tấn Phương và Ngọc Lê kết duyên vợ chồng. Qua mối dây liên kết này, hai gia đình và hai Họ chúng ta cũng được gần gũi liên hệ mật thiết với nhau.
Hôm nay, ngày lành tháng tốt, Họ Nhà Trai chúng tôi xin đưa lễ vật đến ra mắt gia đình cũng như quý Họ Nhà Gái, xin cho hai cháu được kết hợp, để bắt đầu cùng với nhau xây dựng một Tổ ấm.

Nhà Gái đáp lời:
Kính thưa quý ông bà và quý Họ Nhà Trai
Chúng tôi chân thành cảm ơn Họ Nhà Trai đã có lòng thương đến con cháu chúng tôi và biếu tặng lễ vật. Chúng tôi hân hạnh đón nhận. Xin được cho cháu ra mắt và chào Hai Họ.

Mẹ Đỡ đầu đưa Nàng Dâu ra mắt chào Hai Họ.
Nhà Trai giới thiệu lễ vật, mở Quả.
Mẹ Chàng Rể tặng trang sức cho Nàng Dâu.

III.      TẠ ƠN CHÚA VÀ LỄ GIA TIÊN

Đại diện Nhà Gái ngỏ lời:
Kính thưa quý vị bên Họ Nhà Trai.
Hôm nay, gia tộc chúng tôi có con gái tới tuổi trưởng thành đi lập gia đình, con cháu chúng tôi đã được bên Họ Đàng Trai thương nhận về làm dâu con. Giờ đây, trước lúc cháu bắt đầu cuộc sống mới, chúng tôi xin quý vị và bà con xa gần cùng dâng lời cảm tạ Ơn Trên, cầu nguyện cho đôi trẻ nên vợ chồng hòa hợp hạnh phúc. Xin phó dâng hai con Ngọc Lê và Tấn Phương lên Thiên Chúa là Đấng toàn năng, để Ngài luôn yêu thương, nâng đỡ và ban tràn đầy niềm vui hoan lạc xuống cho gia đình mới này...
Xin mời mọi người đứng, hướng về bàn thờ Chúa.

Nghi lễ tạ ơn Thiên Chúa:
Nàng Dâu, Chàng Rể đứng trước bàn thờ Chúa.
Đại diện Nhà Gái chủ sự:
Chủ sự: Nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh thần.
Mọi người: Amen.

Chủ sự: Lạy Thiên Chúa là nguồn tình yêu và sáng tạo muôn loài, xin cảm tạ Chúa đã cho chúng con được làm người và làm con Chúa. Hôm nay là ngày trọng đại của gia đình này. Một người con gái trong nhà sắp đi xây dựng một gia đình mới, cùng với người chồng đã tự do chọn lựa. Chúng con là những người thân, họ hàng, bạn bè xa gần, tụ họp trước tôn nhan, xin Cha luôn nâng đỡ để người con gái Cha trở nên con dâu hiếu thảo với cha mẹ chồng, sống thuận hòa với gia đình chồng. Xin cho đôi vợ chồng mới này được yêu thương nhau mãi mãi, xây dựng tổ ấm ngày một hạnh phúc hơn. Xin cho đôi bạn luôn sống xứng đáng là con cái Chúa để làm vinh danh Thiên Chúa và vẻ vang dòng họ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Mọi người: Amen.

Chủ sự: Trong tâm tình con thảo, xin cùng dâng lên Thiên Chúa kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Sáng Danh.
* Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
* Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.
* Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.

Chủ sự: Xin dâng gia đình mới của hai con Tấn Phương và Ngọc Lê trong vòng tay nâng đỡ và chở che của Đức Maria là Mẹ của chúng con, qua bài hát Dâng Mẹ:
ĐK. Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đồng trinh. Đoàn con chung tiếng hát, chung tấm lòng, dâng đời sống. Lạy Mẹ Maria, Mẹ nhân ái, Mẹ hiển vinh. Mẹ chính là Nữ vương, là Trạng sư, là Mẹ con.

1. Con dâng Mẹ đây tâm hồn đây trí khôn, cả dĩ vãng, cả hiện tại với tương lai. Đức thiện toàn con cương quyết gắng đi tới. Trông lên Mẹ là Vương Mẫu của đời con.

2. Yêu thanh bần, yêu vâng lời, yêu khuyết trinh và yêu sống trên con đường Chúa đi xưa. Xứng con Mẹ, con vui bước tới Thiên Chúa, hy sinh nhiều vì bác ái quên lợi danh.

3. Con nguyện cầu con trung thành, con quyết tâm, Mẹ nhận lấy cả tâm hồn kính dâng lên. Sống bên Mẹ muôn ơn thánh giúp con tiến, xin che chở giờ sau hết qua trần gian.

Chủ sự: Nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh thần.
Mọi người: Amen.

Tiếp nối là Nghi thức kính nhớ Tổ Tiên.
Nàng Dâu, Chàng Rể di chuyển qua đứng trước bàn thờ Tổ Tiên.

Chủ sự: Kính lạy anh linh các bậc tổ tiên, ông bà nội ngoại.
Nhờ hồng ân Thiên Chúa và phúc đức tổ tiên ông bà, nay cháu Ngọc Lê được Chúa thương cho đẹp duyên cùng cháu Tấn Phương. Chúng con xin đưa hai cháu đến trước bàn thờ gia tiên, ra mắt trước di ảnh Ông Bà Nội và Ông Bà Ngoại kính yêu của cháu Ngọc Lê.
Đây cũng là giây phút nhớ về Người Cha thân yêu của Ngọc Lê với công sinh thành, ơn dưỡng dục cho con có đuợc ngày hôm nay, mà không cần đòi hỏi sự báo hiếu.
 Xin Bố, Ông Bà và các bậc tiền nhân bầu cử cho hai cháu được trăm năm hạnh phúc, sống đẹp lòng cha mẹ họ hàng hai bên, chu toàn các trách nhiệm hôn nhân và gia đình theo đúng ý Thiên Chúa.
Xin cho các cháu được dâng nén hương bày tỏ lòng kính nhớ tri ân và quyết tâm làm rạng danh tổ tiên trong ngày thành hôn theo truyền thống văn hóa Việt.

Vái 3 vái hương trước bàn thờ tổ tiên.
Mọi người hát bài: Cầu cho Cha Mẹ.

1. Xin Chúa (í a) chúc lành, cho đời cha mẹ của con. Công ơn là như núi non dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn. Con sinh đến trong đời, an vui nhờ có ơn trời, và ơn cha mẹ suốt đời coi nhẹ khổ đau.

ĐK. Xin cho cha mẹ con thắm mãi tình son của Chúa Trời. Cho con giữa gia đình luôn sống theo tình người con ngoan.

2. An vui cũng như đau buồn, luôn đẹp tấm lòng mẹ cha. Ai qua là bao chốn xua, thấy đâu vui cho bằng mái nhà. Mai con lớn lên rồi, ra đi tung cánh trong đời, dù xa vô bờ vẫn nhờ đến tình mẹ cha.

IV.       NGHI THỨC VU QUY

Nàng Dâu Chàng Rể ra mắt, nhận Họ Nhà Gái. Nàng Dâu rót rượu và Chàng Rể đến mời Họ tộc Nhà Gái.
Mẹ nhắn nhủ và tặng quà Con gái đi lấy chồng.
Họ Nhà Gái chúc mừng Cháu gái đi lấy chồng.
Anh Chị Em ruột chúc mừng Em gái đi lấy chồng.
Chụp ảnh lưu niệm.

Nàng Dâu thay áo cưới, đeo lúp.
Nhà Trai ngỏ lời xin Dâu.
Nhà Gái đáp lời:
Kính thưa quý ông bà và quý Họ Nhà Trai
Chúng tôi vui mừng và cám ơn tấm lòng quý vị đã dành cho chúng tôi và đặc biệt cho con cháu chúng tôi. Hai gia đình chúng ta cũng đã như một, xin được gửi cháu cho gia đình ông bà. Mong ông bà nâng đỡ các cháu để gia đình mới được hạnh phúc lâu bền.
Xin kính mời quý Họ Nhà Trai, cùng với thân tộc Họ Nhà Gái ra nhà thờ để cùng hiệp dâng thánh lễ Cưới.

V.          THÁNH LỄ HÔN PHỐI

09g25’ Nàng Dâu Chàng Rể và đoàn rước ra nhà thờ.
09g35’ Có mặt tại Nhà thờ Tân Việt đón quý khách.
Nàng Dâu Chàng Rể chụp hình với Hai Họ.
Nàng Dâu Chàng Rể xếp hàng ở cửa nhà thờ.
10g00’ Cha xứ đón 5 đôi vào nhà thờ cử hành Bí tích Hôn phối
Chụp hình với Cha xứ.
Di chuyển ra cuối nhà thờ, lên xe ra Nhà hàng.
Mời quý khách từ nhà thờ ra đầu đường.
Đón xe taxi để quý khách ra nhà hàng.

VI.       TIỆC CƯỚI

Nàng Dâu Chàng Rể đón quý khách ở Nhà hàng.
12g00’ Bắt đầu nghi thức tiệc cưới.
Giới thiệu Nàng Dâu Chàng Rể
Giới thiệu Mẹ Nàng Dâu và 1 vị đại diện Nhà Gái.
Giới thiệu Bố Mẹ Chàng Rể.
Đại diện Nhà Gái phát biểu chào mừng quý khách đến dự tiệc
Món ăn được bưng lên.

Tiễn khách ra về. Đại diện Nhà Gái cảm ơn quý khách
Phái đoàn Nhà Trai từ giã và mời phái đoàn Nhà Gái đưa Dâu ra Nhà Trai vào ngày Đón Dâu 22.11.2014.
Đại diện Nhà Gái cảm ơn phái đoàn Nhà Trai.
Bế mạc, Nhà Gái ra về.

HOÀNG TUẤN ghi ngày 16.11.2014

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Bữa cơm ân tình lễ thánh Martinô ở Mỹ Thạnh Gp.Long Xuyên



GIÁO XỨ MỸ THẠNH MỪNG LỄ THÁNH MARTINÔ
Ngày 3.11.2014, hơn 200 người nghèo, cơ nhỡ được mời đến dùng cơm trưa tại giáo xứ Mỹ Thạnh (giáo phận Long Xuyên) bên bến phà Vàm Cống (tỉnh An Giang). Đây là bữa cơm ân tình lần thứ 14 được tổ chức vào ngày lễ kính thánh Martinô hàng năm. Bữa cơm này được linh mục chánh xứ Hiêrônimô Vũ Văn Tác khởi xướng ở họ đạo Kitô Vua kinh C1 ngày 3.11.2000. Khi chuyển đến giáo xứ Thạnh An, rồi giáo xứ Thanh Long và hiện nay ở giáo xứ Mỹ Thạnh, ngài vẫn duy trì. Ngoài bữa cơm, những người tham dự còn được tặng quà nhu yếu phẩm và tiền xe, thể hiện sự trân trọng, tình cảm thân thương gần gũi, nâng đỡ nhau trong cuộc sống.
Dịp này, giáo xứ cũng khánh thành đài kính Thánh Martinô, để mong mọi người noi gương ngài mà “sống đời bác ái từ bi, khiêm tốn phục vụ đồng loại” trên mảnh đất có nhiều tôn giáo cùng chung sống. Giáo xứ cũng đang xây dựng thánh đường mới vì ngôi nhà thờ đầu tiên của Mỹ Thạnh được xây dựng từ năm 1962, đã xuống cấp nhiều. Ngày 20.4.2013, nhà thờ mới được đặt viên đá đầu tiên. Ngọn tháp mới hiện nay đã vươn cao bên dòng sông Hậu. Công trình đang đi vào giai đoạn hoàn thành. So với dự tính ban đầu, nhà thờ mới đã được bớt đi một gian, cho phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Tuy cuộc sống còn khó khăn, vì phần nhiều dân kiếm sống nhờ buôn bán theo bến phà, nhưng cộng đoàn giáo dân Mỹ Thạnh không ngừng cố gắng để phát triển, gắn đường hướng mục vụ với đời sống bác ái. Bên cạnh việc sống đạo truyền thống, bà con tín hữu còn hướng tới việc chăm lo giáo dục, bồi dưỡng đức tin cho thế hệ trẻ và mời gọi tín hữu chung tay làm việc bác ái. Trong Năm Phúc âm hóa Đời sống Gia đình 2014, các giáo dân được học hỏi về cuộc đời của bốn vị Thánh sử đã viết bộ Tân Ước.

VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1982 ra ngày 07.11.2014, trang 11.

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Giáo phận TP.HCM gặp gỡ Liên tôn lần IV



TRAO NHAU NIỀM VUI HƯỚNG THƯỢNG
Đó là chủ đề của buổi hội ngộ liên tôn lần thứ IV được tổ chức tại Trung tâm Mục vụ giáo phận TP.HCM vào chiều 27.10.2014. Hơn 500 tín đồ thuộc nhiều tôn giáo trên địa bàn TP.HCM đã đến tham dự, ngồi kín hội trường lớn và theo dõi qua màn hình ở sảnh ngoài. Đông đảo tu sĩ và bà con giáo dân sánh vai với đạo huynh, đạo tỷ Cao Đài; chư tăng ni, phật tử; anh chị em Baha’i, Phật giáo Hòa Hảo; Chức sắc một số hệ phái Tin Lành; Minh Lý Thánh Hội; tín đồ Islam Hồi giáo…
Đây là ngày hội ngộ liên tôn hằng năm, tiếp nối tinh thần đối thoại liên tôn được khởi đi từ Assisi (Italia) ngày 27.10.1986 của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Những năm gần đây, Giáo hội Công giáo làm nhịp cầu, để các vị lãnh đạo và tín đồ các tôn giáo lớn ở TP.HCM có dịp gặp gỡ nhau, để “Chung tay xây dựng bình an” (năm 2011), “Cùng nhau vượt qua khổ đau” (năm 2012) và “Hiệp tâm vun đắp an hòa” (năm 2013).
Năm nay, kỷ niệm 50 năm Đức Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI thành lập Văn phòng Đặc trách Những người Ngoài Kitô giáo (1964 - 2014) - từ năm 1988 mang tên Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn; và kỷ niệm 145 năm sinh của ngài Mahatma Gandhi (1869 - 1948), vị anh hùng dân tộc Ấn Độ chủ trương “bất bạo động”.
Linh mục Tổng Đại diện giáo phận TP.HCM Inhaxiô Hồ Văn Xuân đánh chiêng khai mạc ngay trước tiếng trống khai hội của thiếu nhi giáo xứ Trung Chánh. Tiếp đến, là các bạn trẻ Việt Nam đi dự Đại hội Giới trẻ Công giáo Á Châu tại Hàn Quốc tháng 8.2014 với bài múa “Hãy thức tỉnh. Vinh quang các Thánh Tử Đạo chiếu soi trên các bạn” và chia sẻ về chuyến đi. Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn của giáo phận và Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại Đạo giới thiệu hai bài hát sáng tác chung chào mừng ngày hội ngộ liên tôn lần này của tác giả Thoại Tuấn và Bùi Đức Hà. Dàn đồng ca của chư đạo tâm Công giáo và Cao Đài đã gửi đến các tham dự viên bài “Trao nhau niềm vui”. Các đại chủng sinh Công giáo và huynh muội Cao Đài trình diễn đồng ca “Niềm vui hướng thượng”. Đạo tỷ Sơn Thị Thảo thuộc Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo diễn ngâm đoạn giáo huấn của Đức Huỳnh Giáo chủ trong quyển Sấm giảng Giáo lý. Vũ khúc Manificat trên nền nhạc Hoa do đoàn thiếu nữ giáo xứ Phanxicô Xaviê trình bày.
Sau khi thưởng ngoạn triển lãm “Chum chóe cổ” tại nhà Truyền thống giáo phận, các tham dự viên bước vào phần hai của ngày gặp gỡ với chủ đề “niềm vui hành đạo”.
Nữ tu Cecilia Nguyễn Phụng Ái Thiên, dòng Đức Trinh nữ Maria Đầy Ơn phúc, đã kể lại cảm nghiệm lần đầu tiên được dự “Hội nghị đối thoại liên tôn các chức sắc tôn giáo vì hòa bình trong cộng đồng các nước Đông Nam Á” tại Ayutthaya, Thái Lan (25 - 28.9.2014) với chủ đề “Khoan dung tôn giáo”. Qua hội nghị, nữ tu Cecilia đã học được sự hiếu khách của người dân Thái, sự khiêm nhường của Phật tử, sự kiên nhẫn nơi  Hồi giáo, sự điềm đạm của đạo Hindu, sự sôi động của đạo Sikh, sự thân thiện của các vị Baha’i,… và giúp chị thêm vững tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Mục sư Trần Thanh Truyện đến từ Hội Thánh Cơ đốc Phục lâm có bài nói chuyện về “Niềm vui theo Kitô giáo”. Qua những trích dẫn từ Kinh Thánh, mục sư đã giới thiệu tình yêu Đức Chúa Trời chan chứa và Chúa cũng muốn con người bày tỏ tình huynh đệ với những người chung quanh. Tu sĩ Mộng Tuyền, thuộc Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại Đạo, vừa tốt nghiệp khóa Đào tạo Tu sĩ và nữ tu Hồng Vân, thuộc dòng Đức Mẹ Canvê, y sĩ đang phục vụ bệnh nhân nghèo đã giới thiệu lý tưởng hiến thân vì đạo trong đời sống tu trì, những khó khăn lẫn thuận lợi khi tu giữa đời.
Phần văn nghệ tiếp nối với ca đoàn Piô X trình diễn bản hợp xướng Alleluia - một đoạn trong bài Messiah của nhạc sĩ George Frideric Handle sáng tác năm 1741 với nội dung cảm hứng từ Kinh thánh do Charles Jennens viết ca từ theo bản King James và những chương Thi Thiên trích từ Sách Cầu nguyện chung của Anh giáo. Chị Nguyệt Minh ở Hội Thánh Cơ đốc Phục lâm đơn ca “Niềm tin đời con”. Đoàn thiếu nhi giáo xứ Bình An Thượng trong với bài hát múa “Năm châu yêu thương”; các bạn trẻ trong Junior Legio Mariae cùng linh mục Phêrô Giuse Hà Thiên Trúc với tiết mục múa liên khúc và trao những cánh hoa cho các tham dự viên; Ban Lễ nhạc Thánh thất Từ Vân với phần hòa tấu nhã nhạc - các bài Xây long ngâm, Xuân nữ, Kim tiền và Ngũ điểm.
Dịp này, mỗi tham dự viên được gửi tặng những cuốn sách viết về liên tôn. Mỗi người còn được trao một bông hoa giấy để viết những tâm tình cầu nguyện riêng với Đấng thiêng liêng. Khoảng 500 lời nguyện được kết thành chuỗi những bông hoa treo lên khán đài. Đại diện Phật giáo, Baha’i, Cao Đài, Minh Lý Thánh Hội, Phật giáo Hòa Hảo và hai hệ phái Tin Lành đã bước lên, dâng những lời cầu nguyện cho thế giới hòa bình, đất nước thịnh vượng, dân sinh an lạc.
Lời kinh Hòa Bình được toàn thể hội trường đồng ca, khép lại ngày hội ngộ liên tôn.

VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1981 ra ngày 31.10.2014, trang 16 và 17.

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Khai mạc Hội nghị kỳ II - 2014 Hội đồng Giám mục Việt Nam




HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
Hội nghị thường niên kỳ II năm 2014 Hội đồng Giám mục Việt Nam diễn ra tại Tòa Giám mục Nha Trang từ ngày 27 đến ngày 30.10.2014. Về dự họp có ba Đức Tổng Giám mục đương nhiệm, 28 Đức Giám mục của các giáo phận trong cả nước và linh mục Phêrô Dương Văn Thạnh - Giám quản giáo phận Vĩnh Long. Đặc biệt, có sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli - Đại diện không thường trú của Tòa Thánh Vatican ở Việt Nam.
Hội nghị thường niên lần này sẽ dành thời gian thảo luận về nhiều công việc trong năm “Tân Phúc Âm hóa Giáo xứ và Cộng đoàn”, việc Thờ cúng Tổ tiên, Tôn sùng Lòng Chúa Thương xót. Các Đức Giám mục cũng sẽ đóng góp ý kiến vào Thư Mục vụ gửi toàn thể dân Chúa tại Việt Nam.
Chiều 27.10.2014, đại diện một số đoàn thể, tu sinh giáo phận Nha Trang đã chào đón các mục tử về họp. Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy ban Nhân dân và Ban Tôn giáo tỉnh Khánh Hòa đã đến thăm, tặng lẵng hoa chúc mừng hội nghị.

LỆ HOÀNG LỘC
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1981 ra ngày 31.10.2014, trang 13.

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Người Công giáo VN tặng chiến sĩ Trường Sa 3 tỷ đồng



GIỚI CÔNG GIÁO VIỆT NAM GÓP 3 TỶ ĐỒNG TẶNG CHIẾN SĨ TRƯỜNG SA
Sau khi Trung Quốc hạ đặt dàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có thư mục vụ về tình hình Biển Đông ngày 9.5.2014. Ngoài việc cầu nguyện cho quê hương, các mục tử còn kêu gọi bà con giáo dân tiết giảm chi tiêu để nâng đỡ ngư dân, chiến sĩ. Thời gian qua, các tín hữu trong cả nước đã đóng góp được 3 tỷ đồng. Hội đồng Giám mục Việt Nam quyết định dành số tiền này để ủng hộ các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa.
Sáng 6.10.2014, phái đoàn Công giáo gồm: Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Đức Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo, linh mục Inhaxiô Hồ Văn Xuân, linh mục Luy Nguyễn Anh Tuấn và linh mục Đaminh Ngô Quang Tuyên đã đến Văn phòng 2 của Bộ Tư lệnh Hải quân ở thành phố Hồ Chí Minh trao tặng số tiền bà con giáo dân đóng góp cho bộ đội Trường Sa.
Đón tiếp đoàn là Chuẩn Đô đốc Đinh Gia Thật - Chính ủy Quân chủng Hải quân, Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Sơn - Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân và một số lãnh đạo binh chủng. Cùng hiện diện có ông Phạm Dũng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ.
Phát biểu tại lễ trao tặng, Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Phó Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam - chia sẻ: “Trách nhiệm giữ gìn chủ quyền biển đảo không của riêng ai mà là trách nhiệm của tất cả mọi người, trong đó có người Công giáo. Chúng tôi luôn trân trọng và biết ơn những chiến sĩ hải quân đã và đang hy sinh, cống hiến thời giờ và sức khỏe cho việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của đất nước ngoài biển khơi. Chúng tôi hy vọng sự đóng góp này nói lên phần nào tâm tình và quyết tâm đồng hành của cộng đồng Công giáo đối với công việc chung của đất nước Việt Nam thân yêu.
Chuẩn Đô đốc Đinh Gia Thật đã thay mặt Bộ Tư lệnh Hải quân cảm ơn những tình cảm quý báu của Hội đồng Giám mục Việt Nam và đồng bào Công giáo dành cho huyện đảo Trường Sa với một tấm lòng, nghĩa cử khát khao hòa bình của dân tộc, của đất nước. Ông cho biết sẽ sử dụng số tiền ủng hộ của đồng bào Công giáo vào những công trình có ý nghĩa nhất, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của quân và dân Trường Sa.
Được biết, hiện có hai gia đình Công giáo đang sống trên đảo Trường Sa. Trong số các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió này, có gần 50 người là Kitô hữu. Các linh mục Phêrô Phan Khắc Từ, linh mục Phaolô Đỗ Quang Chí, linh mục Đaminh Nguyễn Đức Trung trong các chuyến đi công tác tại Trường Sa năm 2012, 2013 đã tặng quà và dâng thánh lễ cho các gia đình Công giáo nơi đây.

HOÀNG ANH TUẤN
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1981 ra ngày 31.10.2014, trang 15.

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Ngày Thế giới Truyền giáo 19.10.2014



KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO 2014
Trong Ngày Thế giới Truyền giáo (Chúa nhật XXIX Thường niên) 19.10.2014, nhiều giáo phận đã đóng góp cho Quỹ Truyền giáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam và có nhiều sinh hoạt đặc sắc.
* Tại giáo phận Bà Rịa, các gia đình tân tòng, chuẩn khác đạo, ly thân, ly dị từ khắp các giáo xứ, giáo họ biệt lập đã quy tụ về nhà thờ Chánh tòa. Trong buổi họp mặt, linh mục Phaolô Trần Kim Phán - Đặc trách Ban Loan báo Tin Mừng - đã chia sẻ về đời sống niềm tin Kitô giáo, hướng dẫn tân tòng về đời sống cầu nguyện và sống đức tin trong hoàn cảnh cụ thể. Đức Giám mục Tôma Nguyễn Văn Trâm trình bày cách sống đạo, kiên vững niềm tin và bền đỗ trong ơn gọi hôn nhân đối với tín hữu đang sống trong gia đình tân tòng, gia đình đang gặp khó khăn về hôn nhân và đức tin. Ngài nhấn mạnh: “Dù ở hoàn cảnh nào, các gia đình này cần được sự trợ giúp của nhiều gia đình khác, của cộng đoàn, giáo xứ. Các gia đình này không bị khinh dể, không bị loại trừ, không bị phân biệt đối xử, nhưng cần được yêu thương nâng đỡ.”. Ngài hoan nghênh những trường hợp gặp trục trặc trong đời sống hôn nhân như ly thân, ly dị, tái hôn nhưng vẫn sốt sắng tham dự thánh lễ, sống trong ân nghĩa Chúa. Ngài mời gọi mọi người thể hiện sự đóng góp của mình vào công cuộc truyền giáo bằng chính đời sống hôn nhân gia đình mình. Ngài cũng đã chủ tế thánh lễ đồng tế với sự tham dự của gần 1.500 người.
* Giáo phận Bắc Ninh đã chọn giáo xứ Đại Điền để tổ chức lễ. Đây là một xứ thuộc hạt Tây Nam, tỉnh Vĩnh Phúc với số giáo dân còn rất khiêm tốn. Đức Giám mục Cosma Hoàng Văn Đạt chủ tế thánh lễ và chủ sự nghi thức đón nhận 11 tân tòng gia nhập vào gia đinh Hội Thánh qua bí tích Thanh tẩy. Ngài tặng mỗi người một tấm ảnh của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II để nhắc nhở các tân tòng hãy noi theo gương thánh nhân.
* Đức Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, giáo phận Hải Phòng đã đến giáo xứ Chạp Khê (hạt Quảng Ninh) cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo và ban bí tích Thêm sức cho 84 người, trong đó có một số cụ đã trên 70 tuổi… Trong bài giảng lễ, ngài gợi ý “Truyền giáo là chia sẻ niềm vui”, qua đó,  mời gọi mỗi tín hữu trở nên hình ảnh của Chúa trong cuộc đời, cụ thể qua những lời nói, suy nghĩ và hành động, san sẻ niềm vui cho những người mình gặp gỡ.
* Truyền giáo là ưu tư hàng đầu và cũng là định hướng mục vụ của giáo phận Qui Nhơn. Hướng về Khánh nhật Truyền giáo, mỗi giáo xứ và cộng đoàn dòng tu sẽ tổ chức tam nhật để học hỏi, cầu nguyện và đóng góp cho việc truyền giáo. Vào Chúa nhật Truyền giáo, các giáo xứ đọc Thư gửi Cộng đồng dân Chúa của Đức Giám mục giáo phận Matthêô Nguyễn Văn Khôi. Thư nhắn nhủ: “Dù trải qua gần 400 năm được đón nhận Tin Mừng, số tín hữu toàn giáo phận mới chỉ chiếm tỉ lệ 1,8% so với dân số trong ba tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Giáo phận đã vạch ra một định hướng và xác định một tinh thần cho công cuộc mục vụ và truyền giáo theo tông huấn Niềm vui Tin Mừng của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Các Kitô hữu hãy đi ra khỏi giới hạn khép kín để đến với những người đang ở bên ngoài Hội Thánh. Hãy chọn cho mình một địa chỉ truyền giáo cụ thể là một người hay một gia đình để cầu nguyện, gặp gỡ, giúp đỡ và tìm cách giới thiệu về Chúa cho họ.”.
* Sáng Chúa nhật Truyền giáo 19.10.2014, Đức Giám mục giáo phận Vinh Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã đến thăm và chủ tế thánh lễ bế mạc tuần chầu lượt giáo xứ Cồn Cả (hạt Phủ Quỳ) với 12 linh mục. Đức Giám mục kêu gọi mọi thành viên của cộng đoàn giáo hạt hãy tiếp bước các bậc cha anh, luôn ý thức về trách nhiệm loan báo Tin Mừng qua việc làm chứng cho Chúa Kitô bằng chính đời sống thực tế hằng ngày.
* Tại nhà thờ Hà Nội (hạt Hố Nai), giáo phận Xuân Lộc tổ chức thánh lễ tiếp nhận 917 dự tòng trong toàn giáo phận quy tụ về đây lãnh nhận bí tích Thanh tẩy và Thêm sức, trở nên Kitô hữu trong đại gia đình Hội Thánh. Hơn 2.200 khách thuộc các tôn giáo bạn là thân nhân, họ hàng của anh chị em dự tòng cũng được mời tới dự. Mở đầu là diễn nguyện, thánh ca do các nữ tu đảm nhận. Đức Giám mục Phụ tá Giuse Đinh Đức Đạo chia sẻ với cộng đoàn về thao thức trong cánh đồng truyền giáo, có những thuận lợi xen lẫn khó khăn khi thực thi lời mời gọi dấn thân của Thiên Chúa giữa cuộc sống gia đình đời thường. Thánh lễ mừng Khánh nhật Truyền giáo do Đức Giám mục Chánh tòa Đaminh Nguyễn Chu Trinh chủ tế. Đức ông Vinhsơn Đặng Văn Tú - Tổng đại diện giảng lễ. Trước khi ra về, cộng đoàn lãnh nhận phép lành ơn toàn xá trong Năm Thánh kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận.
* Giáo phận Mỹ Tho tổ chức gặp gỡ các thành phần dân Chúa tại Trung tâm Mục vụ vào thứ Sáu 24.10.2014 với chủ đề “Tân Phúc Âm hóa Gia đình để loan báo Tin Mừng” theo tinh thần Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Các tham dự viên được nghe thuyết trình và trao đổi về hai đề tài “Phúc Âm hóa Gia đình là gì?”, “Gia đình và việc tham gia truyền giáo”. Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm - vị mục tử mới của Mỹ Tho chia sẻ những ưu tư, thao thức của ngài trước nhu cầu truyền giáo rất lớn của giáo phận.
* Giáo xứ Tân Bình ở giáo phận Nha Trang thể hiện quan tâm đặc biệt, tổ chức giao lưu 80 gia đình tân tòng với gần 200 người nhân Khánh nhật Truyền giáo 2014. Có 3 gia đình lương dân trong xứ đến tham gia. Các tham dự viên có dịp chia sẻ những thao thức, trao đổi băn khoăn cũng như giải bày những vướng mắc trong đời sống đạo của mình. Điểm nhấn của ngày họp mặt là phần sám hối. Đây là dịp thuận tiện để cha mẹ, vợ chồng và con cái thật sự hòa giải với Chúa, cũng như với nhau. Mỗi thành viên trong gia đình biết sống tâm tình hoán cải, nên thánh bằng cách góp phần xây dựng gia đình mình thành cộng đoàn cầu nguyện, yêu thương, hiệp nhất, tôn trọng bảo vệ sự sống và loan báo Tin Mừng. Sau thánh lễ là bữa cơm thân mật thắm tình gia đình. 
* Tối ngày 18.10.2014, bà con giáo dân xứ Thị Nghè (hạt Gia Định TP.HCM) quy tụ về hội trường để nghe nói chuyện về truyền giáo từ chính cuộc sống thường ngày. Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài chia sẻ cảm nghiệm về đời linh mục truyền giáo dù có gặp thử thách vẫn cảm thấy bình an. Một nam sinh trường khiếm thị Nhật Hồng thì cho rằng Chúa luôn hiện diện gián tiếp bên cạnh em qua sự chăm sóc, dạy dỗ của các nữ tu. Các tham dự viên thắp lên ngọn lửa sáng từ cây nến Phục sinh, để ra đi, đem tình yêu của Chúa đến cho mọi người.
* Lễ Khánh nhật Truyền giáo 2014 tại giáo xứ Hạnh Thông Tây (hạt Gò Vấp TP.HCM) là kỷ niệm đáng nhớ khi các em thiếu nhi Thánh Thể được đóng vai những nam nữ tu sĩ. Hơn 20 bạn nhỏ mặc tu phục đi từ cuối nhà thờ lên cung thánh để giới thiệu về một số dòng tu đang hiện diện ở Việt Nam. Hình ảnh các dòng còn được cộng đoàn biết đến qua màn hình lớn trình chiếu trên cao.
* Giáo xứ Thiên Ân (hạt Tân Sơn Nhì TP.HCM) lấy Khánh nhật Truyền giáo làm ngày Truyền thống Tân tòng. Giáo xứ đón tiếp những người đã được lãnh bí tích Khai tâm Kitô giáo từ đây, tỏa đi khắp nơi và được mời trở về để chia sẻ kinh nghiệm sống đức tin trong tình huynh đệ, cùng tham dự thánh lễ chung.
* Giáo xứ Hà Nội (hạt Xóm Mới TP.HCM) đã mừng lễ Khánh nhật Truyền giáo 19.10.2014 trong tình hiệp thông với ngày bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình. 22 bạn trẻ vừa hoàn thành khóa học Hôn nhân Gia đình cũng được trao giấy chứng nhận trong ngày lễ. Giáo xứ luôn mời gọi cộng đoàn siêng năng học hỏi giáo lý, trau dồi đời sống đức tin để mạnh dạn dấn thân theo Đức Kitô, làm chứng và sống tinh thần của Đức Kitô giữa muôn người.

HOÀNG KIM LONG tổng hợp
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1980 ra ngày 24.10.2014, trang 14 và 15.

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Ban Đoàn kết Công giáo huyện Nhà Bè TP.HCM được thành lập



RA MẮT BAN ĐOÀN KẾT CÔNG GIÁO HUYỆN NHÀ BÈ TP.HCM
Sáng 14.10.2014, Ban Đoàn kết Công giáo huyện Nhà Bè nhiệm kỳ 2014 - 2018 đã có Hội nghị ra mắt. Đến dự có ông Vũ Mạnh Hải - Trưởng Ban Dân tộc-Tôn giáo thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM; linh mục Antôn Nguyễn Đình Thục và ông Gioan B. Nguyễn Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP.HCM. Đại diện chính quyền địa phương có bà Trần Hải Yến - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nhà Bè, ông Nguyễn Văn Bi - Phó Chủ tịch Thường trực UB MTTQ VN huyện Nhà Bè, ông Trần Văn Ngân - Phó phòng Nội vụ huyện cùng lãnh đạo thị trấn Nhà Bè và 6 xã trong huyện. Một số bà con giáo dân là khách mời cũng có mặt. Đại diện của Phật giáo, Cao Đài cũng đến chung vui với Ban Đoàn kết Công giáo huyện trong ngày thành lập.
Hội nghị đã điểm lại các mốc lịch sử của Nhà Bè từ khi khẩn hoang đầu thế kỷ XVIII đến nay. Từ năm 1932, đã có người Công giáo đến Nhà Bè lập nghiệp và đến nhà thờ Tắc Rỗi dự lễ hàng tuần. Năm 1958, họ đạo Phú Xuân được thành lập với chừng 60 giáo dân, với ngôi nhà thờ mái lá đầu tiên do linh mục Võ Văn Bộ xây dựng. Đến năm 1998 có khoảng 1.000 tín hữu.
Ngày nay, Nhà Bè là huyện ngoại thành ở phía Đông Nam của TP.HCM, với khoảng 104.000 nhân khẩu. Trong đó có 2.400 tín hữu Công giáo, chiếm tỷ lệ hơn 2,3% dân số. Huyện Nhà Bè chỉ có một nhà thờ Phú Xuân và một giáo điểm Tin Mừng, do linh mục Đaminh Ngô Quang Tuyên coi sóc.
Trong sự phát triển của người dân Nhà Bè, có sự đóng góp không nhỏ của giới Công giáo. Để những đóng góp có hiệu quả và ngày càng có kết quả tốt đẹp hơn, Ban Đoàn kết Công giáo huyện ra đời - như một tổ chức nhằm liên kết, tập họp, động viên lẫn nhau để cùng chăm lo cho công việc chung.
Ban Đoàn kết Công giáo huyện Nhà Bè nhiệm kỳ 2014 - 2018 đã ra mắt với 8 thành viên, do ông Giuse Đinh Văn Cử làm trưởng ban.

HOÀNG KIM LONG
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1979 ra ngày 17.10.2014, trang 9.

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Hành hương Đức Mẹ hiện ra tại Fatima 13.10



NGÀY 13 THÁNG 10: KHẮP NƠI ĐẾN CÙNG ĐỨC MẸ

Như thông lệ hằng năm, ngày 13.10 năm nay, giáo xứ Fatima Bình Triệu (hạt Thủ Đức - giáo phận TP.HCM) có 4 thánh lễ kính Mẹ Maria. Linh mục chánh xứ Aloisiô Lê Văn Liêu, hai linh mục phụ tá Giuse Nguyễn Trí Dũng và Phaolô Nguyễn Vũ Thông đã lần lượt chủ tế các thánh lễ ban sáng và ban chiều. Thánh lễ trọng thể vào lúc 12 giờ trưa được Đức Giám mục Phêrô Trần Đình Tứ - nguyên Giám mục giáo phận Phú Cường chủ tế cùng với ba linh mục.
Con đường số 5 dẫn vào nhà thờ thường ngày tĩnh lặng trở nên nhộn nhịp với hàng ngàn người từ muôn phương đổ về, hàng quán phục vụ cho khách hành hương mọc lên san sát. Ngày áp lễ đã có hàng ngàn du khách đến hành hương, các phòng trọ gần nhà thờ quá tải. Quán sá kéo dài từ đầu đường vào tận cổng nhà thờ với đủ loại dịch vụ từ ăn uống, đồ kỷ niệm đến cả tượng ảnh. Nhưng bán chạy nhất là mặt hàng quạt giấy, nước đóng chai, tràng chuỗi và ảnh tượng.
Sáng ngày 13.10.2014, từng đoàn xe du lịch nối đuôi nhau đậu ngoài quốc lộ 13 dài hàng cây số, xe hai bánh cũng khó khăn lắm mới tìm được chỗ gửi. Dịch vụ giữ xe gắn máy nở rộ với giá 10.000 - 20.000 đồng/chiếc. Cảnh sát, dân quân, bảo vệ khu phố luôn có mặt để giúp giữ an ninh trật tự, khi đoàn người đổ về nhà thờ mỗi lúc một đông. Các tín hữu đã ngồi chật kín phía bên trong nhà thờ. Các dãy ghế dưới mái che trong sân cũng không còn chỗ trống. Khu nhà thờ mới đang xây dựng cũng được gắn màn hình để phục vụ lượng người đông đảo đến với Mẹ Fatima Bình Triệu. Nhiều người đã phải che dù, đứng dưới nắng để cầu nguyện với Mẹ. Theo ước tính của chúng tôi, phải có trên 10.000 lượt khách hành hương về với Mẹ Fatima.
Trước thánh lễ trọng thể, cộng đoàn đã cùng nhau dâng lên Mẹ 50 kinh của tràng chuỗi Mân Côi trong 5 mầu nhiệm mùa Vui. Đúng 12 giờ, đoàn đồng tế do Đức Giám mục Phêrô Trần Đình Tứ chủ sự tiến lên cung thánh giữa biển người hát bài ca nhập lễ.
Trong bài chia sẻ, Đức Giám mục chủ tế đã nhắc lại sứ điệp của Mẹ nhắn nhủ với ba trẻ nhỏ ở làng Fatima năm xưa. Ngài nhấn mạnh có Mẹ Maria là người Mẹ thiêng liêng của tất cả chúng ta và của cả nhân loại, đó là niềm hạnh phúc của mọi người. “Trong mọi hoàn cảnh, dù vui hay buồn, hãy chạy đến với Mẹ. Mẹ là niềm an ủi và chỉ ra những phương thế để hướng dẫn đoàn con trong cơn thử thách. Những lần Mẹ hiện ra là những khoảnh khắc chất chứa đầy tình thương bao la của mẹ hiền. Ngày nay, trong bối cảnh thế giới đang bị đe dọa bởi chiến tranh khủng bố, lời dặn dò của Mẹ càng trở nên khẩn thiết hơn và đòi hỏi sự thực hành của tất cả chúng ta. Hãy cải thiện đời sống, siêng năng lần chuỗi Mân Côi, nhất là trong giờ kinh tối, để được tăng thêm sức mạnh chu toàn bổn phận mến Chúa yêu người, để nên thánh trong thế giới hôm nay”, Đức cha Phêrô nhắn nhủ.
Trước khi kết thúc thánh lễ, Đức cha chủ tế làm phép xâu chuỗi, ảnh tượng cho khách hành hương. Linh mục chánh xứ Aloisiô Lê Văn Liêu thông báo tới cộng đoàn quá trình xây dựng nhà thờ mới và mong các thành phần dân Chúa góp phần của mình, như món quà nhỏ dâng lên Đức Mẹ để công trình xây thánh đường dâng kính Mẹ Fatima Bình Triệu sớm được hoàn thành.
Theo dòng lịch sử, năm 1966, linh mục Phaolô Võ Văn Bộ xây đài Đức Mẹ tại mảnh đất gần sông Sài Gòn và ga xe lửa Bình Triệu. Tượng đài được Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình làm phép ngày 15.8.1966. Giáo dân các nơi đổ về kính viếng Đức Mẹ và Trung tâm Thánh Mẫu Fatima Bình Triệu ra đời, được xây dựng bằng vật liệu thô sơ. Đến ngày 13.10.1970, ngôi đền được xây dựng khang trang hơn, đón Đức Tổng Giám mục đến chủ sự nghi lễ khánh thành. Tháng 8.1977, Trung tâm được nâng lên thành họ đạo Fatima Bình Triệu, với linh mục Simon Nguyễn Văn Lập làm chánh xứ. Vị mục tử cho lập các giáo xóm, hướng dẫn các hội đoàn sinh hoạt. Ngày 11.01.2000, linh mục Aloisiô Lê Văn Liêu được bổ nhiệm làm chánh xứ, coi sóc hơn 5.000 tín hữu trong 15 xóm đạo cho đến nay.
Sáng ngày 13.11.2010, giáo xứ Fatima Bình Triệu đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi thánh đường mới cao hơn, rộng hơn để đón tiếp luợng khách hành hương đông đảo vào ngày 13 hằng tháng. Đến nay, đã hoàn thành phần thô. Hy vọng trong tuơng lai không xa, giáo xứ Fatima Bình Triệu sẽ có một bộ mặt mới để đón mọi người đến cầu nguyện với Đức Mẹ Maria.

* Trung tâm Hành hương Fatima của giáo phận Vĩnh Long đã chọn chủ đề “Cùng với Mẹ tân Phúc âm hóa Gia đình” trong tháng 10.2014. Các linh mục hướng dẫn, gợi ý lần chuỗi dựa trên các Mầu nhiệm Mân Côi với đời sống gia đình. Nhờ đó Lời Chúa, các mầu nhiệm cứu độ đi vào tâm hồn người tín hữu, giúp cảm nhận được sự đồng hành của Ngôi Hai Thiên Chúa, nhận ra sự hiện diện của Mẹ Maria trong mọi biến cố thăng trầm. Tin tưởng và phó thác, sẽ được Mẹ hướng dẫn cho đời sống gia đình của người tín hữu được thăng tiến hơn.
Chiều 12.10.2014, thánh lễ khai mạc được Đức ông Barnaba Nguyễn Văn Phương chủ sự. Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài chia sẻ với hơn 6.000 tín hữu tham dự. Hai dòng Mến Thánh giá Cái Mơn và Mến Thánh giá Cái Nhum phụ trách phần diễn nguyện. Hơn 2.000 người tham gia đoàn rước kiệu Đức Mẹ và chầu Thánh Thể.
Lúc 0 giờ ngày 13.10, linh mục Matthêu Nguyễn Văn Văn chủ tế thánh lễ nửa đêm mừng kính Mẹ Maria. Có hơn 2.000 khách hành hương cùng hiệp thông. Linh mục Phaolô Lưu Văn Kiệu - phụ trách Trung tâm Hành hương Fatima Vĩnh Long dâng thánh lễ đầu ngày lúc 5 giờ sáng, kỷ niệm biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Fatima năm 1917. Trong thánh lễ, linh mục chủ tế mời gọi mọi người hãy học nơi Đức Maria trong hành trình sống đức tin, vững tâm thưa hai tiếng “Xin vâng” trong mọi biến cố của cuộc đời.
Thánh lễ dâng lúc 9 giờ sáng 13.10.2014 quy tụ hơn 12.000 tín hữu tham dự. Linh mục Phêrô Dương Văn Thạnh - Giám quản giáo phận Vĩnh Long chủ tế. Cùng đồng tế có khoảng 50 linh mục. Cộng đoàn được mời gọi tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho nhân loại một người Mẹ tuyệt vời luôn yêu thương dìu dắt đoàn con dưới thế. Cộng đoàn cũng tri ân Mẹ Maria vì Mẹ luôn đồng hành với mọi gia đình trong cuộc sống; Mẹ luôn hướng dẫn, nâng đỡ, che chở cho từng gia đình trong hành trình nơi trần gian.

* Từ chiều 12.10.2014, đông đảo khách hành hương đã đến Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao (giáo phận Phan Thiết). Hàng chục ngàn người với nến lung linh theo đoàn kiệu rước tượng Đức Mẹ tiến lên lễ đài. Các nữ tu Mến Thánh giá Phan Thiết giúp cộng đoàn suy niệm qua phần diễn nguyện chủ đề “Kinh Mân Côi”. Sáng 13.10 có giờ khấn Đức Mẹ của đông đảo tín hữu gần xa. Sau đó là thánh lễ kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi do Đức Giám mục Phan Thiết Giuse Vũ Duy Thống đồng tế với 80 linh mục. Vị mục tử giáo phận xướng 3 lần “Quyết tâm”, cộng đoàn cùng đáp lại “Lần hạt Mân Côi”.

* Kỷ niệm 40 năm xây dựng đài Đức Mẹ, giáo xứ Rạch Súc (giáo phận Cần Thơ) đã long trọng tổ chức lễ Đức Mẹ hiện ra tại Fatima trong tâm tình “Sống năm Gia đình - Đức Maria là Mẹ các gia đình. Đêm diễn nguyện tôn vinh Mẹ khai mạc với sự hiện diện của Đức Giám mục giáo phận Stêphanô Tri Bửu Thiên. Lễ hành hương Đức Mẹ năm nay tại Rạch Súc tổ chức đến 2 ngày, có nhiều bà con giáo dân ở nơi xa đến kính viếng. Linh mục chánh xứ Phanxicô Xaviê Đinh Trọng Tự mở cửa phòng khám bệnh, phát thuốc, châm cứu Đông y miễn phí và lo ẩm thực cho khách hành hương suốt những ngày lễ. Ngài còn mời mọi người hô vang 3 lần lời dạy của Đức Giáo hoàng: Xin lỗi, Xin Giúp đỡ, Xin Cám ơn.

* Giáo xứ Ba Giồng - Trung tâm Hành hương Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu của giáo phận Mỹ Tho tổ chức buổi lần hạt và diễn nguyện trong chiều 13.10.2014 để tôn vinh Đức Mẹ Fatima - Mẹ Maria Rất Thánh Mân Côi. Khá đông giáo dân trong xứ và các thành viên Tiếng hát vì người nghèo của linh mục chánh xứ Nguyễn Sang từ TP.HCM đến tham dự buổi cầu nguyện, lần chuỗi Mân Côi suy niệm mầu nhiệm Năm Sự Sáng. Sau mỗi chục kinh Mân Côi, các hội đoàn có tiết mục diễn nguyện. Phần kết đánh dấu bằng những ngọn nến cháy sáng trong tay mọi người để tuyên xưng Thiên Chúa là Ánh sáng.

* Tại giáo phận TP.HCM, nhiều xứ đạo đã mời gọi các thành phần dân Chúa quy tụ để đọc kinh, lần chuỗi, suy niệm và ôn lại những lời Đức Mẹ nhắn nhủ đoàn con cái. Các giáo xứ Bàn Cờ (hạt Sài Gòn-Chợ Quán), Vườn Xoài (hạt Tân Định), Tân Phú, Tân Việt, Thiên Ân (hạt Tân Sơn Nhì), Đức Mẹ Hằng Cứu giúp (hạt Xóm Mới), Gia Định (hạt Gia Định), Trung Mỹ Tây (hạt Hóc Môn),... cũng đã dâng thánh lễ vào ban trưa ngày 13.10.2014, để kỷ niệm 97 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima nước Bồ Đào Nha.

Đặc biệt theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các nơi trong ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra 13.10, ngoài các giờ kinh, lần hạt và cầu nguyện, còn có nghi thức sám hối, nhìn lại mình và mời gọi nhau hãy đến cùng anh em, nhất là đến với người nghèo đang bị bỏ quên ở đây đó, do sự vô tình của mỗi người, và đó là sự có lỗi với Thiên Chúa và với anh em.

SONG LONG - HOÀNG LỆ
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1979 ra ngày 17.10.2014, trang 12 và 13.