Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Giáo hội dưới góc nhìn của nhà khoa học và thần học



GIÁO HỘI LÀ CỘNG ĐOÀN CỦA ĐỨC MẾN
Sáng 4.10.2014, Học viện Trung tâm Mục vụ giáo phận TP.HCM đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về “Giáo hội, Thánh nhân hay Tội nhân?” dưới góc nhìn của nhà khoa học và thần học với sự tham dự của nhiều tu sĩ, dự tu, học viên.
Giáo sư Nguyễn Văn Trọng - Tiến sĩ Vật lý trong đề tài “Khoa học và tôn giáo trong tương quan với đời sống con người” đã chia sẻ một số nhận thức về khoa học và tôn giáo thu nhận được từ trải nghiệm cá nhân với tư cách là một người nghiên cứu vật lý và một cá nhân sống trong xã hội. “Khoa học xuất hiện trước tiên ở phương Tây như một loại hình hoạt động văn hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của con người. Khoa học vốn chưa từng có trong văn hóa truyền thống của người Việt và được du nhập vào nước ta từ phương Tây. Nhiều người Việt tưởng rằng khoa học và tôn giáo chống đối nhau, loại trừ nhau. Nhưng khoa học và tôn giáo không loại trừ nhau. Ý nghĩa chân chính của tôn giáo được khai mở chủ yếu nhờ nỗ lực của những tinh hoa văn hóa. Con người tự do lựa chọn con đường giữa chân và ngụy, giữa thiện và ác.”, giáo sư Trọng gợi mở.
Ông cũng đã giúp các tham dự viên có cái nhìn khách quan về mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo trong một xã hội hiện đại và cho rằng thời đại hiện nay có cả những điều hay lẫn điều dở khi tiếp cận tri thức, không nên áp đặt suy nghĩ của mình làm câu trả lời, mà phải khuyến khích sự quan tâm, tự tìm hiểu vì mình không có khả năng tác động, thay đổi cho người khác. Theo giáo sư Trọng, Kitô giáo hay Phật giáo đều đòi hỏi tôn trọng phẩm giá con người, không phụ thuộc vào địa vị xã hội hay của cải. “Cả hai tôn giáo đều nói đến một thế giới tinh thần, độc lập với cõi trần gian. Con người trong thế giới tinh thần được hiệu triệu hướng tới điều thiện, kháng cự lại những cám dỗ dục vọng thấp hèn của thế giới trần gian để hoàn thiện bản thân. Cả hai tôn giáo đều nói đến tình thương yêu hay lòng từ bi đối với thế giới xung quanh, và trước hết là đối với đồng loại của mình”, ông Trọng chia sẻ.
Tiếp đến, cộng đoàn đã được linh mục Giuse Nguyễn Văn Am - tu sĩ dòng Salesiens Don Bosco, Tiến sĩ thần học - giới thiệu Hội Thánh qua lăng kính “Công đồng Vatican II: Sự thánh thiện Kitô hữu - Thành tựu hay lên đường? Hồng ân và trách nhiệm”. Cha Am tái khẳng định không có sự đối kháng giữa Giáo hội thánh thiện và tội lỗi của con cái trong Giáo hội nhưng lại có những nét cốt lõi của sự thánh thiện Kitô hữu, những hậu kết mục vụ về sự thánh thiện. “Giáo hội thường được tuyên xưng là thánh thiện, Công giáo và tông truyền. Chính Chúa Giêsu ở nơi Giáo hội và làm cho Giáo hội nên Thánh, như dấu chỉ của sự thánh thiện yêu thương nơi Đức Kitô. Nhờ quyền năng thánh hóa mà Thiên Chúa tác động trong Giáo hội, mặc cho mọi yếu đuối, tội lỗi của con người, mà trở nên tặng phẩm của Thiên Chúa nhân lành, yêu thương và trung tín. Sự giao thoa lạ lùng giữa sự trung tín của Thiên Chúa và sự bất trung của con người, là nét đặc trưng của thực tại Giáo hội. Vì thế Giáo hội luôn cần được thanh tẩy, nên không ngừng bước đi trên con đường sám hối và canh tân.”, cha Am dẫn giải.
Ngài đã dẫn chứng nhiều ví dụ thực tế để các tham dự viên hiểu thêm về sự thánh thiện Kitô hữu trong đa dạng và hợp nhất, để từ đó rút ra nhận định: Trở nên chính mình trong Chúa Giêsu. “Thiên Chúa hẹn gặp mỗi người ngay tại thời điểm này, nơi công sở, trường học, tại cộng đoàn với những sinh hoạt của từng con người. Ngài mời gọi ta nên thánh trong những cố gắng nhỏ bé mỗi ngày, trong sự vui vẻ chu toàn bổn phận. Cay độc, châm biếm không phải là sự thánh thiện của Kitô giáo. Giáo hội là cộng đoàn của Đức Mến. Khi Đức Mến tăng trưởng thì Đức Tin, Đức Ái cũng phát triển.”, cha Am nhấn mạnh.

VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN
i đăng Báo Công giáo và Dân tộc số 1978 ra ngày 10.10.2014, trang 18.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét