Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Nhắn tin TEKT gửi 1406 giúp con chiến sĩ biển đảo



TRỢ GIÚP CON CHIẾN SĨ BIỂN ĐẢO

Quỹ Vì Trẻ em Khuyết tật (TEKT) vừa công bố dự án “Sánh bước yêu thương với gia đình chiến sĩ bảo vệ biển đảo” vào sáng ngày 22.6.2014 tại TP.HCM. Bộ Thông tin Truyền thông đã cấp tổng đài 1406 trong 60 ngày để Quỹ trợ giúp và chia sẻ với con em chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương.
Ngày 1.6.2014, Quỹ đã gặp gỡ một số gia đình chiến sĩ có con bị bệnh hiểm nghèo, khuyết tật để cùng “sánh bước yêu thương”, giúp các anh an tâm công tác nơi tuyến đầu. Những ngày tiếp theo đó, Quỹ cùng đã lên đường đến Khánh Hòa, Thanh Hóa, Nghệ An,… khảo sát, đánh giá và lập hồ sơ giúp đỡ cho từng gia đình lính biển có hoàn cảnh đặc biệt này. Nhiều gia đình có con, em, người thân bị khuyết tật và bệnh hiểm nghèo, vượt khỏi khả năng tài chính, cần sự quan tâm và trợ giúp của cộng đồng.
Trong hàng trăm hồ sơ thu thập được, bước đầu Quỹ tiếp nhận “sánh bước yêu thương”, hỗ trợ đợt 1 cho 10 gia đình ở Quảng Ninh, Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa... Giai đoạn 2 sẽ hỗ trợ 50 gia đình. Giai đoạn 3 sẽ hỗ trợ 100 gia đình. Công ty Kiểm toán quốc tế Ernst & Young đã tài trợ một gói kiểm toán để quản lý hiệu quả, minh bạch các nguồn quyên góp hỗ trợ đến được trực tiếp với các gia đình. Viện Nhi khoa Hoa Kỳ, Project Vietnam Foundation, Cổng thông tin nhân đạo, Hội Các nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam, BNI Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Doanh nhân,… đã cam kết cùng đồng hành với Quỹ Vì Trẻ em Khuyết tật trong dự án này. Ngày công bố dự án 22.6.2014, có hai gia đình chiến sĩ biển đảo vào TP.HCM nhận hỗ trợ.
Gia đình nhận hỗ trợ đầu tiên là của chiến sĩ hải quân Phan Văn Hoàng đang công tác tại đảo Trường Sa Lớn. Anh chị đi vay 200 triệu đồng để thụ tinh trong ống nghiệm và sinh ra bé Phan Thị Thu Hoài kháu khỉnh. Niềm vui chưa lâu thì phát hiện con bị máu trắng, di chứng từ ông là một cựu chiến binh. Hằng tháng phải đi truyền máu hết 3 triệu đồng. Hai vợ chồng đã bán nhà, bán xe với quyết tâm kéo dài sự sống cho con và hy vọng mong manh là con sẽ sớm khỏe mạnh. Quỹ Vì Trẻ em Khuyết tật đã tặng 5 triệu đồng và vận động 3 doanh nghiệp hằng tháng giúp 1,5 triệu đồng. Quỹ Hỗ trợ Bệnh nhân Ung thư “Ngày mai tươi sáng” tặng 10 triệu đồng và hỗ trợ lâu dài trong việc điều trị bệnh cho bé Hoài.
Trường hợp thứ hai là gia đình chị Trương Thị Ngọc (ở Nghệ An) cũng vừa nhận tiền hỗ trợ và được cam kết kêu gọi cộng đồng trợ giúp ít nhất 1,5 triệu đồng/tháng. Chồng chị là chiến sĩ hải quân Nguyễn Gia Khang mới qua đời 2 tháng, chị bị bệnh nan y lại phải nuôi dạy đứa con bị bại não. Quỹ đang kết nối với các bệnh viện để khám và tìm phương án điều trị, vật lý trị liệu cho bé.
Ngày 1.7.2014, Quỹ Vì Trẻ em Khuyết tật sẽ mở cuộc hành trình “Sánh bước yêu thương” dọc theo chiều dài đất nước, đến với con em và người thân của chiến sĩ, liệt sĩ bảo vệ tổ quốc, của ngư dân bám biển và nạn nhân chất độc da cam, di chứng chiến tranh... Quỹ đến thăm và chia sẻ với từng gia đình có hoàn cảnh đặc biệt của các anh. Đồng thời, cũng mời gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trợ giúp và ủng hộ.
Để tiếp tay với dự án, từ điện thoại di động, nếu soạn tin nhắn TEKT gửi đến số 1406 sẽ ủng hộ 12.000 đồng vào quỹ.

VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1963 ra ngày 27.06.2014, trang 11.

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Nhiều Giáo phận Công giáo tiếp sức Mùa thi 2014



CÁC GIÁO PHẬN THAM GIA TIẾP SỨC MÙA THI 2014
* Ban Mục vụ Giới trẻ giáo phận Cần Thơ phối hợp với nhóm Sinh viên Công giáo Agape tiếp tục hỗ trợ các em học sinh các xứ đạo vùng sâu Đồng bằng sông Cửu Long (thuộc ba giáo phận Cần Thơ, Long Xuyên, Vĩnh Long) trong hai đợt thi tuyển đại học. Có 300 chỗ ở miễn phí tại nhà thờ, chủng viện, tu viện, nhà trọ, tư gia. Ưu tiên học sinh nghèo đăng ký đăng ký trước ngày 30.6.2014 nơi anh Khiêm ĐT: 01227.890.405 và chị Tu ĐT: 01226.551.745. Tiếp đón thi đợt 1 từ  7 giờ sáng ngày 2.7, đợt 2 từ ngày 7.7, tại nhà thờ An Thạnh, số 249 đường 30 tháng 4, P.Hưng Lợi, TP.Cần Thơ.
* Ban Mục vụ Giới trẻ giáo phận Ban Mê Thuột tổ chức “tiếp sức” từ ngày 2 đến ngày 10.07.2014 với các nội dung: Đón thí sinh và sắp xếp chỗ ăn ở tại nhà thờ Chánh tòa và giáo xứ Kim Mai. Hướng dẫn đến địa điểm, làm thủ tục dự thi. Đưa ra bến xe khi kỳ thi kết thúc. Liên hệ Lm. Giuse Đỗ Minh Hiển ĐT: 0984.989.969, email: josminhhien@yahoo.com và anh Gioan Lê Ngân Khánh ĐT: 0908.843.580, email: jeanxomdao@gmail.com.
* Ban Mục vụ Học đường giáo phận Đà Lạt đón thí sinh tại Học viện Don Bosco Đà Lạt, số 36 Bùi Thị Xuân, P.2, TP.Đà Lạt. Đợt I: Từ  2-5.7, thi đại học khối A, A1 và V. Đợt II: Từ 7-10.7, thi đại học khối B, C, D. Đóng tiền cơm 3 bữa 200.000 đồng/đợt thi. Liên hệ Lm. Giuse Nguyễn Chấn Hưng ĐT: 0917.806.131 và anh Roco Lê Hữu Phước ĐT: 0933.251.165, email: phuoclamvien65@gmail.com.
* Nhóm Sinh viên Công giáo Hải Phòng đồng hành cùng các thí sinh cả 3 đợt thi và chỉ đón thí sinh đã đăng ký danh sách trước. Các thí sinh dự thi tại quận Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân, Hải An và Dương Kinh sẽ được đón tại bến xe Cầu Rào và trọ tại nhà chung giáo xứ Nam Pháp. Các em dự thi ở quận Kiến An và An Dương được đón tại ngã ba Quán Trữ và trọ tại nhà chung giáo xứ Cựu Viên và giáo họ Quỳnh Hoàng. Kinh phí sinh hoạt khoảng 500.000 đồng/đợt thi. Anh chị sinh viên sẽ đón, đưa đến địa điểm thi và hướng dẫn các em đón xe về quê khi kỳ thi kết thúc. Liên hệ anh Phêrô Đoàn Lý Huỳnh ĐT: 01674.117.616 và anh Đaminh Nguyễn Văn Lâm ĐT: 01663.312.011 hay email: nguyenduy2025@gmail.com.
* Nhóm sinh viên Công giáo hạt Hải Dương (giáo phận Hải Phòng) giúp các thí sinh trong tinh thần “bác ái, yêu thương, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả”. Thí sinh được đón trong các ngày thi tại bến xe phia Tây, bến xe Hải Tân, cổng trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, trường cao đẳng Hải Dương. Thí sinh có thể đến nhà thờ Hải Dương, số 100 Trần Hưng Đạo hoặc nhà thờ Tân Kim, số 36 ngõ 73 phố Tân Kim đường Nguyễn Chí Thanh TP. Hải Dương. Thí sinh đăng ký nơi cha xứ, gửi về Lm. Giok Nguyễn Văn Thăng ĐT: 0936.836.064, email: joksolthang@gmail.com; hoặc chị Maria Nguyễn Thị Thêu  ĐT: 01663 886 628, email: theulien@gmail.com. Phí sinh hoạt đóng 500.000 đồng/đợt thi (gồm 3 bữa ăn sáng và 8 bữa ăn chính, không bao gồm phí đi, về).
* Nhóm sinh viên Công giáo Tin Yêu (giáo phận Nha Trang) thực hiện hoạt động “Tiếp sức mùa thi - Tin Yêu nối vòng tay yêu thương” nhằm tạo tâm lý thoải mái và giúp giảm bớt kinh phí dự thi cho gia đình thí sinh từ mọi miền đất nước về Nha Trang dự kỳ thi đại học, không phân biệt tôn giáo. Từ ngày 1 đến 20.7, các sinh viên đón thí sinh tại ga Nha Trang, bến xe phía Nam và phía Bắc. Thí sinh cả 3 đợt thi được miễn phí chỗ ở tại nhà thờ Antôn Vĩnh Phước, nhà thờ Giuse Quân Trấn và Núi Sạn, được hỗ trợ tiền ăn, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm anh chị sinh viên đi trước. Đăng ký với anh Micae Đoàn Thanh Tiến ĐT: 01667.407.752, email: svcgtinyeu@gmail.com.
* Sinh viên Công giáo Phát Diệm thuê xe đón thí sinh từ quê nhà lên dự thi tại Hà Nội, Sơn Tây, Nam Định, Thái Nguyên, Thái Bình, Vĩnh Phúc. Đăng ký đi tại giáo xứ đang ở, gửi về anh Gioan Bùi Văn Kiên ĐT: 01649.712.050, email: buikien91@gmail.com. Tại khu vực trường đại học Lâm Nghiệp và các tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng có người hỗ trợ thí sinh. Sinh viên tình nguyện sẽ đón thí sinh tại bến xe Giáp Bát và Mỹ Đình trong sáng ngày 2 và ngày 7.7. Hội Sinh viên Công giáo Phát Diệm tổ chức buổi giao lưu vào chiều 1.7.2014 tại nhà thờ xứ Phát Diệm để giải đáp thắc mắc cho thí sinh và gia đình về kỳ thi.
* Ban mục vụ Giới trẻ - Sinh viên giáo phận Thanh Hóa có các nhóm sinh viên đón thí sinh vào dự thi ở TP. Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Vinh. Đăng ký với Lm. đặc trách Phêrô Nguyễn Cao Vinh ĐT: 0912.339.837.
* Sinh viên Công giáo giáo phận Hưng Hóa tổ chức đón thí sinh tại bến xe Mỹ Đình, Sơn Tây, Việt Trì, Phú Thọ. Ban điều hành được thành lập với những phân công cụ thể. Trưởng ban là anh Giuse Trần Ngọc Thuận ĐT: 0938.699.449. Tình nguyện viên giới thiệu giờ lễ và nhà thờ gần chỗ trọ cho thí sinh cầu nguyện vào chiều trước ngày thi. Sau khi thi xong môn cuối, sẽ tổ chức liên hoan chia tay, đưa thí sinh ra bến xe về nhà.
* Ở giáo phận Bắc Ninh, thí sinh chủ động đăng ký trực tiếp qua tin nhắn điện thoại và gọi lại để kiểm tra tên mình trong danh sách đăng ký. Liên hệ Lm. đặc trách Tomaso Nguyễn Văn Phùng ĐT: 0976.187.081, email: tomasophung@gmail.com. Anh chị sinh viên tình nguyện với kinh nghiệm đi trước tổ chức các chương trình sinh hoạt, cầu nguyện giúp các em ổn định tâm lý, tự tin hơn trước kỳ thi. Thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xin giấy xác nhận sẽ được giúp đỡ một phần chi phí.
* Năm 2014, cộng đoàn Sinh viên Công giáo Bùi Chu liên kết với các giáo phận, mở rộng quy mô “tiếp sức”. Ngoài 4 khu vực thi chính ở Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội và TP.HCM, giáo phận Bùi Chu còn có các sinh viên tình nguyện đón thí sinh vào dự thi ở Huế, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Thái Bình, Vĩnh Phúc… Liên hệ với anh Giuse Trần Văn Nghĩa ĐT: 0166.381.3496.

HOÀNG KIM LONG tổng hợp
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1963 ra ngày 27.06.2014, trang 14 và 15.

Cầu nguyện theo phương pháp Linh thao Thánh Inhaxiô



ĐƯỜNG VÀO PHƯƠNG PHÁP LINH THAO THEO THÁNH I - NHÃ

WGPSG -- Sáng Chúa nhật 22.6.2014, nhiều người đã đến nhà nguyện Đắc Lộ (quận 3 TP.HCM) thuộc cộng đoàn dòng Tên, tham dự buổi chia sẻ về phương pháp cầu nguyện, do Linh mục Antôn Phạm Trung Hưng, SJ, 44 tuổi, Tiến sĩ Thần học về Linh thao tại Tây Ban Nha, thuộc Tỉnh dòng Missouri, Hoa Kỳ.
Chia sẻ
Đầu tiên, linh mục hướng dẫn cộng đoàn nhắm mắt thinh lặng để hồi tâm. Gạt bỏ những lo toan bên ngoài để nhớ lại những câu Tin Mừng đánh động bản thân trong bài Phúc Âm mới nghe. Cái gì giúp mình cầu nguyện sốt sắng? Điều gì khiến mình khó cầu nguyện? Những bài Thánh ca có câu chữ nào, giai điệu nào ghi dấu ấn cho mình nhớ luôn? Khuôn mặt nào, hình ảnh nào được lưu lại khi mọi người ra về?
Linh mục mời cộng đoàn nối tiếp dòng suy nghĩ, thở đều và thả lỏng người, sử dụng các giác quan để cảm nhận cuộc sống. Hãy sờ vào bàn tay của chính mình để chạm được những nỗi đau buồn, đổ vỡ, gánh nặng gia đình hằn in trên đấy... Lắng đọng những ưu tư trong lòng và tâm tình với Chúa. Vai mệt mỏi hãy tựa vào và nghỉ ngơi trong Chúa, “Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng” (Mt 11,30). Khi để Lời Chúa thấm sâu vào lòng, tự hỏi Chúa muốn mời gọi mình điều gì? Tiếng nói đó không nằm trong đầu mà len lỏi vào tim, vào trong lòng mình. Thành thật trải lòng mình riêng với Chúa. Để rồi sau đó, không cảm thấy hối tiếc, không cảm thấy ân hận điều gì.
Khi chia trí trong Thánh lễ cũng là lúc cùng Chúa đi vào đời sống. Dâng lên Thiên Chúa cả cái đẹp, cái chưa đẹp của cuộc đời. Theo linh mục Antôn Phạm Trung Hưng, Thiên Chúa có mặt, Ngài len lỏi ngay cả trong giới tính, tình dục của các bạn trẻ. Mọi linh đạo đều bắt đầu từ ý thức rằng mình đang ở đâu, mình đang làm gì, mình muốn Chúa đồng hành. Cái tốt, cái hay, cái chưa tốt là cá vị của mình đối với Chúa. Đi nhà thờ hiệp dâng Thánh lễ là thể hiện quan hệ cá vị với Chúa Kitô. Nhà thờ là nơi con người tìm được sự bình an tâm hồn. Ý thức nghe tiếng Chúa yêu thương, gặp hình ảnh người Cha mời gọi mình bước đến trong phẩm vị là Con Thiên Chúa.
Nguyên lý nền tảng của linh thao có 3 điểm chính: 1. Dừng lại, thinh lặng bên trong, đánh động cá vị, thành thật bỏ hết những giác quan vui buồn. 2. Hồi tâm suy gẫm những việc mình đã làm, đã gặp. 3. Nhìn ra hình ảnh Thiên Chúa đang yêu thương mình. Từ đó, xác tín rằng: Chúa luôn đồng hành, luôn làm việc trong mọi sự của cuộc sống. Thánh I-nhã còn nhắc: Cần “Can đảm Quảng đại” khi linh thao. Can đảm làm những việc mà bình thường ta không dám làm. Quảng đại với chính bản thân mình để dám thay đổi, để hướng đến một tinh thần mới, trưởng thành trong Đức Tin.
Linh mục hướng dẫn còn giới thiệu những hình ảnh, những tình huống thực tế trong cuộc sống và trao đổi với cử tọa để giúp mọi người hiểu “Linh thao” theo phương pháp đơn giản là: “Sáng cầu nguyện dâng ngày. Cuối ngày ôn lại cuộc sống vui buồn vừa qua. Sắp xếp lại đời sống mình với Chúa là trọng tâm” mà tín hữu nào cũng có thể làm được.
Thánh lễ
Trước đó, vào lúc 7g30, cộng đoàn đã hiệp dâng Thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Linh mục Antôn Phạm Trung Hưng chủ tế. Đồng tế có linh mục Vinhsơn Đinh Trung Nghĩa và linh mục Giuse Ngô Chữ, SJ. thuộc Tỉnh dòng California.
Chia sẻ sau bài Tin Mừng, linh mục Antôn Phạm Trung Hưng giới thiệu hình ảnh bàn tay nói lên biểu tượng của con người. Từ bàn tay trẻ nhỏ, bàn tay nam thanh nữ tú, rồi tay mẹ chăm sóc con qua bao thăng trầm, tay cha chai cứng lao động nuôi con, cho đến tay cụ già nhăn nheo theo dòng thời gian... Nhìn vào bàn tay là nhìn vào chính con người, toát lên được cuộc sống thường ngày. Khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, người tín hữu đưa bàn tay nhận bánh đã hóa thân thành Mình Thánh Chúa Kitô, đáp lời “Amen” để xác tín rằng mình đang đón nhận Chúa vào lòng, khiến mình trở nên bàn tay và thân thể của Chúa Kitô. Qua đó, Chúa Kitô luôn tiếp tục sống động với cuộc đời. Ngài dẫn ta đi đến những nơi đang đau khổ, đưa tay giúp những thân thể khác, can đảm sờ vào và giúp người bé mọn, dám nắm lấy những bàn tay của người không có tiếng nói trong xã hội... Là thân thể của Chúa Kitô, chúng ta trở nên sự hiện diện sống động, đích thực của thân thể của Chúa Kitô trong xã hội hôm nay.
Trước khi bước vào phần hiệp lễ, linh mục chủ tế mời cộng đoàn nhắm mắt lại, dâng lên Thiên Chúa một lời nguyện trước khi trở về lại với đời sống thường ngày. Nhờ được thông hiệp với Mình Thánh Chúa Kitô, Người sẽ hướng dẫn đôi chân, bàn tay, cặp mắt, trái tim mỗi người tín hữu trở nên hình bóng Chúa Kitô trong gia đình, cộng đoàn và xã hội.
Xin Chúa cho tất cả những người đang đói khát được có cơm bánh và nước uống. Còn chúng con là những người sắp dùng bữa, xin cho chúng con được đói khát chính Ngài”.  Lời nguyện của người Tây Ban Nha được linh mục giảng thuyết chọn làm câu kết của bài chia sẻ Tin Mừng đã giúp mọi người cảm nhận được sự cần thiết kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, đặc biệt trong ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa.

VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN
i đăng trên Trang tin Điện tử Giáo phận TP.HCM ngày 26.06.2014.
http://www.tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20140625/26636

Hạt Tân Sơn Nhì TP.HCM học hỏi đề tài Gia đình 13.6.2014



GIÁO HẠT TÂN SƠN NHÌ, GIÁO PHẬN TP.HCM TĨNH HUẤN, HỌC HỎI VỀ ĐỀ TÀI GIA ĐÌNH

Khoảng 400 thành viên Hội đồng Mục vụ, ban điều hành hội đoàn của 18 giáo xứ trong hạt Tân Sơn Nhì đã về nhà thờ Tân Châu (quận Tân Bình, TP.HCM) dự buổi tĩnh huấn lần 2 của năm 2014, được tổ chức vào ngày 13.6.2014. Linh mục Giuse Maria Lê Quốc Thăng - phụ trách huấn đức giáo hạt đã chia sẻ đề tài “Gia đình: Chiếc nôi sự sống, Ngôi trường Đức Tin, nhân bản và tình yêu”.
Linh mục Giuse Maria đã phác họa về vai trò của gia đình là chiếc nôi của sự sống, giữ vai trò quan trọng và cần thiết trong sự phát triển của xã hội và Giáo hội. Trong cái nhìn đức tin, qua gia đình, con người được tham dự vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, gia đình đón nhận, bảo vệ sự sống do Thiên Chúa thông ban; phải giáo dục, ấp ủ và phát triển sự sống, bởi cha mẹ là thầy cô đầu đời, và gia đình là ngôi trường giáo dục Đức Tin, nhân cách, nhân bản.
Linh mục phụ trách huấn đức giáo hạt Tân Sơn Nhì cũng giải thích thêm về những thắc mắc liên quan đến gia đình hôn nhân bất hợp pháp, theo đó đối với Giáo hội thì gia đình vẫn là chiếc nôi để nuôi dưỡng giáo dục con cái, Giáo hội không loại trừ, mà yêu thương và nâng đỡ những “chiếc nôi không trọn vẹn” ấy... Ngài nhắc nhở các tham dự viên về việc trang bị cho đôi bạn trẻ kiến thức, hành trang bước vào đời sống hôn nhân, là trước hết cần giúp đôi hôn phối ý thức về việc sống trách nhiệm nhân bản trước, sau là đến trách nhiệm của người Kitô hữu trong gia đình Công giáo... Việc kết hôn giả để xuất cảnh cũng có nhiều hậu quả cần phải cảnh giác...
Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc cũng đã đến gặp gỡ các thành phần dân Chúa. Sau khi nghe trình bày về những sinh hoạt trong thời gian qua của giáo hạt, vị mục tử giáo phận khen giáo hạt “có nhiều nét tích cực”. Ngài nhắc lại đường lối Giáo hội Chúa Kitô ở Việt Nam phải là: Giáo hội của người nghèo, Giáo hội của muôn dân, Giáo hội loan báo Tin Mừng, Giáo hội hội nhập vào văn hóa Việt Nam… Người nghèo phải có tiếng nói vì là đối tượng được phục vụ, là chủ thể trong Giáo hội. Đức Tổng băn khoăn: Người nghèo có được kính trọng, được lắng nghe, được bầu vào Hội đồng Mục vụ giáo xứ không? Giáo hội cho người nghèo thì nếp sống giáo sĩ, giáo xứ không nên sang trọng quá; đừng xây dựng nhà thờ, nhà xứ to lớn... Vai trò giáo dân trong Giáo hội phải được nâng lên, làm chủ thể phục vụ và loan báo Tin Mừng. Giáo hội hướng đến, phục vụ và lắng nghe mọi người, kể cả những người chưa biết Chúa. Phải đối thoại với cả người xúc phạm đến Giáo hội Chúa, dù trong sự đau khổ vô vàn.
Theo Đức Tổng Giám mục, Giáo hội Việt Nam đã cố gắng nhiều nhưng chưa đủ. Cần mạnh dạn chuyển từ Giáo hội “bảo vệ, bảo trì” sang mục vụ dấn thân truyền giáo, đi ra khỏi cuộc sống ích kỷ để đến với vùng ven chưa có ánh sáng Lời Chúa... Giáo hội đưa Tin Mừng vào văn hóa Việt Nam, để thăng tiến những nét chưa đẹp trở nên đẹp hơn. Giáo hội không là hội từ thiện hay tổ chức phi chính phủ, mà hiện diện để phục vụ, để góp phần xây dựng xã hội. Vị đứng đầu giáo phận cũng chia sẻ thêm về việc cả linh mục, tu sĩ lẫn thành viên Hội đồng Mục vụ cần được đào tạo, thà ít số lượng mà có chất lượng...
Tiếp đó, cộng đoàn cùng hiệp dâng thánh lễ kính thánh Antôn Pađôva - bổn mạng giáo xứ Tân Châu. Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc chủ tế cùng 24 linh mục trong hạt. Trong phần chia sẻ sau Tin Mừng, vị mục tử giáo phận mong muốn giáo dân noi theo thánh Antôn thương yêu người nghèo, để nhân đức và hành vi tốt trong cuộc sống “lên tiếng” với mọi người. Mỗi tín hữu cần nuôi dưỡng và nêu gương sáng về tình yêu, sự trung thành, hợp nhất trong đời sống gia đình đầy tràn tình thương và chân lý. Có niềm vui của Chúa Thánh Thần, của Chúa Giêsu Phục sinh, mỗi gia đình sẽ vui tươi hạnh phúc, trở nên gia đình Kitô hữu tốt, làm chứng nhân cho niềm vui Tin Mừng, chiến thắng hận thù và sự chết. Ngài cũng nhắc nhở các linh mục, giáo dân lưu tâm về những sai lạc xâm nhập theo đường Internet làm tổn hại Đức Tin của dân Chúa.
Cuối thánh lễ, cộng đoàn đã hướng về lễ kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô để chúc mừng bổn mạng Đức Tổng Giám mục. Buổi gặp gỡ khép lại bằng bữa trưa trong tình huynh đệ.
Giáo hạt Tân Sơn Nhì tách từ hạt Chí Hòa năm 1978. Hiện có 18 giáo xứ ở ba quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Giáo hạt có 35 linh mục, 114.640 giáo dân, chưa kể khoảng 25.000 di dân Công giáo, trên dân số 1,5 triệu người, chiếm tỷ lệ 9,08%. Hạt có 27 cơ sở dòng tu; 2 giáo điểm truyền giáo; 5 trường tình thương với 26 lớp dạy tiểu học; 6 lớp hướng nghiệp miễn phí cho trẻ nghèo. Có 3 phòng khám bệnh từ thiện, một phòng tư vấn bệnh nhân nhiễm HIV, một giếng nước tình nghĩa cung cấp 40m3/ngày cho người nhập cư. Khoảng 6 năm trước, khi linh mục Gioan Baotixita Đoàn Vĩnh Phúc là hạt trưởng, Giáo hạt Tân Sơn Nhì đã tổ chức bốn đợt tĩnh huấn trong năm cho các thành viên hoạt động giáo xứ. Truyền thống này vẫn được linh mục hạt trưởng Phanxicô Assisi Lê Quang Đăng tiếp nối.

VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1962 ra ngày 20.06.2014, trang 18 và 19.

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Cầu nguyện và chia sẻ với người bị tai nạn ở Thái Lan



Cầu nguyện và chia sẻ với các gia đình có người thân tử nạn tại Thái Lan

Trong những ngày đầu tháng 6.2014, tại Việt Nam, giáo xứ Đaminh (quận Phú Nhuận, giáo phận TP.HCM), dòng Đa Minh Việt Nam và giáo phận Vinh đã dâng thánh lễ cầu nguyện cho những người tử nạn vì tai nạn giao thông tại Thái Lan, trong số đó có một linh mục dòng Đa Minh và 11 tín hữu giáo phận Vinh.
Vào rạng sáng ngày 2.6.2014, một chiếc xe chạy bằng gas trong đoàn đã đâm vào xe tải, gây cháy nổ và làm thiệt mạng 13 người. Các nạn nhân đang trên đường tới nhà thờ Tổng Lãnh Thiên thần Micae ở Nong Bua Lam Phu dự Đại hội Giới trẻ Công giáo Việt Nam ở Thái Lan lần thứ IV.
Trước nỗi đau thương này, giáo xứ Đaminh (quận Phú Nhuận TP.HCM) dành riêng các thánh lễ Chúa nhật 8.6.2014, để cầu nguyện và tiếp nhận sự chia sẻ của cộng đoàn. Đặc biệt, thánh lễ đồng tế dành cho giới trẻ vào lúc 19 giờ với chủ tế là linh mục Micae Nguyễn Văn Bắc - Bề trên tu viện Alberto, Chánh xứ Đaminh cùng với các linh mục Gioan Baotixita Phạm Quang Long - Giám đốc trụ sở giáo phận Vinh tại TP.HCM và linh mục Tôma Võ Minh Danh, linh mục Phanxicô Xaviê Trần Kim Ngọc, đã mời gọi mọi người thể hiện tình tương thân tương ái, nâng đỡ và ủi an các gia đình nạn nhân. Trước khi kết thúc thánh lễ, linh mục Micae Nguyễn Văn Bắc cho biết: thi thể của các nạn nhân bị cháy rụi không thể nhận diện nên phải xét nghiệm ADN trước khi làm thủ tục đưa về Việt Nam chôn cất. Các nạn nhân là công nhân Việt Nam, xuất thân từ những gia đình nghèo ở Nghệ An, Hà Tĩnh (giáo phận Vinh) đi tìm kế sinh nhai nơi đất khách. Cước phí vận chuyển mỗi thi thể về Việt Nam an táng hơn 42 triệu đồng. Trong tinh thần bác ái Kitô giáo, người tín hữu không chỉ cảm thương mà cần làm một việc cụ thể: cầu nguyện và rộng tay chia sẻ để an ủi các gia đình nạn nhân và phần nào giúp lo tang lễ.
Chiều 6.6.2014, 8 linh mục cùng khóa đã thay mặt cho Tỉnh dòng Đaminh Việt Nam, về giáo xứ Xuân Bắc (giáo phận Xuân Lộc) cử hành thánh lễ cầu nguyện và chia buồn với gia đình linh mục Giacôbê Vũ Văn Hanh. Sáng cùng ngày, linh mục Bề trên Giám tỉnh Giuse Ngô Sĩ Đình đã đến thăm tang quyến. Ngài trao hai lá thư hiệp thông chia buồn của Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Kriengsak Kovithvanij - Tổng Giáo phận Bangkok và Đức Tổng Giám mục Louis Chamnian Santisuknaran - Tổng Giáo phận Tharae-Nongsaeng gửi đến Tỉnh dòng Đaminh Việt Nam và gia đình nạn nhân.
Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp - giáo phận Vinh khi nhận được tin này đã kêu gọi mọi người hiệp ý cầu nguyện, cũng như chia sẻ mất mát to lớn với gia đình các nạn nhân. Giáo phận Vinh có thư hiệp thông, dâng thánh lễ cầu nguyện cho các nạn nhân lúc 8 giờ sáng Chúa nhật 8.6.2014 tại nhà thờ Chánh tòa Xã Đoài.
Trước đó, vào sáng ngày 5.6.2014, linh mục Bênađô Trần Xuân Thùy - Quản lý Tòa Giám mục Vinh cùng các linh mục, nữ tu trong Ban Caritas giáo phận đã đến giáo xứ Phú Linh, Quan Lãng, Yên Lạc (Nghệ An) và Đông Cường (Hà Tĩnh), thắp hương cầu nguyện cho các nạn nhân, đồng thời thăm hỏi động viên thân nhân.
Sáng ngày 7.6.2014, sau khi dâng lễ tại Nhà nguyện Phòng khám đa khoa Tòa Giám mục Xã Đoài, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã tới thăm anh Nguyễn Hữu Minh (26 tuổi, thuộc giáo xứ Lưu Mỹ) - một trong ba nạn nhân sống sót trong tai nạn xe ở Thái Lan. Anh Minh bị thương nặng, gãy cả hai chân.

VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1961 ra ngày 13.06.2014, trang 17.

Công giáo Việt Nam 5 Châu tháng 5.2014





CÔNG GIÁO VIỆT NAM NĂM CHÂU

* Ngày 15.4.2014, Đức Tổng Giám mục Gregory M. Aymond của Tổng giáo phận New Orleans (Hoa Kỳ) công bố thành lập hai giáo xứ thể nhân cho giáo đoàn Công giáo Việt Nam: Giáo xứ Thánh Giuse (Woodlawn) do linh mục Jos. Trần Đình Thắng làm chánh xứ; Giáo xứ Đức Mẹ Lên Trời (Avondale) do linh mục P. Nguyễn Thanh Hoài làm chánh xứ với nhiệm kỳ 6 năm. Hiện nay, giáo đoàn Công giáo Việt Nam tại New Orleans có 4 giáo xứ (Lm. Phaolô Nguyễn Văn Tùng, vietcatholic.net)
* 48 thành viên Hội đồng Trung ương Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tham dự cuộc họp thường niên từ ngày 30.4 đến 4.5.2014 tại giáo xứ Đức Mẹ Việt Nam (Tổng giáo phận Atlanta). Hội đồng đã thông qua tường trình sinh hoạt và nhu cầu của 8 Miền trên toàn Hoa Kỳ, nhận xét và lượng giá các sinh hoạt của phong trào. Hội đồng đã bầu Ban Thường vụ nhiệm kỳ 2014 - 2018, lên chương trình dài hạn 10 năm sắp tới, phát động chiến dịch gây quỹ mua trụ sở... Hiện nay tại Hoa Kỳ có 126 đoàn với trên 20.000 thanh thiếu nhi và 1.500 Huynh trưởng gốc Việt. (Giuse Đặng Văn Kiếm, liendoanconggiao.net)
* Phong trào Liên đới Nghề nghiệp của giáo xứ Việt Nam Paris (Pháp) cử hành Đại Hội lần thứ 15 và mừng lễ Thánh Giuse Thợ bổn mạng vào trưa 1.5.2014. Năm ngành Chuyên gia, Dịch vụ, Doanh thương, Taxi, Xây dựng của Phong trào Liên đới báo cáo về sinh hoạt các năm qua. Tuy lo công việc làm ăn, nhưng các thành viên vẫn gặp gỡ thường kỳ, gây quỹ bác ái và giúp giáo xứ trong những việc chung. (Đinh Đức Huy-Trần Văn Cảnh, giaoxuvnparis.org)
* Người Việt và 12 sắc tộc Châu Á - Thái Bình Dương cùng dự ngày hành hương Đức Mẹ lần thứ XII tại Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm ở thủ đô Washington D.C (Hoa Kỳ) vào trưa 10.5.2014. Mỗi sắc dân trong y phục dân tộc đã kiệu Đức Mẹ của từng nước và lần chuỗi Mân Côi. Phần đầu kinh Kính Mừng được xướng lên bằng ngôn ngữ mỗi nước. Đoạn sau mọi người đọc chung bằng tiếng Anh. Kết thúc là thánh lễ đa ngôn ngữ do Đức Giám mục Martin D. Holley - Phụ tá Tổng giáo phận Washington chủ tế. (Lm. F.X. Nguyễn Thanh Bình, tinmung.net)
* Tối 10.5.2014, hơn 600 người Công giáo Việt Nam trong Tổng giáo phận Toronto (Canada) dự tiệc mừng Ngày Hiền mẫu và gây quỹ giúp chủng sinh Việt Nam sang tu học tại Đại Chủng viện St. Augustine’s Semianry of Toronto. Năm 2014 sẽ có thêm hai thầy sang Canada du học. (Tín Hữu Trần, vietcatholic.net)
* Nhân Ngày của Mẹ, 11.5.2014, khoảng 4.000 người không phân biệt lương giáo đã về Trung tâm Hành hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney (Úc) dự Ngày Thánh Mẫu với chủ đề “Maria Nữ Vương gia đình”. Đức Giám mục Michael Mc Kenna giáo phận Bathurst xông hương tượng Đức Mẹ, cung nghinh kiệu về lễ đài và cùng mọi người dâng lên Mẹ những bông hoa, xin Mẹ chúc lành cho quê hương Việt Nam, cho gia đình và cộng đồng. (Diệp Hải Dung, vietcatholicsydney.net)
* Sáng Chúa nhật Chúa Chiên Lành 11.5.2014, tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng Phanxicô phong chức linh mục cho 13 phó tế. Trong đó có một thầy Việt Nam thuộc giáo phận Vinh là Phaolô Nguyễn Thiên Tạo. Các vị còn lại gồm năm người Ý và người Đức, Chilê, Vênêzuêla, Brazil, Ecuador, Hàn Quốc cùng một tu sĩ dòng Augustinô người Pakistan. (Linh Tiến Khải, vi.radiovaticana.va)
* 7.000 giáo dân Việt Nam tại Đức, Hòa Lan, Bỉ, Anh, Pháp, Luxemburg... quy tụ về hành hương Đức Mẹ tại thánh địa Banneux năm thứ 5 liên tiếp. Trên đường kiệu, tượng Mẹ được đặt quay lại, nhìn về đoàn con đang đi rước. Vì ngày 18.1.1933, Đức Mẹ hiện ra với cô bé Mariette Beco thì Mẹ luôn đi thụt lùi mỉm cười và vẫy em đi theo. Sau thánh lễ đồng tế, cộng đoàn viếng đường Thánh giá và hôn kính xương Thánh Tử Đạo Việt Nam. (Thanh Sơn, danchua.eu)
* Ngày 12.5.2014, Đức Hồng y Donald Wuerl - Tổng Giám mục giáo phận Washington (Hoa Kỳ) ký văn thư bổ nhiệm linh mục Phaolô Trần Xuân Tâm làm chánh xứ giáo xứ Mẹ Việt Nam với nhiệm kỳ 6 năm. (olvn-dc.org)
* Ðại hội Giới trẻ Công giáo Việt Nam tại Pháp được tổ chức từ ngày 08 đến 11.5.2014 tại tu viện Saint-Pierre với chủ đề “Tôi tin và hành Đạo”. Hơn 90 bạn trẻ tham dự, đến từ nhiều vùng khác nhau trên toàn nước Pháp. Ngoài sinh hoạt giao lưu, các bạn còn được học hỏi Lời Chúa, tìm hiểu về giáo huấn của Giáo hội, thảo luận và chia sẻ về đời sống Đức Tin. (Lm. Vũ Thái Hòa, baoconggiao.com)
* Trong suốt tháng 5 và 6 năm 2014, các cộng đoàn Việt Nam tại Melbourne (Úc) sẽ lần lượt đón tượng Đức Mẹ La Vang đến viếng thăm. Tượng Đức Mẹ do Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tặng cho nước Úc và được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II làm phép. (Tô Tịnh, smmparish.net)
* Ngày 3.5.2014, Đức Tổng Giám mục Joseph W. Tobin, CSsR truyền chức linh mục cho ba tu sĩ dòng Chúa Cứu thế là Đaminh Vũ Bá Cường, Giuse Lê Minh Ruy và Giuse Nguyễn Minh Quang... Trưa 17.5.2014, Đức Tổng Giám mục Leonard P. Blair đã chủ sự thánh lễ phong chức linh mục cho 7 phó tế tại nhà thờ chánh tòa Thánh Giuse thuộc Tổng giáo phận Hartford (tiểu bang Connecticut, Hoa Kỳ). Trong đó có một tân chức gốc Việt là Phêrô Anrê Mai Đình Anh Tuấn... Đức Giám mục Vinhsơn Nguyễn Minh Hiếu - Phụ tá Tổng giáo phận Toronto (Canada) truyền chức phó tế cho chủng sinh Giuse Nguyễn Quang Diệu. Thánh lễ tổ chức bằng tiếng Việt tại giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam vào chiều 3.5.2014. Tân phó tế được giáo phận Toronto bảo lãnh đi du học trong chương trình đào tạo năm năm tại Đại Chủng viện St. Augustine’s Semianry of Toronto. (Hoàng Tuấn)

HOÀNG KIM LONG góp nhặt
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1961 ra ngày 13.06.2014, trang 13.

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Ủy Ban Đoànkết Công giáo TP.HCM nguyện cầu quốc thái dân an 4.6.2014



ỦY BAN ĐOÀN KẾT CÔNG GIÁO TP.HCM HƯỚNG VỀ BIỂN ĐÔNG

Hưởng ứng Thư kêu gọi của Ủy Ban Đoàn kết Công giáo TP.HCM về việc chung tay bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, đông đảo thành viên, ủy viên từ các quận, huyện đã về nhà thờ Tân Hương (quận Tân Phú TP.HCM) hiệp dâng thánh lễ cầu cho quốc thái dân an vào chiều ngày 4.6.2014, cùng cộng đoàn giáo dân giáo xứ Tân Hương .
Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã đến chủ tế thánh lễ. Cùng đồng tế có 12 linh mục, trong đó có các linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh - Chủ tịch; ba Phó Chủ tịch là linh mục Phêrô Phan Khắc Từ, linh mục Phanxicô Assisi Lê Quang Đăng, linh mục Antôn Nguyễn Đình Thục; hai ủy viên là linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Hùng Oánh và linh mục Antôn Lê Ngọc Tỉnh.
Trong lời nói đầu lễ và lập lại lần nữa trước khi kết thúc thánh lễ, Đức Tổng Giám mục cho biết ngài hiện diện trong buổi sinh hoạt này của UBĐKCG là do tình yêu của Chúa Kitô thúc bách mình, và đây là lần thứ hai ngài dâng lễ cầu cho hòa bình trước đông đảo thành phần tín hữu, sau thánh lễ tại nhà thờ Chánh tòa.
Trong bài giảng lễ, Đức Tổng Giám mục đề cập đến hình ảnh đoàn chiên còn đang trên con đường lữ hành ở trần gian và con đường lữ hành này luôn gắn liền với một tổ quốc nên phải thể hiện lòng yêu mến tổ quốc một cách tự nhiên. Vị mục tử giáo phận cũng cho rằng cầu nguyện cho quốc thái dân an cũng là cầu cho hòa bình, tôn trọng chủ quyền quốc gia; cầu nguyện cho mọi người công nhận sự thật và tôn trọng công lý. Đức Tổng Giám mục mong mọi người Việt Nam xây dựng lòng tin tưởng vào nhau, cộng tác với nhau để bảo vệ quê hương, đất nước. Theo gương Thánh Phaolô xưa, ngài mời gọi cộng đoàn giúp đỡ những người đang gặp hoạn nạn. Ngài phó thác Giáo hội và quê hương Việt Nam cho Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót.
Trong lời nguyện tín hữu, đại diện các thành phần dân Chúa đã nêu lên những tâm tình cụ thể cầu xin Thiên Chúa cho Chính quyền Trung Quốc biết tôn trọng và chấp hành các hiệp ước quốc tế, các nguyên tắc ứng xử trên biển Đông nhằm hạ giảm nguy cơ đưa đến xung đột; cầu Chúa ban cho quê hương được hưởng nền hòa bình đích thực trong sự khoan dung, lòng thương xót và tình yêu; cầu xin đừng bao giờ xảy ra chiến tranh; mời gọi người Công giáo biểu lộ lòng ái quốc bằng chuyên cần hy sinh, cầu nguyện cho đất nước, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ tổ quốc, sẵn sàng đáp lại lời mời gọi cứu nước.
Sau khi rước lễ, cộng đoàn thinh lặng cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể. Một lần nữa, vị hướng dẫn nêu lên tâm tình kêu gọi người Công giáo quan tâm đến tình hình nghiêm trọng của đất nước nhưng cần phải biểu lộ đúng mức tinh thần ái quốc và biết quan tâm đến những anh em xung quanh.
Trong thánh lễ, ca đoàn giáo xứ Tân Hương cũng đã giúp cộng đoàn cầu nguyện  với các bài thánh ca “Kinh hòa bình” và “Nữ vương hòa bình”.

NGUYỄN DIỄM LỆ
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1960 ra ngày 06.06.2014, trang 19.

Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP. Hà Nội giao lưu UBĐKCG TP.HCM



ỦY BAN ĐOÀN KẾT CÔNG GIÁO TP. HÀ NỘI giao lưu với UBĐKCG TP.HCM
Phái đoàn UBĐKCG TP. Hà Nội gồm 11 người, do linh mục Antôn Dương Phú Oanh - Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội làm trưởng đoàn, trong hai ngày 2 và 3.6.2014 đã giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động với UBĐKCG TP.HCM.
Chiều 2.6.2014, đoàn đi tham quan địa đạo Củ Chi, thăm hai cơ sở chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Thiên Phước ở Củ Chi và quận 12. Đầu giờ chiều ngày 3.6.2014, đoàn đến thăm Tòa Tổng Giám mục TP.HCM.
Cũng chiều 3.6, phái đoàn đã giao lưu với Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP.HCM. Tiếp đoàn có linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh - Chủ tịch; ba Phó Chủ tịch là linh mục Phêrô Phan Khắc Từ, linh mục Antôn Nguyễn Đình Thục và ông Gioan Baotixita Nguyễn Văn Phước cùng một số thành viên Ban Thường trực UBĐKCG TP.HCM. Hai bên đã thông tin về tình hình văn hóa, kinh tế, xã hội của mỗi địa phương, cùng trao đổi mối quan tâm trong việc vận động đồng bào Công giáo tham gia vào các lĩnh vực từ thiện, giáo dục, y tế, cũng như tham gia các phong trào, sinh hoạt xã hội…
Trong buổi giao lưu, linh mục Antôn Dương Phú Oanh đã chia sẻ cảm nhận về sự phát triển của TP.HCM trong những lãnh vực kinh tế-xã hội, bầu khí Đạo-Đời chan hòa, về sự hiệp thông gần gũi giữa mục tử và giáo dân trong giáo phận TP.HCM.
Vào tối 3.6, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đã tiếp Đoàn UBĐKCG TP. Hà Nội.
Sáng ngày 4.6.2014, phái đoàn UBĐKCG TP. Hà Nội rời TP.HCM đến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sinh hoạt với UBĐKCG TP.Cần Thơ.

HOÀNG KIM LONG
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1960 ra ngày 06.06.2014, trang 19.

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần 48, năm 2014



 NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI LẦN THỨ 48
Lần đầu tiên, bốn giáo phận TP.HCM, Phú Cường, Mỹ Tho và Ban Mê Thuột cùng cử hành Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội vào sáng ngày 31.5.2014 tại Trung tâm Mục vụ giáo phận TP.HCM với chủ đề “Truyền thông phục vụ nền văn hóa gặp gỡ đích thực”. Chủ sự là Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước - Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Xã hội của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Các thành viên Mục vụ Truyền thông của bốn giáo phận đã tham gia sinh hoạt giao lưu, học hỏi và tuyên hứa dấn thân.
Từng giáo phận đã chia sẻ những hoạt động của Ban Mục vụ Truyền thông. Trong năm qua, tại giáo phận TP.HCM có hơn 300 người của 14 giáo hạt tham gia vào Ban Mục vụ Truyền thông. Tại các giáo hạt, các thành viên đã họp mỗi tháng để học linh đạo, tĩnh tâm,… Ban Mục vụ Truyền thông làm nhật tác để suy niệm Lời Chúa, mỗi tháng có bài viết nguyệt tác qua nội dung suy tư, tường thuật về hoạt động của cộng đoàn giáo xứ, gửi đăng trang thông tin điện tử giáo phận. Ban Mục vụ Truyền thông giáo phận TP.HCM đã duy trì dâng thánh lễ tối thứ ba đầu tháng tại Trung tâm Mục vụ, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống với các thành viên.
Ban Mục vụ Truyền thông giáo phận Mỹ Tho khởi đầu với 63 thành viên ở 6 giáo hạt trong 3 tỉnh; các thành viên được huấn luyện, học hỏi chuyên môn kỹ thuật, họp linh đạo mỗi tháng.
Giáo phận Phú Cường mới thành lập Ban Mục vụ Truyền thông được ba tháng nay. Các thành viên trong 7 giáo hạt đã có được 697 bài nhật tác, 307 nguyệt tác và 15 nguyệt ký ghi nhận sinh hoạt trong giáo phận.
Nhân buổi sinh hoạt, Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã nói chuyện với các thành viên về Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 48 của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Theo Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Sứ điệp này chất chứa đầy tinh thần lạc quan. Sứ điệp không phủ nhận điều xấu trong cuộc sống, mà xem như thách đố để phát triển; để phục vụ tình yêu, hiệp thông và sự liên đới. Sứ điệp đã nhắc tới câu chuyện người Samari nhân hậu và việc Chúa Kitô Phục sinh đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus là hình ảnh sống động và cần thiết để gợi ý suy nghĩ cho con người thời hiện đại của internet.
Với câu hỏi: Liệu có khi nào Truyền thông đóng vai kẻ cướp không?. Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm cho rằng: Truyền thông có thể cướp đi phẩm giá, khi hàng triệu người xem phim khiêu dâm, dẫn đến nghiện lối sống buông thả. Truyền thông có thể cướp đi sự thật, khi bị thế lực và tiền của dẫn dắt, che dấu sự thật, gieo rắc gian dối. Truyền thông có thể cướp đi mạng sống, khi nhiều bạn trẻ bị biến thành trò cười trên trang mạng xã hội, có người phải tự tử, có người sống dở chết dở, suốt đời mang mặc cảm tự ti… Đức Giám mục nhắn nhủ: Mỗi khi bước vào trang mạng phải đóng vai trò chủ thể tích cực. Đừng bao giờ để mình thành kẻ cướp, hay trở nên nạn nhân của kẻ cướp.
Ngài đưa ra hình ảnh người Samari nhân hậu để nói lên sự khác biệt giữa “Thấy” và “Gặp”. Hàng ngày, ta thấy biết bao người nhưng không có cuộc tiếp xúc nào. “Lướt web” trên internet với bao hình ảnh và thông tin nhưng dửng dưng, xa lạ, hời hợt. Qua Sứ điệp, Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng đã nhắc Truyền thông phải phục vụ nền văn hóa gặp gỡ đích thực. Theo Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Truyền thông muốn bước vào việc xây dựng nền văn hóa sự sống thì cần có “đồng cảm, lắng nghe và chia sẻ”. Đồng cảm đặt mình vào trạng thái người khác. Lắng nghe tâm trạng buồn đau và thất vọng. Chia sẻ và nỗ lực giúp tha nhân vượt qua khó khăn. Đức Giám mục còn đề nghị người làm truyền thông cần có cuốn Phúc Âm bỏ túi bên mình, để lúc nào cũng có Lời Chúa đồng hành, soi sáng cho chọn lựa, hành động của mình.
Sau bài nói chuyện của Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, thánh lễ kính Chúa Lên Trời, mừng bổn mạng Ban Mục vụ Truyền thông các giáo phận TP.HCM, Phú Cường và Mỹ Tho được Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước chủ tế. Cùng đồng tế có một số linh mục hạt trưởng, linh mục đồng hành Mục vụ Truyền thông giáo hạt, giáo phận.
Trong bài giảng lễ, Đức Giám mục Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Xã hội mong muốn mỗi người kiến tạo sự hiệp thông với Chúa, gần gũi với đồng loại trong tình yêu và sẵn sàng trở thành người thân cận trong sự quảng đại, yêu thương. Mỗi người được Chúa trao sứ mạng loan báo Tin Mừng, mời gọi tiếp nối công cuộc truyền thông và xây dựng một nền văn hóa tình thương cứu độ thấm vào đời sống xã hội… Dịp này, các thành viên hoạt động truyền thông của bốn giáo phận đã lập lại lời tuyên hứa dấn thân truyền thông trong tư cách là những Kitô hữu trưởng thành.
Sau thánh lễ, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã đến gặp gỡ các thành viên và nhắn nhủ: Bản thân mỗi người phải Phúc Âm hóa đời sống, đưa ánh sáng chân lý, tình yêu và bình an của Lời Chúa vào cuộc sống. Mỗi thành viên Truyền thông cần sống với tinh thần 6 T: “trung thực, thân thiện, thanh thản”, nếu không sẽ gặp 2T tệ hại là “tiêu tùng”.
Đến với buổi cử hành Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội, Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc chỉ truyền đạt một tâm tình: “Muốn làm truyền thông phải cười thật tươi, phát xuất từ tấm lòng đầy niềm vui, đầy Chúa Thánh Thần. Hãy hướng đến người nghèo, người bé mọn, người cần được nâng đỡ…”.
Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước - Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Xã hội cũng đã trao phương tiện hoạt động cho Ban Mục vụ Truyền thông các giáo phận, trao hành trang sinh hoạt cho các thành viên giáo hạt trước khi ban phép lành bế mạc.

* Trước đó, vào Chúa nhật 25.5.2014, lần đầu tiên giáo phận Xuân Lộc đã tổ chức Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội tại Tòa Giám mục. Đức Giám mục Chính tòa Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Đức Giám mục Phụ tá Giuse Đinh Đức Đạo, linh mục Giuse Vũ Hữu Hiền - Tổng Thư ký Ủy ban Truyền thông Xã hội của Hội đồng Giám mục Việt Nam, linh mục Quản hạt Xuân Lộc - Trưởng Ban Truyền thông giáo phận, các linh mục phụ trách truyền thông 12 giáo hạt, tu sĩ phụ trách truyền thông dòng tu và gần 300 thành viên tham dự.
Đức Giám mục Phụ tá Xuân Lộc chia sẻ Sứ điệp “Truyền thông phục vụ một nền văn hóa gặp gỡ đích thực của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Theo ngài, ngày nay người ta gặp nhau rất nhiều nhưng có khi vô tình gặp rồi lại đi, gặp để cố gắng lợi dụng nhau, đánh lừa nhau, gặp nhau lại đấm đá nhau, như thế không phải là gặp gỡ. Truyền thông phải biến đổi những cuộc gặp đó trở thành gặp gỡ đích thực… Người làm công việc truyền thông không được đánh mất lương tâm, và phải truyền đạt cho tín hữu và cả anh chị em khác sự xác tín là: Nơi lương tâm chúng ta được gặp gỡ Thiên Chúa.
Giáo phận Xuân Lộc cũng tổng kết hoạt động của Ban Truyền thông trong năm qua, công bố Ban Mục vụ Truyền thông các giáo hạt và mời gọi sự cộng tác của các giáo dân.

VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1960 ra ngày 06.06.2014, trang 17 và 27.

50năm Tỉnh dòng Chúa Cứu thế Việt Nam (27.5.1964 - 2014)




50 NĂM THÀNH LẬP TỈNH DÒNG CHÚA CỨU THẾ VIỆT NAM
Chiều 27.5.2014, tại đền Đức Mẹ Hằng Cứu giúp (quận 3 TP.HCM), dòng Chúa Cứu thế Việt Nam mừng kỷ niệm 50 năm được nâng lên thành Tỉnh dòng (27.5.1964 - 27.5.2014). Thánh lễ tạ ơn do Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc chủ tế.
Cùng đồng tế có Đức Giám mục Cần Thơ Stêphanô Tri Bửu Thiên, Đức Giám mục Đà Nẵng Giuse Châu Ngọc Tri, Đức Giám mục Phụ tá Xuân Lộc Giuse Đinh Đức Đạo, Đức Giám mục hưu Phêrô Trần Đình Tứ, Đan Viện phụ Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương Gioan Maria Vianney Nguyễn Tri Phương, linh mục Bề trên Giám tỉnh Vinhsơn Phạm Trung Thành và hơn 100 linh mục. Ngoài ra còn có sự hiện diện của linh mục Bề trên Giám tỉnh và linh mục quản lý Tỉnh dòng Chúa Cứu thế Thánh Anna (Canada). Trong thánh lễ cũng mừng một số tu sĩ 80 tuổi, 70 tuổi, linh mục 60 năm và 50 năm thụ phong linh mục.
Các tu sĩ Chúa Cứu thế đã đặt chân lên đất Việt Nam gần 90 năm trước. Năm 1924, Giáo hội Việt Nam xin Tòa Thánh Vatican gởi đến một dòng tu chuyên giảng tĩnh tâm cho giáo sĩ, giảng đại phúc và củng cố lòng tin tín hữu. Thánh Bộ Truyền giáo đã ngỏ lời với Trung ương dòng Chúa Cứu thế. Tỉnh dòng Thánh Anna de Beaupré ở Quebec, Canada đáp lại lời gọi từ Trung ương dòng, ngày 14.10.1925 gửi nhóm thừa sai đầu tiên ba người, gồm linh mục Hubert Cousineau, linh mục Eugène Larouche và thầy trợ sĩ Thomas St. Pierre đến Huế. Các thừa sai kế tiếp đến Hà Nội, Đà Lạt, Sài Gòn, Nha Trang, …, nhanh chóng học tiếng Việt và đảm nhận ngay công việc mục vụ, xây dựng tu viện, khởi sự đào tạo các tu sĩ tương lai. Trong 40 năm đầu, Tỉnh dòng Thánh Anna đã gởi 67 thừa sai đến Việt Nam.
Trải qua chặng đường dài, nhà dòng phát triển lần lượt từ một Sứ vụ (Mission), đến Miền (Region), rồi Phụ tỉnh (Vice province) và trở thành Tỉnh (Province) dòng Chúa Cứu thế Việt Nam vào ngày 27.5.1964. Nghị định thành lập Tỉnh dòng thứ 34 do linh mục Guillaume Gaudreau - Bề trên Tổng quyền ấn ký. Linh mục Phanxicô Xaviê Trần Tử Nhãn làm Bề trên Giám tỉnh tiên khởi.
Tu sĩ dòng Chúa Cứu thế loan báo Tin Mừng cho những người nghèo bị bỏ rơi qua các hoạt động thừa sai: Truyền giáo; Giảng đại phúc và tĩnh tâm; Quan tâm chăm sóc người nghèo, bị bỏ rơi, người khuyết tật,...; Nghiên cứu Thần học Luân lý và Mục vụ Giải tội; Cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu giúp; Mục vụ truyền thông;...
Hiện nay, Tỉnh dòng Chúa Cứu thế Việt Nam có 318 tu sĩ, gồm 191 linh mục, 20 phó tế, 31 thầy Trợ sĩ và 77 thầy Học viện. Tỉnh dòng có 22 cộng đoàn, phục vụ tại 20 giáo phận trong cả nước. Tỉnh dòng có nhiều sinh hoạt thu hút giáo dân và tìm nhiều phương thế để đến với lương dân.
Trong tinh thần mừng 50 năm thành lập Tỉnh dòng, trong năm 2013, nhà dòng cũng đã mừng  80 năm thành lập tu viện dòng Chúa Cứu thế Sài Gòn; 60 năm dâng hiến đền thờ và 50 năm thành lập giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu giúp ở Sài Gòn; 50 năm thành lập tu viện tại Châu Ổ (Quảng Ngãi). Tháng 10.2013, linh mục Michael Brehl - Bề trên Tổng quyền dòng Chúa Cứu thế, linh mục Pedro Fernandes - Tổng Cố vấn Trung ương, linh mục Ben Ma - Điều phối viên vùng Á-Úc, linh mục Apisit - Giám tỉnh dòng Chúa Cứu thế Thái Lan đã đến kinh lược Việt Nam, thăm và làm việc với từng cộng đoàn Chúa Cứu thế ở các giáo phận TP.HCM, Hà Nội, Đà Lạt, Kon Tum, …

NGUYỄN DIỄM LỆ
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1959 ra ngày 30.05.2014, trang 17.

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Giáo lý viên Hôn nhân Gia đình TP.HCM gặp gỡ 24.5.2014



GIÁO LÝ VIÊN HÔN NHÂN GIA ĐÌNH TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM
Sáng 24.5.2014, Tiểu ban Giáo lý Hôn nhân Gia đình thuộc Ban Mục vụ Giáo lý giáo phận TP.HCM tổ chức buổi trao đổi kinh nghiệm với các giáo lý viên tại Trung tâm Mục vụ. Nhiều người đang phụ trách hướng dẫn giáo lý cho các đôi bạn sắp kết hôn trong một số giáo xứ đã đến tham dự. Đây là một hoạt động của Ban Mục vụ Giáo lý giáo phận trong năm Tân Phúc Âm hóa Gia đình.
Các tham dự viên được chia làm 9 tổ để dễ làm quen, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy. Cuộc trao đổi cho thấy số đôi bạn cùng Công giáo lập gia đình ngày càng ít, mà tăng thêm số đôi khác đạo, xin làm phép chuẩn; sau lớp giáo lý Thêm Sức, học viên chỉ học thêm khóa Giáo lý Hôn nhân để lập gia đình; nhiều giáo xứ không có lớp Vào đời, thiếu mảng hướng dẫn trước Hôn nhân... Nhiều giáo lý viên cũng than phiền rằng ở các lớp Giáo lý Hôn nhân, tuy có nhiều giảng viên đến dạy, nhưng lại thiếu người đồng hành với lớp thường xuyên.
Bên cạnh những ưu tư, cũng có những dấu hiệu tích cực trong việc dạy giáo lý Hôn nhân. Có giáo xứ đã kết hợp với Legio Mariae thường xuyên thăm viếng, nâng đỡ các đôi mới cưới. Có giáo xứ gặp gỡ các tân tòng, các lớp Giáo lý Hôn nhân cũ và mới để giúp nhau trong đời sống Đức Tin. Có giáo xứ thấy lớp học đông, trình độ văn hóa, hoàn cảnh khác nhau nên đã chia nhỏ sĩ số để dễ tiếp thu…
Từ những trao đổi, nhiều hướng dẫn viên giáo lý cho thấy cần mở lớp hậu Hôn nhân để cộng đoàn đi với các bạn trong 5 năm sau đó, quan tâm đời sống cầu nguyện và thực hành Lời Chúa trong gia đình. Các giáo lý viên cũng mong muốn có những buổi học hỏi, tập huấn để nâng cao hiểu biết, trau dồi kinh nghiệm để đạt hiệu quả nhiều hơn.
Đúc kết các ý kiến đóng góp, linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền - Trưởng ban Mục vụ Giáo lý cho biết: Giáo phận TP.HCM mong muốn các tiểu ban Giáo lý làm việc chung và phối hợp với nhau, phối hợp với các đoàn thể khác trong cùng một hướng đi, một phương pháp và một giáo trình. Sẽ thuận tiện hơn nếu mỗi giáo xứ có một người phụ trách Ban Giáo lý bên cạnh linh mục chính xứ …
Theo linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền, cũng cần tân Phúc Âm hóa nhiệt tình của người giảng dạy, mỗi giáo lý viên trở nên những chứng từ trong cuộc sống. Hiện nay Ban Mục vụ Giáo lý giáo phận TP.HCM đã soạn thảo bộ giáo lý “Hiệp thông” với tinh thần không còn là “dạy” và “học”, nhưng là để qua đó “gặp gỡ” Chúa.

VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1959 ra ngày 30.05.2014, trang 15.

Giáo phận TP.HCM biểu lộ tình yêu đất nước



GIÁO PHẬN TP.HCM VỚI TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG, DÂN TỘC
Trong ngày 22.5.2014, nhiều giáo xứ trong giáo phận TP.HCM đã hướng về Biển Đông, hiệp thông và chia sẻ với các nạn nhân, cùng cầu nguyện cho quê hương đất nước trong các thánh lễ và giờ chầu Thánh Thể .
9g30’ sáng 22.5.2014, tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn, các thành phần dân Chúa giáo phận TP.HCM đã quy tụ để biểu lộ lòng yêu nước, thương đồng bào theo cách riêng của người công dân Công giáo. Mọi người cùng cầu nguyện, hiệp dâng thánh lễ và góp tiền ủng hộ nâng đỡ các ngư dân nạn nhân của tầu Trung Quốc và các chiến sĩ cảnh sát hải giám Việt Nam bị thương. Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc chủ tế thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình tại Biển Đông. Cùng đồng tế có 55 linh mục. Nhiều tu sĩ, các hội đoàn và bà con giáo dân tham dự đầy các hàng ghế nhà thờ.
Chia sẻ sau bài Tin Mừng, Đức Tổng Giám mục mong con cái của Thiên Chúa là những sứ giả của hòa bình, đi rao giảng hòa bình, gieo mầm hòa bình, không bao giờ muốn chiến tranh, giống hình ảnh của Thiên Chúa là tình yêu. Chỉ những ai hiếu chiến, xâm lược mới dùng sức mạnh quân sự, coi chiến tranh là giải pháp tối ưu để đe dọa người yếu thế. Còn người bị đè bẹp thì cần nương tựa vào bạn bè để chống lại thế lực ức hiếp. Người Công giáo phải biết nương tựa vào Chúa, là thành lũy vững chắc, là đá tảng vững bền muôn đời tồn tại.
Trong lời nguyện tín hữu, đại diện giáo dân đã dâng lời khẩn cầu lên Thiên Chúa là Đấng bảo vệ quyền lợi cho nhân dân các nước, thương ban cho các dân tộc được sống trong hòa bình chân chính. Gia đình giáo phận TP.HCM cầu cho các thành phần trong Giáo hội luôn kiên trì rao giảng Tin Mừng bình an; cầu cho các nhà lãnh đạo hai quốc gia bình tĩnh và khôn ngoan xây dựng con đường đối thoại và hòa giải; xin cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư bảo vệ, ngư dân gặp nạn được tràn đầy bình an Chúa Phục sinh; các Kitô hữu trở nên những nhà hòa giải…
Các thành phần dân Chúa trong giáo phận TP.HCM cũng được mời gọi có những hành động cụ thể biểu lộ tinh thần yêu mến quê hương, dân tộc qua việc cầu nguyện, tham dự thánh lễ, giờ chầu, tiết giảm chi tiêu,… Số tiền ủng hộ lực lượng bảo vệ, các ngư dân, nạn nhân… đóng góp tại các giáo xứ sẽ được đưa về Tòa Tổng Giám mục, rồi chuyển đến Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Tối 22.5.2014, giờ chầu Thánh Thể tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn cũng quy tụ nhiều giáo dân tham dự. Linh mục Phêrô Đỗ Duy Khánh - Phụ tá giáo xứ Chánh tòa chủ sự nghi thức. Có sự hiện diện của linh mục chánh xứ Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh. Cộng đoàn thể hiện tinh thần liên đới với dân tộc bằng lời cầu nguyện với Thánh Thể Chúa Giêsu.
* Ngày 25.5.2014, Đức Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên có thư kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình trên Biển Đông. Theo đó, giáo phận Hải Phòng sẽ tổ chức một giờ chầu Thánh Thể tại các nhà thờ, cơ sở dòng tu vào Chúa nhật 1.6.2014. Trong thời gian này, sau mỗi thánh lễ hoặc giờ cầu nguyện hằng ngày, cộng đoàn đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh, với ý chỉ xin Thiên Chúa ban cho quê hương Việt Nam được bình an và thịnh vượng.
* Thể hiện lòng yêu mến đổi với quê hương đất nước và hưởng ứng lời kêu gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam, giáo phận Mỹ Tho dành ngày thứ Năm 29.5.2014 để hiệp thông cầu nguyện. Các giáo xứ, các dòng tu tổ chức một giờ chầu, cầu nguyện và cử hành thánh lễ “Cầu cho hòa bình và công lý” trong sách lễ Rôma. Các tín hữu được mời gọi hy sinh hãm mình để giúp đỡ cho các nạn nhân; đồng thời bày tỏ lòng yêu nước cách đúng đắn, ôn hòa, bất bạo động.

HOÀNG KIM LONG
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1959 ra ngày 30.05.2014, trang 14.